Những địa chỉ mang tên "29 Tháng 3"

.

Ngày 29-3-1975 là một thời điểm đáng nhớ trong quá trình phát triển của thành phố Đà Nẵng. Chính vì thế, ngay vào những năm đầu đất nước thống nhất, ở Đà Nẵng đã xuất hiện một số địa chỉ mang tên “29 Tháng 3”.

Công viên 29 Tháng 3.  Ảnh: XUÂN SƠN
Công viên 29 Tháng 3. Ảnh: XUÂN SƠN

Trước hết là Rạp Chiếu phim 29 Tháng 3 trên đường Phan Châu Trinh gần Ngã Năm. Xưa kia rạp chiếu bóng này từng có tên là Cinéma Lạc Khoanh, sau đó đổi thành Cinéma Lido. Hồi ấy một số rạp chiếu bóng ở Đà Nẵng được đổi tên cho phù hợp với chế độ mới, chẳng hạn Cinéma Kinh Đô trên đường Độc Lập được đổi thành Rạp Công Nhân A, Cinéma Kim trên đường Phan Đình Phùng được đổi thành Rạp Công Nhân B, Cinéma Kim Châu trên đường Độc Lập được đổi thành Rạp Lê Độ, riêng Cinéma Lido được đổi thành Rạp 29 Tháng 3 - vinh dự mang tên một thời điểm lịch sử rất quan trọng trên hành trình quân giải phóng tiến về Sài Gòn, góp phần làm nên thắng lợi của cả chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975.

Đáng tiếc rằng Rạp Chiếu phim 29 Tháng 3 sau đó chuyển thành nhà sách Phương Nam (kể ra nếu chỉ vậy cũng chưa thành vấn đề gì, bởi dẫu sao thì nhà sách vẫn là một địa chỉ văn hóa, và cuối cùng nhà sách Phương Nam đã trở thành khách sạn mang tên Sanouva như hiện nay. Một khi đã chuyển đổi công năng sử dụng và nhất là chuyển đổi sở hữu từ khu vực công sang khu vực tư, rất khó mà giữ được những tên gọi như “29 Tháng 3”.

Một địa chỉ văn hóa khác ở Đà Nẵng cũng mang tên thời điểm lịch sử này là Công viên 29 Tháng 3. Nếu như người Đà Nẵng chỉ cần đổi tên một rạp chiếu bóng quốc doanh là đã có ngay Rạp 29 Tháng 3, thì với Công viên 29 Tháng 3 mọi việc không đơn giản như vậy. Ở đây không phải là chuyện đổi tên một công viên mà là câu chuyện về sức lao động dẻo dai và ý chí của hàng vạn thanh niên, người Đà Nẵng ngay vào những năm đầu đất nước thống nhất, đã quyết tâm gầy dựng nên một công-viên-lá-phổi-thiên-nhiên-giữa-lòng-đô-thị từ bãi rác khổng lồ mang tên Hầm Bứa - bãi rác trung tâm của Đà Nẵng trước năm 1975 kiểu như bãi rác Khánh Sơn bây giờ - rồi sau đó mới đặt một tên gọi có ý nghĩa chính trị/giáo dục truyền thống là Công viên 29 Tháng 3.

Có thể nói bằng ngôn ngữ biểu tượng, người Đà Nẵng cố tình đối lập giữa một bên là không gian rác thải bụi bẩn đầy ô nhiễm với một bên là không gian cây xanh nước biếc trong lành, thể hiện khát vọng đổi thay đẹp đẽ. Rõ ràng, Công viên 29 Tháng 3 là tên gọi mang màu sắc chính trị sâu đậm hơn nhiều so với tên gọi Rạp 29 Tháng 3.

Trong quá trình kêu gọi đầu tư xã hội hóa để nâng cấp Công viên 29 Tháng 3, lãnh đạo thành phố từng đắn đo cân nhắc rất nhiều khi nghĩ tới bài học nhãn tiền về trường hợp đổi tên gọi ở Rạp 29 Tháng 3, khi nghĩ tới tương lai công viên rồi chỉ còn viên mà không còn công, và nhất là khi nghĩ tới khả năng sẽ có một tụ điểm vui chơi giải trí hiện đại được xã hội hóa - Nhà nước không tốn tiền đầu tư, không tốn công quản lý, nhưng sẽ không còn một không gian công cộng đang thuộc loại hiếm hoi dành cho người dân thành phố...

Nói chuyển đổi công năng sử dụng và nhất là chuyển đổi sở hữu từ khu vực công sang khu vực tư, rất khó mà giữ được những tên gọi có ý nghĩa chính trị/giáo dục truyền thống như “29 Tháng 3” là khái quát chung, bởi ở Đà Nẵng đã có một ngoại lệ đầy ấn tượng. Đó là trường hợp một doanh nghiệp may mặc mang tên 29 Tháng 3 và liên tục mang tên gọi đầy tự hào này qua không ít lần chuyển đổi sở hữu - từ Tổ hợp Dệt 29-3 từ năm 1976 cho đến Công ty Dệt may 29-3 là doanh nghiệp Nhà nước từ năm 1992 rồi đến Công ty CP Dệt may 29-3 được cổ phần hóa từ năm 2007, và chính nhờ thương hiệu HACHIBA của doanh nghiệp này có mặt tại hầu khắp các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU… Tên gọi “29-3” xem như đã vươn tầm thế giới.  

Trên đường 2 Tháng 9 - con đường huyết mạch của thành phố nối với đường Cách mạng Tháng Tám - có một quảng trường mang tên 29 Tháng 3 nhìn ra đường 30 Tháng 4. Có thể nói đây là một sự nối kết những sự kiện lịch sử trọng đại thời hiện đại qua các tên gọi.

Quảng trường 29 Tháng 3 trở thành một không gian công cộng và hơn thế nữa, một nơi chốn thiêng liêng trong đời sống tinh thần của người Đà Nẵng nhờ có Đài Tưởng niệm cao 45 mét - một công trình kiến trúc nghệ thuật nhằm tri ân những người đã góp phần bảo vệ và gầy dựng mảnh đất này, với chân dung Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Văn Trỗi… được thể hiện sinh động làm tăng thêm phần trang trọng và vẻ độc đáo cho tượng đài. Nhiều người nghĩ Đài Tưởng niệm nằm phía trước Quảng trường 29 Tháng 3, nhưng thực ra công trình kiến trúc nghệ thuật này cũng là một bộ phận không thể tách rời của quảng trường mang tên ngày giải phóng thành phố.

Có lẽ trước đây người Đà Nẵng nghĩ rằng đã có một rạp chiếu phim, một doanh nghiệp, một công viên và một quảng trường cùng mang tên “29 Tháng 3” nên chưa nghĩ đến việc đặt tên “29 Tháng 3” cho một đường phố.

Chính vì vậy, con đường mang tên 29 Tháng 3 dài 3.350 mét nằm ở quận Cẩm Lệ chỉ mới vừa được đặt tên theo nghị quyết kỳ họp thứ 9 ngày 19-12-2018 của HĐND thành phố Đà Nẵng khóa IX.

Cùng với những công trình công cộng tuy không mang tên “29 Tháng 3” nhưng được khánh thành đúng vào ngày 29-3, chẳng hạn như cầu Sông Hàn khánh thành ngày 29-3-2000, như cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý cùng khánh thành ngày 29-3-2013, cầu vượt ngã ba Huế khánh thành ngày 29-3-2015…, các địa chỉ mang tên “29 Tháng 3” ở Đà Nẵng vừa nêu đã góp phần vào việc giáo dục truyền thống trên quê hương Đà Nẵng đang từng ngày đổi mới. 

Bùi Văn Tiếng
 

;
;
.
.
.
.
.