Hướng đến đô thị xanh, sạch, đẹp

.

Từ hiệu quả tương tác giữa người dân và chính quyền thành phố thông qua trang facebook “Đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp”, vài năm trở lại đây, Đà Nẵng tiếp tục xuất hiện những kênh góp ý như Cổng góp ý (thuộc Hệ thống thông tin chính quyền điện tử TP. Đà Nẵng), các trang facebook thuộc Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố, Đường dây nóng 1022…; qua đó góp phần tích cực vào việc xử lý những bất cập, vướng mắc một cách nhanh chóng, hướng đến xây dựng đô thị xanh-sạch-đẹp.

Từ tương tác với người dân, chính quyền thành phố xử lý những bất cập, hạn chế trong quản lý đô thị.  Ảnh minh họa: MINH TRÍ
Từ tương tác với người dân, chính quyền thành phố xử lý những bất cập, hạn chế trong quản lý đô thị. Ảnh minh họa: MINH TRÍ

Mỗi ngày, các trang facebook này tiếp nhận hàng trăm thông tin liên quan đến cảnh quan đô thị, ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự lẫn thái độ ứng xử văn hóa, văn minh đô thị, cộng đồng… cần cơ quan chức năng lưu tâm, xử lý. Đồng thời, đây cũng là nơi để người dân thể hiện tình yêu, trách nhiệm, góp phần vào việc xây dựng Đà Nẵng thành một đô thị văn minh, hiện đại … 

Diễn đàn của nhân dân vì thành phố phát triển

Ra đời từ năm 2013, đến nay, trang facebook “Đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi-Xanh- Sạch-Đẹp” (viết tắt là trang Đô thị Đà Nẵng) đã có hơn 80.000 thành viên (trong đó có hơn 60.000 thành viên đang sinh sống, công tác tại Đà Nẵng) tham gia theo dõi, bình luận mỗi ngày. Từ đây, những vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng đô thị, về cảnh quan, môi trường, con người, kể cả những thắc mắc về cơ chế, chính sách… đều được người dân phản ánh, trao đổi, cung cấp thông tin mong cơ quan chức năng hoặc cá nhân liên quan nhanh chóng vào cuộc xử lý.

Ông Nguyễn Văn Duy, Phó Trưởng phòng Khoa giáo-Văn xã (Văn phòng UBND thành phố)  - người tham gia xây dựng trang Đô thị Đà Nẵng từ những ngày đầu khẳng định, trang này được thành lập, quản lý bởi cán bộ thành phố, nhưng là “tài sản” chung của người dân. Sau nhiều năm làm công tác quản lý, ông Duy hiểu rằng người dân cần một nơi để chia sẻ tâm tư, nguyện vọng lẫn bức xúc của mình. Từ những vấn đề nhỏ như nắp cống hỏng, vỉa hè bị cày xới, bong tróc, con hẻm ngập nước… đến những việc lớn như xây dựng chính quyền, chấn chỉnh lề lối làm việc của cán bộ, công chức… Bên cạnh đó, một nội dung rất thiết thực như thông tin về vụ trộm, thông báo mất tài sản… cũng được đăng tải và xử lý kịp thời.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mức độ tương tác tại trang Đô thị Đà Nẵng thời gian qua khá ổn định và con số thành viên tăng liên tục. Đơn cử, con số thống kê trong 28 ngày gần nhất (từ 1-2 đến 28-2) cho thấy, đã có 849 thông tin, bài viết mới được đăng tải, gần 30.000 lượt bình luận và hơn 93.000 lượt like, bày tỏ cảm xúc. Biên độ tuổi của thành viên trang mạng này khá rộng, trong đó có hơn 42% thành viên ở độ tuổi từ 25-34 tuổi…

Ông Nguyễn Văn Duy đánh giá, sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, trang Đô thị Đà Nẵng đã trở thành món ăn tinh thần quen thuộc của người dân thành phố. Lượng thành viên tăng cao kéo theo nhu cầu, nhận thức cộng đồng cũng tăng lên rõ rệt, tạo được nếp phản ánh, giám sát, phản biện đối với các vấn đề kinh tế-xã hội của thành phố. “Một trong những hiệu quả có thể nhìn thấy được là nhiều vấn đề, bức xúc của người dân được các cấp chính quyền, đơn vị chức năng lắng nghe, vào cuộc xử lý; từ đó phát huy cả hai vai trò của người dân và chính quyền trong các vấn đề xây dựng, phát triển thành phố. Có thể nói, đây là sân chơi tự nguyện của người dân, của đội ngũ cán bộ vì một Đà Nẵng phát triển chứ không phải là công cụ của chính quyền nên mọi thứ đều có thể dễ dàng chia sẻ và chung tay giải quyết”, ông Duy nói.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Nhi, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu cho hay chị tham gia thành viên Đô thị Đà Nẵng từ những ngày đầu lập trang. Một trong những hiệu quả, theo chị là người dân dễ dàng theo dõi những việc mình phản ánh có được thành phố tiếp nhận và xử lý hay không. Chị cho biết: “Bản thân tôi cảm thấy rất thích thú khi nhận thấy người dân dần tích cực hơn trong việc cung cấp thông tin cho chính quyền. Nội dung phản ánh, tính phản biện vì thế cũng đa chiều và phong phú hơn. Mặt khác, với một diễn đàn vận hành theo cơ chế mở, chúng tôi có thể tự do thể hiện quan điểm, chính kiến cá nhân mà không ngại đụng chạm, miễn những nội dung ấy phù hợp với tôn chỉ, mục đích của trang”.

Nhanh chóng tiếp nhận và xử lý thông tin

Trong khi trang Đô thị Đà Nẵng đóng vai trò mở, tạo môi trường tương tác cao thì Tổng đài dịch vụ công 1022, Cổng góp ý thuộc Hệ thống thông tin chính quyền điện tử TP. Đà Nẵng… cũng đang tích cực phát huy vai trò tiếp nhận, truyền tin và chuyển tải nội dung trả lời của địa phương về những vấn đề nóng, những câu chuyện bức xúc đang diễn ra trên địa bàn thành phố. Theo đó, sau khi tiếp nhận thông tin, các kênh này sẽ phân loại, biên tập rút gọn nội dung và chuyển tiếp đến cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý; đồng thời cùng lúc tiếp nhận thông tin trả lời từ cơ quan chức năng chuyển đến người dân thành phố.

Đơn cử, thông qua Cổng góp ý, người dân phản ánh việc một số hộ dân lấn chiếm khu vực kiệt K152 Phan Thanh và K334 Nguyễn Văn Linh (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) làm nơi trông giữ xe, gây ách tắc giao, mất mỹ quan đô thị. Ngay khi tiếp nhận thông tin phản ánh, UBND phường Thạc Gián đã chỉ đạo Tổ Quy tắc đô thị đến kiểm tra, qua đó ghi nhận vào những khung giờ cao điểm như 9 giờ sáng và 15 giờ, sinh viên Trường ĐH Duy Tân đổi ca học nên lượng sinh viên, xe máy vào ra, gửi tại kiệt khá lớn, gây ách tắc cục bộ. Trước thực tế này, UBND phường làm việc với Ban Giám hiệu Trường ĐH Duy Tân, yêu cầu đơn vị này đưa bớt lượng sinh viên sang giảng dạy tại các cơ sở khác nhằm giảm tải, đồng thời yêu cầu các hộ dân cam kết giữ xe gọn gàng, tránh để xe tràn ra lòng kiệt gây mất mỹ quan, ảnh hưởng người đi đường.

Tương tự, xuất hiện trên mạng xã hội từ đầu năm 2017, trang facebook Sở Giao thông vận tải TP Đà Nẵng thu hút được đông đảo bạn đọc quan tâm, đóng góp những ý kiến liên quan đến lĩnh vực ngành nghề như việc cấp đổi giấy phép lái xe, trật tự an toàn giao thông, cơ sở hạ tầng giao thông hay những thông tin cần ngành tư vấn, hỗ trợ. Những ý kiến của người dân để xây dựng ngành giao thông được lắng nghe, xử lý kịp thời.

Thời gian qua, Đà Nẵng được đánh giá là địa phương tiên phong trong việc dùng mạng xã hội để tương tác với người dân một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Không chỉ là nơi tiếp nhận ý kiến góp ý, những trang mạng này còn trở thành nơi thành phố huy động mọi nguồn lực, trí lực của người dân. Ông Nguyễn Văn Duy kể lại, trước Tuần lễ Cấp cao APEC đúng một tuần, Đà Nẵng bị ảnh hưởng bởi cơn bão Damrey, để lại vô số rác thải và băng-rôn, khẩu hiệu, cây xanh hư hại không ít.

Thông qua thông tin, hình ảnh do người dân cung cấp, trang Đô thị Đà Nẵng nhanh chóng đăng tải bức thư của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ kêu gọi người dân cùng vào cuộc dọn dẹp, sẵn sàng đón tiếp những vị khách quốc tế đến Đà Nẵng dịp này. Những ngày sau đó, cùng với lực lượng chuyên trách, rất nhiều người dân đã vui vẻ hỗ trợ xe chuyên dụng vận chuyển rác thải, cây xanh hư hại, tập trung về các tuyến đường chính dọn dẹp vệ sinh. Tất cả những hình ảnh sinh động và ấm áp này, theo ông Duy, đã giúp ông và nhiều quản trị viên các trang góp ý thêm yêu mến công việc mình để tiếp tục cùng người dân, chính quyền xây dựng một Đà Nẵng văn minh hơn, hiện đại hơn.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.