Bí ẩn cây thị cổ

.

Chú Sâm trở dậy, mở cửa nhìn trời, trời tối nhờ nhờ, lại lất phất mưa phùn, gió bấc thổi ào ào trên những tán cây trong vườn. Định đóng cửa đi vào bếp khơi cho cái bếp than hồng lửa chuẩn bị đi sang nhà bác Thanh mổ lợn lấy cỗ lòng về làm hàng buổi sáng thì chú phát hiện thấy cạnh chỗ tủ hàng có tiếng động đậy. Một cái chăn bông rách tươm đang bùng nhùng, có tiếng người rên khe khẽ. Chú bật bóng điện. Thì ra là lão già ăn mày đã ngủ lại trước cửa quán nhà chú đêm qua. Chú quát:

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

- Thế có chết không. Hỏng hết cây cối còn gì.

Chú kéo chăn khỏi người lão. Mặt lão lộ ra. Mái tóc bạc như cước với đôi mắt trũng hoáy. Chú đã nhận ra cái lão này sáng hôm kia có lang thang ở chợ, sau đó thì đến ngồi ăn vạ trước cửa quán bún lòng của chú. Chú Sâm múc bát bún, mang ra cho lão ăn.

- Sao lão không ở nhà với con?

Lão già lắc đầu, cười khì khì. Chú Sâm thở dài, lão già thế này mà con cái còn để cho đi ăn mày. Lão vén mớ tóc lòa xòa trước mặt để và nốt miếng bún cuối cùng, rồi lão già cười hềnh hệch, chìa bát trả chú Sâm. Chú Sâm cầm bát bước đi, qua cửa nhà bác Vũ, bác Vũ gạ chơi ván cờ đã. Chú Sâm gật đầu. Bác Vũ bê bàn cờ ra gốc cây. Hai người chơi vài nước đầu hăng lắm, nhưng rồi bác Vũ bị chú Sâm cho rơi vào một thế cờ rất bí, phải căng óc suy nghĩ. Bỗng lão ăn mày rón rén lại gần, vừa nhìn vào bàn cờ, rồi chỉ tay, vẽ nước đi cho bác Vũ. Bác Vũ vỗ tay đánh bộp vào đầu rồi đi theo gợi ý của lão, đánh thêm hai nước nữa, bác Vũ thắng cờ.

Chú Sâm ngạc nhiên, cầm một con cờ lên hỏi lão:

- Lão biết chơi cờ à? Con gì đây?

Lão lại lắc đầu.

- Không nhớ con cờ mà vẫn nhớ cách chơi, phục bố già đấy.

Bác Vũ gạ:

- Ta làm một ván nhá!

Lão ăn mày gật đầu. Chưa đầy nửa tiếng bác Vũ bó tay chịu thua, lũ trẻ thì hoan hô lão ăn mày, mấy bà bán hàng thì chê cờ bác Vũ kém thế. Bác Vũ vào nhà lấy cho lão ăn mày một cái bánh chưng, lão vui hơn hớn đón nhận bánh chưng bằng cả hai tay, rồi chống gậy thất thểu bỏ đi.

Chú Sâm đã theo chân bác Thanh đi mòn không biết bao nhiêu lốp xe đến các vườn cây cảnh để ngắm nghía, và chú cũng giấu giếm vợ mua được tới gần chục chậu bon sai về trưng trong vườn nhà. Vợ chú lúc đầu không thích, càu nhàu ghê lắm, bảo, chẳng thấy cái dáng dấp nào ra hồn cả, như chỉ có thể đem làm củi nhóm lò. Chú Sâm cười, cứ đợi đấy. Và chuyện xảy ra thật. Dần dần thấy nhà chú có cây đẹp, nhiều khách đến chơi ngắm mấy cái cây chú mua về rồi lân la chén rượu, đĩa lòng bàn tán, đâm ra quán lại đắt hàng. Có lần ông khách say rượu trả cây sanh cả chục triệu, chú Sâm bán đưa tám triệu cho vợ, còn hai triệu giữ lại làm vốn đi mua cây tiếp.

Tuy vậy, chú Sâm vẫn còn chưa bằng lòng khi thấy mấy anh em gạo cội trong làng sinh vật cảnh ngồi đàm đạo về cây thị cổ có tên là Kỳ mộc của nghệ nhân Đằng ở vùng Cẩm Giàng. Nào là Kỳ mộc hội tụ đủ cả các yếu tố cổ, kỳ, mỹ, được chiêm ngưỡng nó thì con mắt, cái tâm người chơi cây sáng láng như phật tử được chiêm bái Đức Phật Di Đà hiển linh. Nào là gốc thì chảy xị ra như bánh đúc, rễ thì bện vào như rắn trườn, cành thì uốn lắc uyển chuyển, mềm mại như tay vũ công đang múa, mốc trắng đã chạy khắp từ gốc tới đầu cành, cây lại ôm trên tảng đá, thả nước. Nhưng không phải ai cũng có may mắn được ngắm Kỳ mộc.

Mấy anh em cũng chỉ nghe người khác kể rồi đem ra câu chuyện bàn trà chứ cũng chưa từng được mục sở thị. Nghe đâu gia đình nghệ nhân Đằng trông coi cây cổ như bảo vật trong gia đình, nhất là sau khi có một nghệ nhân đẳng cấp quốc tế về thăm ngắm và thốt lên rằng, quả là không hổ danh tên gọi Kỳ mộc! Sau đó, đã có một đại gia giấu tên trả giá tới một tỷ, thiên hạ xôn xao, nghệ nhân Đằng vẫn dửng dưng. Lại có tin, một đại gia khác trả lên tới tỷ hai, thiên hạ lại được phen nháo nhác cả lên, dòng họ còn nhốn nháo hơn, nghệ nhân Đằng vẫn như dòng sông phẳng lặng, nhưng cây thị lập tức như công chúa bị giam trong cấm cung, Đằng không cho người thưởng ngoạn ra vào tự do nữa.

Càng nghe chuyện về Kỳ mộc càng thèm. Không chỉ chú Sâm, dân chơi cây ai cũng mong được ngắm Kỳ mộc một lần trong đời.

Tin nhà nghệ nhân Đằng mở cửa vườn cấm cho anh em chơi cây vào chiêm ngưỡng Kỳ mộc đã được ba hôm, lại còn cho chụp ảnh, quay phim thoải mái, nên phải đi ngay, biết đâu nay mai ông ấy dở chứng lại cho đóng cửa vườn thì mất cơ hội ngắm cây quý. Chú Sâm gật gù ra chiều chí lí lắm.

Bước vào mảnh sân trước, chú Sâm đã bị choáng ngợp bởi những chậu cây bon sai kê theo hàng lối, nào tùng, si, sanh, lộc vừng, duối, khế, dành dành… cây nào cũng sạch sẽ, sáng sủa, chứng tỏ tay nghề của Đằng không phải tầm thường. Bác Thanh kéo tay chú Sâm vào vườn trong.

Bước chân qua ngôi nhà gỗ cổ kính, chú Sâm thấy mình rơi vào một thế giới hoàn toàn khác. Chung quanh chỉ một màu xanh của tre, trúc, mít, chuối… lại có tiếng chim hót ríu ran như lạc trong một khu rừng. Giữa sân là một cái bể đá rêu phong cổ kính. Và Kỳ mộc ngự trên đó. Vừa chạm mắt vào Kỳ mộc, chú đã như bị thôi miên bởi dáng vẻ cổ kính, trang nghiêm mà lại hoang hoải và cũng rất thuần khiết dung dị đến không ngờ của gốc thị cổ này. Các đường nét thân cành gốc rễ và núi và nước và bể đều kết hợp hài hòa đến độ tinh tế. Các tầng tán phân mảng rạch ròi mà vẫn quấn quýt, lại có sự phóng khoáng, bay bổng. Mạch chạy thân cành đồng điệu tuyệt đỉnh với mạch chảy của tán lá, trông chẳng khác gì những đám mây xanh đang vờn trên ngọn núi, trên con suối, trên mái đình... Chú Sâm đứng ngây ra. Bác Thanh vỗ vai hai cái chú mới giật mình vội vàng hỏi:

- Dạ, anh bảo gì em hả anh?

- Bị cây hớp hồn rồi hả? Bảo gì đâu, nghệ nhân Đằng muốn có đôi lời với anh em chơi cây xa gần kia kìa, chú nghe người ta nói chút kẻo chỉ biết cây mà không biết người, làm người ta chạnh lòng.

Lúc này chú Sâm mới ngẩng lên. Nghệ nhân Đằng tướng mạo hơn người đang đứng trước cửa lớn, sau khi rót từng chén trà mời anh em chơi cây khắp muôn phương uống tạm chén trà nhạt, Đằng xin phép được nói đôi lời. Giọng nghệ nhân Đằng trầm ấm pha chút buồn xa xăm. Sau lời chào hỏi xã giao, Đằng húng hắng ho rồi mới nói tiếp được:

- Anh em thông cảm cho. Trong thời gian qua, nhà tôi vì lo mất cây nên không có thời gian để tiếp đón hết anh em tới ngắm cây được. Nhưng nay nhà tôi đang lạc mất người nên mong nhờ cây để anh em có thể cùng tìm giúp cho.

Thì ra thời điểm giáp Tết có người trả Kỳ mộc lên tới hai tỷ, “đạn” bắn nhiều quá nên Đằng lung lay, có ý định bán. Nhưng ông cụ thân sinh ra Đằng là cụ Đăng không cho bán, bố con thành ra to tiếng, ông cụ còn mắng Đằng chơi cây mà nhốt chặt cây thế thì không xứng với nghề chơi thanh lịch này. Mấy anh chị em họ con chú ruột hay tin rủ nhau kéo bè kéo cánh đến đúng lúc ấy. Mặt ai cũng hùng hổ như muốn ăn tươi nuốt sống Đằng ngay.

Thằng Dũng con út chú thứ ba, chỉ tay mặt Đằng: “Anh định tẩu bán đi để ăn mảnh một mình hả?”. Đằng nghe mà tái mặt. Quay là con trưởng chú thứ hai, ngồi vắt chân lên bàn uống nước, rút chiếc bật lửa gas ra bật đánh xoẹt ngang mặt Đằng, giọng hầm hè đe dọa: “Cây thị cổ là của cụ tam đại để lại, bán phải chia đều các đầu con cháu cụ, nếu không thì không xong với nhau đâu”. Quay rút tờ giấy gí vào bật lửa, tờ giấy cháy đùng đùng, Quay gí gót giầy, tro nát vụn trên nền nhà. Cái Dung chị thằng Dũng thì ôm lấy chân ông cụ Đăng, kêu gào như có người chết: “Ới bác ơi, một giọt máu đào hơn ao nước lã, bác vẫn bảo bác thương chúng cháu trai cũng như gái, nay bác bán cây có lộc mà nỡ không nhớ tới chúng cháu sao bác ơi là bác ơi…”.

Ông cụ Đăng ôm đầu, trợn ngược mắt, mặt tái nhợt, đổ vật xuống ghế. Sau trận chấn động đó, ông cụ ốm liệt giường, thỉnh thoảng lên cơn động kinh, lú lẫn. Những lúc ấy, con cái cũng không nhận ra, đi tới đầu làng cũng không nhớ lối về nhà. Một hôm ông cụ vượt tường bỏ nhà đi đâu mất. Đằng và người nhà đi tìm cả nửa tháng nay không thấy, phát tờ rơi khắp nơi, dán thông báo tìm người nhà khắp các cột điện, bờ tường, cũng vẫn vô âm tín. Đằng quyết về mở cửa vườn, cho anh em các tỉnh vào ngắm cây, cũng là mong nhờ anh em khắp nơi tìm giúp, hoặc loan tin tìm giúp cha mình.

Đằng gửi tờ thông báo tìm ông cụ Đăng cho mọi người. Trong đó có in ảnh ông Đăng. Chú Sâm vừa cúi xuống nhìn ảnh đã giật mình nhận ra đôi mắt to sâu đen và mái tóc trắng, dài khác người búi phía sau. Chú Sâm lại rỉ tai bác Thanh, ông Đăng giống ông lão ăn mày đang vảng vất quanh khu phố chợ chỗ nhà em lắm. Bác Thanh kéo chú Sâm lại gặp Đằng. Nghe thế, Đằng vội vã mời hai người vào phòng trong nói chuyện cho tiện. Chú Sâm kể chuyện. Đằng lại lấy mấy tấm ảnh của ông Đăng cho chú Sâm nhìn. Chú Sâm bảo, tuy có bẩn thỉu, rách rưới nhưng cam đoan là đúng, ông cụ biết chơi cờ rất giỏi dù chẳng nhớ nổi quân cờ. Đằng như ôm lấy chú Sâm mà khóc: “Thế thì đúng bố tôi rồi”.

Không chậm trễ, chú Sâm gọi điện về cho vợ, sai vợ ra chợ tìm ông lão ăn mày hôm trước xin bún. Còn Đằng thì chuẩn bị xe để đi theo chú Sâm về nhà. Lúc sau vợ chú Sâm gọi lại bảo, không thấy ông lão ở chợ, chắc là ông lại đi lang thang rồi. Cứ về chỗ anh đi, may còn kịp, Đằng dứt khoát. Ba người lên đường ngay.

Đằng ngồi sau xe chú Sâm, quả quyết: Tại tôi quý cây hơn tình nghĩa nên ông cụ mới ra nông nỗi này anh ạ. Chỉ cần tìm thấy ông cụ thì ông cụ muốn sao tôi cũng chiều lòng.

Nhưng khi về khu chợ tìm, lại đi khắp mấy làng quanh đấy nữa cũng không thấy bóng dáng ông lão ăn mày đâu. Đang chở Đằng về thì chú Sâm gặp bác Vũ đạp xe đạp ngược chiều lại, hỏi đi đâu, bác Vũ bảo đi sang thôn Bái chơi cờ, còn gặp lão ăn mày, mời lão chơi hai ván thắng cả lão Đo với bác Hoàn luôn.

- Thế lão ấy giờ đâu rồi?

Chú Sâm hỏi.

- Mọi người cho gói bánh, lại chống gậy đi lang thang rồi. Bác Vũ bảo.

Đằng đã cùng chú Sâm và bác Thanh tìm khắp các ngóc ngách quanh vùng tới tối không thấy bóng dáng ông Đăng, Đằng đành xin phép về nhà, mai lên tìm tiếp và nhờ mọi người loan tin tìm giúp, lại gửi túi tờ thông báo nhờ vợ chú Sâm đi dán hộ.

Hai ngày sau, chú Sâm và mấy anh em chơi cây cảnh vẫn nhiệt tình tìm người giúp cho nghệ nhân Đằng nhưng vô vọng, có lẽ, ông lão đã đi tới vùng khác rồi. Đằng đành tạm biệt vợ chồng chú Sâm và mấy anh em cây cảnh trong phố chợ để chuyển hướng tìm. Thì không ngờ, đến đêm hôm sau, lão ăn mày lại về dưới góc quán nhà chú Sâm ngủ nhờ. Sáng dậy mở cửa quán, chú Sâm phát hiện ra đống chăn bùng nhùng, bèn lao đến nắm chặt tay ông lão mà rằng:

- Ông lão là Đăng đúng không?

 Lão ăn mày gật đầu.

- Nhà ông có tác phẩm Kỳ mộc đúng không?

 Lão ăn mày lắc đầu. Chú Sâm vẫn cứ hỏi tới:

- Là cây thị cổ đó.

Nhắc tới cây thị cổ, mắt lão ăn mày bỗng sáng lên kỳ lạ, như minh mẫn đã trở lại, lão nói một mạch:
- Đúng rồi. Cây đó, cha ta lấy từ trong chùa bên sông Cái. Khi đó, ngôi chùa bị phá bỏ, người thì đốt, người thì phá, người thì lấy gỗ, lấy gạch, cha ta vốn thích cây liền nhân lúc vắng người bê cây thị về nhà. Thế mà nay, chúng nó định bán lấy tiền phá ngôi nhà cổ mà cha ta để lại để xây nhà mới, rồi còn đòi chia năm xẻ bảy, cãi chửi nhau không biết trên dưới, phải quấy là gì nữa.

Rồi lão mếu máo khóc, mặt lão buồn vời vợi. Chú Sâm tìm lời động viên rồi mời ông lão ăn bát cháo lòng cho ấm bụng, trong lúc ấy chú Sâm đã bí mật sai vợ gọi điện cho nghệ nhân Đằng, rồi lại gọi con trai mang bàn cờ ra để chơi với ông lão. Chơi ba ván thua cả ba. Chú Sâm gọi bác Vũ, còn huy động luôn cả mấy ông già trong xóm ra chơi cờ để kéo dài thời gian. Tất cả đều thua lão ăn mày. Đến lúc ông lão cười khì khì, định đứng lên đi thì xe của nhà Đằng đỗ xịch trước cửa quán. Đằng lao vào ôm chặt lấy ông lão mà khóc rằng, chúng con tìm thấy bố rồi, bố về nhà thôi, chúng con sẽ không bán cây của bố đi nữa.

Chùa Cây Thị được trùng tu. Khách thập phương đến chùa Cây Thị thắp hương vái Phật đông một cách lạ thường. Thật may mắn, tôi gặp một nghệ nhân cây cảnh cũng từ xa đến vãng cảnh chùa và đang đứng như bị mê đi trước bóng cây thị già đang vươn những tán cành như những đám mây xanh sà xuống sân chùa. Vì chung sở thích mê cây cảnh, sau một hồi trò chuyện, người ấy giới thiệu tên là Sâm và kể cho tôi nghe câu chuyện này.

Cùng lúc ấy, có một cụ già râu tóc trắng như cước, tay cầm thẻ hương, tay dắt một bé gái chừng chục tuổi vào lễ Phật, vãng cảnh chùa. Chú Sâm nhận ra người quen, vui mừng thốt lên với tôi: Không ngờ được gặp ông cụ ở chốn thanh tịnh này, là ông cụ Đăng đó! Sau khi nghệ nhân Đằng cung tiến cây thị lên chùa, ông cụ bỗng hết bệnh, khỏe ra, minh mẫn hẳn, cụ vẫn hay lên chùa lễ Phật và thăm cây thị cổ.

Nguyễn Thu Hằng
 

;
;
.
.
.
.
.