Đà Nẵng trong tuyến du lịch Trung Kỳ đầu thế kỷ 20

.

Vào năm 1913, Tổng đại diện ngành Du lịch thuộc địa Pháp ở Đông Dương và M. Mahé - Khâm sứ Trung Kỳ yêu cầu Sở Du lịch thuộc địa thực hiện tập sách Hướng dẫn du lịch Trung Kỳ (Guide de l’Annam), do P. Eberhard biên soạn, được xuất bản vào năm 1914 tại Paris. 

Ngoài thông tin khái quát lịch sử An Nam (Việt Nam), tập sách ghi rõ lộ trình tham quan theo chiều Nam - Bắc, từ Bình Thuận đến Thanh Hóa. Riêng lộ trình tại Tourane, Đà Nẵng (trang 43 đến 51), nhận thấy có nhiều thông tin thú vị, bài viết xin giới thiệu (theo bản dịch của nhà nghiên cứu Huỳnh Phương Bá) cùng độc giả.

Ải Vân Quan trên đèo Hải Vân. Ảnh: BABAU
Ải Vân Quan trên đèo Hải Vân. Ảnh: BABAU

Thành phố Đà Nẵng và cảng Đà Nẵng đã trở thành nhượng địa theo một chỉ dụ của nhà vua (Đồng Khánh) vào ngày 9-10-1888 gồm một số làng lân cận. Những xe chuyển thư nối liền giữa Bắc Kỳ và Nam Kỳ; những tàu chở hàng đi Pháp, những tàu đi về Trung Quốc hằng tháng neo đậu tại bán đảo Sơn Trà; khi cập bến các tàu đều hú còi khi đã nhìn được trụ dây thép bưu điện tại một đảo nhỏ. Những cầu cảng tại đây muốn sử dụng được luôn phải nạo nét bùn.

Muốn vào đất liền đã có sà lúp của hãng Messageries Maritimes. Mỗi chuyến chở được 15 khách không mang hành lý. Thường mọi người bàn bạc với nhau để 3-4 người cùng đi một chiếc đò và có người vác hành lý đến tận khách sạn với giá 0,15 đồng mỗi kiện. Chỉ có một khách sạn duy nhất - khách sạn Morin(*) nằm bên bờ sông Hàn. Khách sạn có nhiều phòng lớn nằm trên tầng lầu, tầng dưới chỉ có các phòng nhỏ. Muốn có phòng ở thì cách tốt nhất là giữ phòng qua điện thoại.

Việc đi tham quan trong khu vực nội thành rất nhanh, không có tòa nhà nào trọng yếu, chỉ có “nhà ga trung tâm Đà Nẵng” ở đầu bãi cát - nơi đây sẽ xây dựng thành phố. Một đường xe lửa đã nối liền Đà Nẵng với Huế, Quảng Trị, Đông Hà, xuyên qua đèo Hải Vân.

Có nhiều cuộc du ngoạn ra ngoài thành phố bằng ô-tô đến địa phận tỉnh Quảng Nam: Đà Nẵng đi Cẩm Lệ: Đi và về theo đường cái quan, dọc đường của vùng đất ông Gravelle (chủ Kho bạc Đà Nẵng) hoặc theo đường bệnh viện dọc theo ven biển; Đà Nẵng - Túy Loan: Đi và về theo đường cái quan; Đà Nẵng - Túy Loan - Phú Thượng - Đà Nẵng; Đà Nẵng - Nghi An đi và về (Nghi An có vùng đất của ông Gravelle, với nhiều loại cây trồng sắn, chè...); Đà Nẵng - Phú Thượng đi và về (Phú Thượng có vùng đất của ông Bertrand với các loại cây cau, cà-phê, chè); Đà Nẵng - dọc bờ biển Thanh Khê theo đường dọc biển đi và về bệnh viện hoặc Cẩm Lệ; Đà Nẵng - đèo Hải Vân: Lên tận đỉnh rồi về trở lại.

Việc quản lý thành phố Đà Nẵng về mặt hành chính và pháp lý giống như 2 thành phố Hà Nội và Hải Phòng. Thành phố có một khách sạn là nơi ăn, nơi ngủ và tiếp tế; một câu lạc bộ, 2 sân quần vợt. Có một chi nhánh ngân hàng Đông Dương, có đại diện 2 hãng: Messageries Maritimes (vận tải biển) và hãng Chargeurs Réunis (vận tải đường bộ).

Vườn hoa nằm ở đầu thành phố gần sân quần vợt của Sở Thương chánh nơi có “bảo tàng Chàm” lưu giữ các tác phẩm đẹp thuộc các phế tích Trà Kiệu, Mỹ Sơn. Nơi đây lại không có hàng rào, không coi ngó nên không thể ngăn bọn ăn cắp cổ vật, nên nơi đây chưa đem lại lợi ích thiết thực.

Việc buôn bán của người bản xứ và người Hoa thể hiện tại các kho chứa hàng lớn của các chủ hàng Quảng Nam. Còn việc buôn bán của người Âu có đại diện các hãng: Dérobert và Fiard mà chúng ta cũng thấy có tại Quảng Nam; các chi điếm Speidel, Charrière, U.C.I, 3 hãng xăng dầu: Standard Oil, Asiatic Petroleum và Franco - Asiatique des Pétroles.

Về các cuộc du ký dạo chơi:

- Tham quan vùng đất (đồn điền) của 2 ông Gravelle và Bertraud (mang theo thức ăn để ăn trưa tại chỗ).

- Các cuộc du hý bằng thuyền hay xà lúp (thời gian khoảng 45 phút) sẽ đến bán đảo Sơn Trà, tại đây có trại phong cũ, có những nhà hàng của các hãng Dock và Than đá mà các hãng này đã nhượng cho nhà nước bảo hộ vào năm 1907. Đường sắt khổ hẹp từ Hội An đến đây là điểm cuối. Tại đây còn có trại lính đã bỏ hoang và một ngọn hải đăng. Bán đảo này là nơi lý tưởng cho việc săn bắn, có thể tổ chức đi săn loài sóc. Người ta còn thấy tại đây loài khỉ chà vá chân nâu mà bộ lông rất được ưa thích.

- Đi đến đèo Hải Vân, là đoạn đường cái quan tuyệt đẹp đi từ Đà Nẵng đến đỉnh đèo Hải Vân. Đoạn đường này đi được bằng ô-tô, xe kéo, ngựa nhưng các loại xe kéo thì khó đi. Đoạn đầu dài 18 km thì bằng phẳng cho đến Liên Chiểu. Đến Liên Chiểu đi qua cầu đường sắt rồi tiếp tục đi nối lại đường cũ và leo dốc dài 13 km với độ dốc 12 độ trên suốt đoạn đường này. Trước mắt du khách là phong cảnh tuyệt đẹp của vịnh và biển Đà Nẵng. Lên đến đỉnh núi là Ải Vân Quan, có thể nghỉ ăn trưa. Xuống phía bên kia đèo sẽ đến Lăng Cô. Tại Lăng Cô sẽ có tàu hỏa đưa du khách trở về lại Đà Nẵng. Thật đáng tiếc là lúc này, hãng Hyckelynk Đà Nẵng đã hủy bỏ dịch vụ đưa du khách đi bằng ô-tô với thời gian từ 2 giờ 30 đến 3 giờ khứ hồi.

- Du hý Ngũ Hành Sơn - Các hang động: Núi Ngũ Hành cũng như Tiên Sa nằm trong lãnh thổ của tỉnh, nên các cuộc du hý cũng tiến hành được dễ dàng như ở Đà Nẵng đi đến đèo Hải Vân (nơi chồng lên cả hai địa giới của Quảng Nam và Thừa Thiên). Có thể đi khứ hồi bằng xe lửa và như thế phải ăn tại chỗ rồi chờ xe lửa vào buổi chiều để trở về hoặc đi về bằng thuyền. Thông thường đi xe lửa vào lúc 7 giờ 10 phút buổi sáng rồi trở về bằng thuyền trước hoặc sau khi ăn trưa để buổi chiều đi Hội An bằng đường sắt; đi qua vùng cát không lấy gì làm thuận lợi lắm.

Những ngọn núi như một công trường đá, là những nhóm đá nổi lên giữa vùng đồng bằng, có một hang động kỳ vĩ, là nơi thờ Phật, nhìn thấy những hoa văn điêu khắc cho thấy người Chàm đã qua đây, kể cả trong làng còn lại nhiều di tích. Đi lên ngôi chùa theo các bậc tam cấp rộng và các bậc thềm nối tiếp nhau. Trên đỉnh núi đá vôi hết sức gồ ghề với những thung lũng nhỏ, các ngôi chùa, những bậc tam cấp bằng cẩm thạch được gọt đẽo dẫn lên những chỗ bằng phẳng để ngắm nhìn biển xa vô tận. Du khách có thể ăn trưa tại hang động lớn (động Huyền Không), nơi mà các nhà sư dễ dàng cho khách đi vào. Hang động này nằm tại núi chính, có hai vị thần gác cửa: đây là một vòm được tạo bởi sự thẩm thấu tạo thành một vòm như vòm mộ, ánh sáng dịu, vàng hoe nửa sáng nửa tối huyền bí và thần tiên.

- Từ Đà Nẵng có thể đi đò thẳng đến Hội An, Quảng Huế, Nông Sơn hoặc bến Ván (An Tân), Quảng Ngãi. Từ Đà Nẵng đến Hội An theo đường cái quan dài 33km. Từ Đà Nẵng muốn đi vào Hội An phải đi qua một đoạn đường dài từ 3-4 km để đến bến đò Cẩm Lệ bằng xe kéo, ô-tô hoặc đi bộ. Qua đò đến đường cái quan thì rẽ trái. Đò Cẩm Lệ qua đoạn sông rộng nằm về phía tây Ngũ Hành Sơn dài 13,5km, có cây cầu bê-tông cốt sắt dài 103m và sau này bị hủy bỏ.

Đi qua thành tỉnh nơi có dinh thự của các quan đầu tỉnh, rồi đi tiếp đến Hội An (Đà Nẵng - Cẩm Lệ - Vĩnh Điện nơi có thành tỉnh La Qua rồi theo đường Vĩnh Điện - Hội An qua Lai Nghi - Thanh Hà) đoạn đường dài 9,5km qua làng gạch ngói Thanh Hà lại gặp mối đường cái quan đi về chợ Củi theo hướng Tam Kỳ (đoạn từ Lai Nghi Cống

Đá - Thanh Chiêm giáp lại đường cái quan tại Chợ Củi đi về Tam Kỳ). Hội An nơi có Tòa Công sứ và người Âu, có phố người Hoa và người bản xứ. Một khách sạn của người An Nam giá bữa ăn là 1,2 đồng không chỗ ngủ. Hai phòng dành cho khách song phải đặt trước qua Tòa Công sứ.

Võ Hà

(*) Khách sạn Morin do anh em nhà Morin sáng lập, còn gọi là Khách sạn Lớn Đà Nẵng (Grand Hotel de Tourane) gồm 47 phòng, nằm trên đường Quai de Courbet (từ năm 1956 là Bạch Đằng); sau năm 1975 là khách sạn Bạch Đằng, đến năm 2012 thì đã bị đập bỏ và hiện nay là khu phức hợp khách sạn Bạch Đằng (Hilton Đà Nẵng).

;
;
.
.
.
.
.