Nên 'tìm việc' thay vì 'xin việc'

.

Trao đổi với Báo Đà Nẵng chung quanh câu chuyện việc làm cho sinh viên (SV), bà Lê Thị Nam Phương (ảnh), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư L.I.F.E, chủ đầu tư Hệ thống Giáo dục Chất lượng cao SKY-LINE Đà Nẵng cho rằng, theo xu thế tuyển dụng hiện nay, cơ hội ứng tuyển vào các vị trí được chia đều cho tất cả mọi người.

Tuy nhiên, cơ hội việc làm phụ thuộc vào việc bạn chủ động hay bị động, bạn có năng lực phù hợp để đi “tìm” việc hay chỉ dừng lại ở mức “xin” được một công việc như suy nghĩ của số đông lao động hiện nay.

“Tìm” đồng nghĩa với việc các bạn có quyền lựa chọn cho mình một công việc phù hợp với khả năng và sở thích, chứ không chỉ làm việc để mưu sinh.  

* Trong các cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp (DN) và SV, nhiều lãnh đạo DN khẳng định: SV cần thay đổi quan điểm rằng mình đứng ở vị thế tìm việc làm chứ không phải xin việc làm. “Tìm” có nghĩa bạn có quyền lựa chọn. Có phải điều này nói lên xu hướng tuyển dụng mới trong những năm gần đây?

- Chính xác là như vậy. Câu chuyện “tìm việc” hay “xin việc” xuất phát từ yếu tố con người. Nó bộc lộ khả năng tư duy, thái độ, năng lực và mong muốn của người lao động vào các vị trí đăng ký ứng tuyển.

Nên nhớ rằng, DN không phải là nơi ban phát công việc cho một ai đó, nếu anh có sản phẩm tốt, phù hợp với nhu cầu của DN thì chúng tôi sẵn sàng mua nó với mức giá cao.

Hiện nay, nhiều DN ở Đà Nẵng đang ở tâm thế tìm người lao động có năng lực và tạo môi trường phù hợp để họ đóng góp tốt nhất vào quá trình phát triển DN. Chính vì vậy, bạn nên xác định công việc bạn cần tìm là một công việc phù hợp với sở trường, có thể mang đến niềm vui, hạnh phúc và mức thu nhập phù hợp cho bạn trong tương lai chứ không nên tự đưa mình vào tình huống “đi không nỡ, ở không xong”. Hãy cho nhà tuyển dụng biết bạn chính là người họ đang cần. Trong câu chuyện tuyển dụng, quyền lợi của DN và người lao động là ngang nhau.

Hiện nay đã có khoảng 10-15% SV ra trường có xu hướng đi “tìm việc”. Sự thay đổi nhận thức này là tín hiệu tốt cho thị trường lao động hiện nay. Bản thân DN chúng tôi cũng đã trả lương tầm 5 triệu đồng/tháng cho các bạn SV trong quá trình thực tập tại đơn vị. Bởi tôi cho rằng, các đợt tiếp nhận SV vào DN thực tập cũng là nền tảng để chúng tôi tìm kiếm nguồn lao động thiếu hụt.

Ngoài ra, một xu hướng mới hiện nay là, trong quá trình tham gia thực tập, nếu có năng lực, có đóng góp cụ thể, SV có quyền đòi hỏi DN trả mức thù lao tương xứng. Tất nhiên, vấn đề thu nhập không quyết định trong một kỳ thực tập nhưng đây là xu hướng tốt, bởi nó phần nào thể hiện tính chủ động nắm bắt cơ hội ở mỗi SV.

Với SV mới ra trường, nhà tuyển dụng không quá đặt nặng yêu cầu chuyên môn mà quan tâm đến thái độ, động cơ tìm việc, từ đó đánh giá bạn có thật sự yêu thích và phù hợp với vị trí mà DN đang tìm kiếm nguồn lao động hay không.

* Thái độ và động cơ của người đi tìm việc sẽ góp phần quyết định người đó có được tuyển dụng hay không. Vậy, theo bà, thái độ như thế nào là đúng đắn?

- Như tôi đã nói, thái độ tích cực chỉ có ở những con người mang suy nghĩ tích cực và có trách nhiệm với bản thân. Các nhà tuyển dụng luôn rất nhạy bén trong vấn đề đánh giá chất lượng người lao động. Vì vậy, nếu bạn thật sự yêu thích công việc, hãy thể hiện bản thân một cách thuyết phục và chân thành, tránh đưa ra những lý lẽ suông, đi theo một mô-típ quen thuộc, có sẵn như một bài văn mẫu.

Theo quan sát của tôi, những SV có khả năng “tìm việc” thường được đào tạo từ những ngôi trường có chất lượng, được trang bị những kiến thức căn bản, có mục tiêu công việc rõ ràng.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là hiện nay vẫn còn nhiều bạn SV đi xin việc nhưng vẫn thiếu sự cầu thị, học hỏi, thậm chí nhiều bạn chưa xác định được mục tiêu, đi xin việc với tư tưởng được thì tốt, không được cũng chẳng sao. Với tư duy này thì chính các bạn đang lãng phí thời gian của bản thân và gây lãng phí về thời gian, tiền bạc cho các DN để tổ chức phỏng vấn.

* Thông thường khi đăng thông tin tuyển dụng nhân sự, DN thường nhận về rất nhiều hồ sơ dự tuyển. Một bộ hồ sơ đạt chuẩn, lọt qua vòng sơ tuyển thường có những “điểm cộng” gì?

- Phải nói ngay rằng, khâu chuẩn bị hồ sơ rất quan trọng bởi đó là một phần để thể hiện bạn là ai, bạn là người như thế nào. Tuy nhiên, hồ sơ chỉ là một bước. Hiện nay khâu tuyển dụng của DN thường trải qua 3 giai đoạn, đó là tiếp cận hồ sơ, phỏng vấn trực tiếp và cho người lao động thử việc. Ngoài ra, có khá nhiều DN hiện chọn cách tiếp cận nguồn lao động thông qua mạng xã hội và kết nối big data từ những đơn vị cung cấp nguồn nhân lực.

Hơn 10 năm trước, tôi đã học được cách phỏng vấn từ những tập đoàn kinh tế nước ngoài, họ thường không đặt câu hỏi rằng bạn sẽ làm được những gì cho DN mà thông qua việc bạn đã làm trong quá khứ để phán đoán bạn là người như thế nào, thuộc dạng người nào, có phù hợp với vị trí tuyển dụng hay không.

* Việc liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp hiện nay đã thúc đẩy thị trường lao động như thế nào, đặc biệt tạo cơ hội ra sao đối với các bạn SV? Làm việc trái ngành là thực trạng chưa thể tránh khỏi, đối với trường hợp này, lời khuyên của bà là gì?

- Chúng tôi luôn xác định liên kết đào tạo là trách nhiệm xã hội của các DN hiện nay. Ở khía cạnh tích cực khác, mỗi DN, thông qua việc liên kết đào tạo sẽ có thêm cơ hội tiếp cận nguồn nhân lực phù hợp với vị trí tuyển dụng, rút ngắn thời gian đào tạo lại, giúp người lao động nhanh chóng hòa nhập vào môi trường làm việc, từ đó tiết kiệm tối đa những khoản chi phí không cần thiết.

Chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc phỏng vấn xin việc là cách để bạn có thể “ghi điểm” trước nhà tuyển dụng.
Chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc phỏng vấn xin việc là cách để bạn có thể “ghi điểm” trước nhà tuyển dụng.

Đối với SV ra trường làm việc trái ngành, một phần cũng do tư duy “xin việc” chứ không chủ động “tìm việc” của nhiều SV thời gian qua. Mặt khác, làm việc trái ngành chiếm tỷ lệ lớn (hơn 40% - PV) cũng nói lên câu chuyện Nhà nước chưa thật sự tham gia quyết liệt vào quá trình đào tạo nguồn lao động chất lượng cao.

Theo tôi, bên cạnh DN thì vai trò của quản lý Nhà nước trong khâu đào tạo là vô cùng quan trọng, bởi thông qua cơ chế, chính sách, định hướng, quy hoạch, giám sát, theo sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội,  Nhà nước có thể giúp các trường có hướng đào tạo đúng đắn, linh hoạt và hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, kỹ năng phỏng vấn của nhà tuyển dụng cũng là một câu chuyện đáng bàn bởi một “sản phẩm lỗi” sẽ đến từ hai phía, cả phía nhà tuyển dụng và phía người lao động. Bởi lẽ, nếu DN phỏng vấn không tốt, không nhận diện, không chọn đúng con người phù hợp sẽ dẫn đến những sai lệch trong quá trình đánh giá khả năng đáp ứng công việc của người lao động trong tương lai.

* Xin cảm ơn bà!

TIỂU YẾN thực hiện
 

;
;
.
.
.
.
.