'Bay' khắp thế giới

.

Du lịch nước ngoài để khám phá những vùng đất mới lạ là niềm đam mê của nhiều bạn trẻ. Và tiếng Anh-ngôn ngữ quốc tế là hành trang tốt cho những ai muốn trải nghiệm, chinh phục thế giới.

Minh Hảo đưa những người bạn ngoại quốc khám phá Đà Nẵng. (Ảnh: nhân vật cung cấp)
Minh Hảo đưa những người bạn ngoại quốc khám phá Đà Nẵng. (Ảnh: nhân vật cung cấp)

“Hãy mở miệng ra!”...

Vừa trở về Đà Nẵng làm việc sau những chuyến đi miệt mài cả trong nước lẫn nước ngoài, Tú Anh (sinh năm 1996, nhân viên pha chế tại một quán bar trên đường Phan Tứ) hồ hởi khoe: “Tôi vừa được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Mấy tháng trước, tôi ở Quảng Bình để trau dồi kiến thức, kỹ năng rồi nộp đơn vào công ty du lịch lữ hành Oxalis. 3 tháng ở đó, tôi đã có cơ hội trải nghiệm đi rừng, vượt núi, đu dây và bơi trong hang ở khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với tư cách là trợ lý hướng dẫn viên. Nhớ Đà Nẵng quá nên tôi về”. Chàng trai này thừa nhận, hành trang mang theo trong các chuyến rong ruổi đó là tiếng Anh và máu phiêu lưu khám phá.

Chắc bạn bè phổ thông của Tú Anh cũng chẳng thể ngờ, cậu bạn ngày xưa học tiếng Anh… í ẹ, chưa bao giờ đạt điểm số trung bình, ngày nay lại có thể nói tiếng Anh “như gió”. Tú Anh thẳng thắn thừa nhận: “Tôi học tiếng Anh từ năm lớp 3 đến lớp 12 nhưng không thể nào mở miệng nói được một câu.

Trong năm đầu tiên học ngành Văn hóa du lịch của Trường Đại học Duy Tân, tôi cũng học lại tiếng Anh nhưng kết quả không đến đâu. Mỗi lần gặp người nước ngoài tôi thường… né vì sợ họ sẽ đến hỏi đường hay hỏi gì đó. Dù chỉ nói những câu giao tiếp căn bản nhưng tôi vẫn cứ “ấm a ấm ớ”. Đến khi đi làm thêm tại quán bar nhỏ trên đường Thái Phiên, thường xuyên tiếp xúc với khách Tây, tôi mới mạnh dạn mở miệng và dần dần hình thành được phản xạ giao tiếp”.

Không chỉ Tú Anh, nhiều sinh viên (SV) đang học ngành ngôn ngữ Anh của Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) cũng thừa nhận, nghe-nói tiếng Anh là điểm yếu của họ. Một giảng viên (xin được giấu tên) kể câu chuyện “cười ra nước mắt” trên giảng đường: Khi anh hỏi cả lớp (SV năm 3 ngành tiếng Anh Thương mại) rằng có một doanh nghiệp nhỏ quen thân với anh muốn tuyển khoảng 10 bạn SV đi khảo sát ý kiến du khách nước ngoài về sự hài lòng/không hài lòng về chất lượng dịch vụ tại các khách sạn trên địa bàn; các em chỉ việc chào hỏi, nói chuyện vài câu rồi phát phiếu khảo sát. Công việc được giảng viên đánh giá là “việc nhẹ-lương cao-phù hợp với ngành học của các em”. Vậy mà chỉ lác đác vài bạn giơ tay xung phong. Khi anh hỏi SV lý do thì được biết các em không dám nói tiếng Anh, nhất là với những người nước ngoài vì sợ họ hỏi những câu vượt ngoài khả năng trả lời của mình!

Với Tú Anh, cách duy nhất để vượt qua nỗi sợ hãi là “lao thẳng” vào nó. Thời gian đầu khi tiếp xúc với khách Tây, Tú Anh vận dụng hết tay, chân, mặt… để diễn tả. Dù rằng diễn tả mãi thì khách cũng hiểu nhưng cậu bạn lại tự khó chịu với chính bản thân mình. Cậu quyết tâm tự học tiếng Anh bằng cách nghe nhạc Âu Mỹ, giao tiếp với người nước ngoài bất cứ khi nào có thể. “Có thời gian tôi xin làm nhân viên bán vé máy bay trong sân bay Đà Nẵng. Nhìn các anh chị nói tiếng Anh làu làu, tôi rất ngưỡng mộ. Sau đó tôi quyết tâm khi hỏi bất cứ vấn đề gì (kể cả với nhân viên người Việt trong sân bay) cũng dùng tiếng Anh để hỏi và nhờ họ giúp đỡ mình bằng cách trả lời lại bằng tiếng Anh. Chỉ một thời gian đặt mình vào áp lực “mở miệng ra”, khả năng nghe-nói của tôi tăng lên rõ rệt”.

Minh Hảo (sinh năm 1997, sinh viên năm 4 ngành tiếng Anh Thương mại, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng) chia sẻ, tờ giấy chứng nhận vào Đại học Ngoại ngữ ngành tiếng Anh không bảo đảm rằng cô hay bạn bè có thể nói được tiếng Anh. Biết được hạn chế của mình, từ năm đầu tiên, Hảo đã xin một chân phục vụ tại nhà hàng Âu, rồi từ đó đến nay, cô trải qua rất nhiều việc làm, chủ yếu để được nói tiếng Anh với người nước ngoài. “Thay vì nộp tiền đi học tại các trung tâm để được nói chuyện với giáo viên nước ngoài, tôi chọn cách học chủ động hơn bằng cách gặp khách Tây ở trường đời. Tôi tiếp xúc với họ, kết bạn với họ, thường xuyên đi chơi rồi chuyện trò. Thường thì cuộc trò chuyện với người nước ngoài chỉ 5-10 phút. Họ muốn lắng nghe và hiểu rất sâu nên buộc tôi phải đọc thêm sách báo, tra cứu để trả lời sâu hơn. Sau thời gian nói chuyện thì sự tự tin, kỹ năng phản xạ của tôi tốt hơn nhiều”, Hảo nói.

… và nói “Xin chào” với thế giới

Trong thời kỳ hội nhập như hiện nay, mọi bạn trẻ nên giữ cho mình vốn tiếng Anh để trở thành một người trẻ hiện đại, văn minh. Và, nếu để ý sẽ thấy, đa số những bạn giỏi tiếng Anh thường có tính cách hướng ngoại và sở thích “bay” khắp năm châu.

Đó là bởi các bạn tự tin giao tiếp khi ở xứ người. Bạn sẽ không lo bị lạc đường, nhanh chóng thoát khỏi tình trạng “lạ nước lạ cái” và thoải mái mua sắm, thưởng thức các món ăn và tham quan những danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Lê Hùng Dũng (sinh năm 1993, nhân viên kinh doanh, quận Hải Châu), một bạn trẻ ưa “xê dịch” chia sẻ rằng, bản thân Dũng từng đi du lịch tự túc qua Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc. Đến bất cứ đâu, Dũng cũng thoải mái từ làm thủ tục tại sân bay, cách hỏi đường, thủ tục đặt phòng trong khách sạn, cách mua đồ, các câu hỏi để tìm hiểu về đời sống, văn hóa nước bạn… bởi Dũng nghe-nói tiếng Anh rất tốt. “Tôi tự tin khi đi du lịch vì không gặp rào cản về ngoại ngữ.

Dù vậy, để có chuyến đi thành công, các bạn cần phải chuẩn bị thật kỹ những kiến thức về đất nước bạn đến: địa điểm du lịch nổi tiếng nên đi, một số phong tục địa phương, ẩm thực, thời tiết… để không bỡ ngỡ trước một nơi xa lạ và không mất nhiều thời gian vô bổ. Các tài liệu ấy tôi đều đọc bằng tiếng Anh từ các trang web du lịch quốc tế. Khi đọc như vậy tôi cũng tự trang bị cho mình vốn từ vựng luôn. Khi có vốn tự vựng tốt thì chắc chắn không sợ bị lạc đường hay gặp những tình huống dở khóc, dở cười. Khi bạn ở nơi đất khách quê người, mọi việc sẽ trở nên phức tạp nếu bạn không thể diễn tả điều bạn nói. Tận hưởng một chuyến đi thú vị với chính những kiến thức của bạn khám phá được sẽ vô cùng tuyệt vời”, Dũng nói.

Với Minh Hảo thì cô bạn chọn cách nói “Xin chào với thế giới” bằng cách “mời” thật nhiều người bạn ngoại quốc đến Việt Nam. Hảo cùng người bạn thân mở một homestay bên bờ biển. Với vốn tiếng Anh phong phú, homestay của Hảo thường xuyên đón được nguồn khách Tây ổn định. Hảo cùng nấu ăn, vui đùa, đi phượt cùng những người bạn Tây. “Ban đầu, tôi chỉ định trở thành một chủ nhà hiếu khách, nhưng sau thời gian cùng sinh hoạt với các bạn, có một số bạn đã trở thành bạn thân của tôi. Chúng tôi không chỉ trò chuyện đơn thuần mà giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của quê hương cho nhau. Đúng là khi giao tiếp tốt tiếng Anh, dường như không có ranh giới giữa các dân tộc”, Hảo chia sẻ.

Quỳnh Trang

;
;
.
.
.
.
.