Phụ nữ Cơ tu và phong trào xóa bỏ nạn "đầu tôi"

.

Mỗi một dân tộc đều có những phong tục tập quán riêng của mình để sinh hoạt xã hội, có những phong tục hay, tiến bộ làm đẹp cho những nét riêng của nền văn hóa dân tộc, lại có những phong tục lạc hậu có tác hại đến sự tồn tại và phát triển của giống nòi và xã hội.

Phụ nữ Cơ tu luôn thân thiện với vẻ đẹp mộc mạc, hồn hậu. Ảnh: dangcongsan.vn
Phụ nữ Cơ tu luôn thân thiện với vẻ đẹp mộc mạc, hồn hậu. Ảnh: dangcongsan.vn

Về phong tục “đầu tôi”

Nửa đầu thế kỷ 20 về trước, đồng bào dân tộc Cơ tu của Quảng Nam, Đà Nẵng có phong tục “đầu tôi” - một phong tục đầy tủi nhục đối với phụ nữ. “Đầu tôi”, tiếng Cơ tu là Jập Nhar, Jập là người (con gái), Nhar là của cải; “đầu tôi” là của cải dùng để mua người phụ nữ về làm vợ. Nạn “đầu tôi” thực chất là nạn cưỡng ép hôn nhân, cấm tự do yêu đương, tự do kết hôn, bắt buộc nam nữ phải đi theo con đường hôn nhân định sẵn và xem việc dựng vợ gả chồng cho con cái có tính chất mua bán, mặc cả.

Nạn “đầu tôi” là một hình thức mua người làm vợ, bán gả con gái để trả nợ, để làm giàu. Của “đầu tôi” là những cái chiêng, cái ché, thanh la, mền, trâu, heo, mã não... Giá trị mỗi loại khác nhau nhưng lấy cái chiêng làm đơn vị trao đổi - gọi là một “đầu tôi”.

Mỗi con trâu sừng dài hai tấc, giá trị bằng một “đầu tôi”, con gái càng trẻ đẹp thì càng nhiều “đầu tôi” nên những chàng thanh niên nghèo không thể nào có vợ đẹp, có người phải lấy người vợ góa chồng, già bằng tuổi mẹ mình vì cưới ít “đầu tôi”.

Trong nạn “đầu tôi”, tục sui gia cũng rất ngặt nghèo: Họ A (phía trai) làm sui với họ B (phía gái) thì hằng năm theo mùa gặt lúa, họ A phải nạp của cho họ B, của đó cộng lại, họ B gả hết cô gái này đến cô gái khác cho họ A, mỗi cô bao nhiêu cộng lại trừ của đã nhận ở họ A. Bên nào thiếu thì phải nợ. Nợ đó gọi là nợ “đầu tôi”.

Trong họ A nhà nào có quyền, có của thì con gái họ B phải ưu tiên làm dâu nhà đó trước. Con gái họ B đến tuổi biết làm rẫy, dệt vải... đều được con trai họ A đem về làm vợ, nếu con trai họ A có đủ vợ rồi cũng đem về làm vợ lẽ… 

Với hủ tục đó, rất nhiều điều ngang trái xảy ra, có trường hợp con trai còn nhỏ, con dâu đã lớn, gặp ông bố tham lam bắt làm vợ lẽ, gặp bà vợ lớn ghen thì nhượng cho ông em nhà chú... rồi đi cưới vợ khác cho con trai.

Nhà giàu thì nhiều vợ, nhà nghèo phải ở góa. Cảnh chồng già vợ trẻ, chồng trẻ vợ già ảnh hưởng đến sự phát triển của nòi giống, sự thông minh của những đứa con hữu sinh vô dưỡng, ảnh hưởng đến sự tồn tại giống nòi. Lại có trường hợp giành vợ đâm chém nhau, gây mất đoàn kết trong bản làng.

Phong tục “đầu tôi” là một sản phẩm của chế độ bộ lạc, thị tộc, người phụ nữ chỉ là món hàng để đổi chác, mua bán. Chẳng những quyền làm người của người phụ nữ bị xúc phạm, mà hạnh phúc, tuổi trẻ của nam giới cũng bị đánh mất.

Đấu tranh xóa bỏ nạn “đầu tôi”

Trong kháng chiến chống Mỹ, hiểu được nỗi khổ nhục của nam nữ thanh niên với mối họa “đầu tôi”, Đảng ta chủ trương phải thanh toán vấn nạn này. Cụ thể là vào đầu năm 1961, trong Đại hội các dân tộc ở Hiên - Giằng, Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng nêu việc xóa bỏ nạn “đầu tôi” là một trong những vấn đề cấp bách nhằm giải phóng phụ nữ Cơ tu.

Nhiều đại biểu, đặc biệt là đại biểu nữ, đã đứng lên nói lên tiếng nói đòi quyền được sống, được yêu đương, kết hôn chính đáng của chị em. Những tham luận, bài phát biểu khẳng định vai trò người phụ nữ trong gia đình, xã hội và nhất là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, phân tích sâu sắc nạn “đầu tôi” làm ảnh hưởng đến tài năng, trí tuệ và sự phát triển giống nòi, những bất công mà phụ nữ gánh chịu. Số đông đại biểu kiên quyết, đồng lòng xóa bỏ nạn “đầu tôi”.

Tuy nhiên, thời điểm đó, vẫn còn một số đại biểu bảo thủ vì sợ mất của “đầu tôi”. Vì vậy, Đại hội đã đưa ra phương hướng, trong thời gian trước mắt, con đường sui gia vẫn giữ, song, các tộc họ không được bồi thêm của. Nam nữ thanh niên lớn lên có quyền yêu nhau rồi đi đến vợ chồng bằng những lễ cưới đơn giản, cha mẹ và những người có uy tín trong làng không được ép duyên, đòi của. Quyết sách của Đại hội được đông đảo các tầng lớp nhân dân hoan nghênh, thực hiện.

Tiêu biểu như năm 1962, xã Coong Năng (huyện Giằng) là địa phương đi đầu trong việc xóa bỏ nạn “đầu tôi” với việc tổ chức lễ phát động nam nữ thanh niên trong toàn xã yêu nhau và đám cưới theo đời sống mới đơn giản, vui tươi và đoàn kết. Lễ phát động có mời thanh niên các xã khác đến dự. Từ đó, phong trào được lan ra các xã ở các huyện khác.

Những năm 1965-1975, phong trào càng phát triển rộng rãi. Sau giải phóng 1975, cơ bản nạn “đầu tôi” được xóa bỏ. Đây được coi là một thành công lớn của phong trào đấu tranh của người phụ nữ Cơ tu, họ không còn là một món hàng hóa nữa mà là người chủ trong gia đình và xã hội.

VÕ HÀ

;
;
.
.
.
.
.