Bầu cử và kinh tế Đông Nam Á

.

Ba nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á sẽ tổ chức bầu cử trong thời gian tới. Tổng tuyển cử Thái Lan vào ngày 24-3 tới. Indonesia bầu cử tổng thống và lập pháp vào ngày 17-4. Philippines bầu quốc nội vào ngày 13-5. Đó chính là hy vọng để giúp kinh tế khu vực khởi sắc hơn, trong thời gian tới.

Bầu cử ở Thái Lan.
Bầu cử ở Thái Lan.

Chỉ số chứng khoán của cả ba nước này kết thúc năm 2018 thấp hơn nhiều so với dự báo. Lý do là các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu hồi cuối năm ở những thị trường mới nổi trong bối cảnh lãi suất của Mỹ tăng và căng thẳng thương mại giữa Washington với Bắc Kinh. Giá trị cổ phiếu ở ba nước phục hồi phần nào trong năm 2019 song các nhà phân tích thị trường chứng khoán cho rằng cuộc bầu cử sắp tới có thể mang lại sự thúc đẩy hơn nữa vì chính sách của các ứng cử viên.

Tăng chi tiêu chính phủ và người tiêu dùng

Các nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính Malaysia là Maybank Kim Eng cho biếtt chi tiêu của chính phủ và người tiêu dùng có xu hướng tăng trong thời gian gần bầu cử. Sức mạnh đó tiếp tục duy trì ở những tháng tiếp theo. Riêng với Thái Lan do sự bất ổn chính trị nhiều năm qua đã làm cho giới phân tích không dám chắc xu hướng chi tiêu trước và sau bầu cử ở quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này.

Thủ tướng do quân đội chỉ định Prayut Chan-o-cha hứa hẹn sẽ chi tới 87 tỷ baht, tương đương 2,75 tỷ USD cho người già và người có thu nhập thấp. Nếu lời hứa này thành hiện thực thì cổ phiếu của các nhà bán lẻ như cửa hàng tiện lợi hay cửa hàng đồ ăn uống niêm yết giá ở Thái Lan và Singapore sẽ tăng cao.

Tổng thống Indonesia là Joko Widodo tăng chi tiêu chính phủ và xã hội trong năm, cuối cùng đã giúp cho cổ phiếu tăng lên, nhất là ngân hàng và ăn uống. Indonesia là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất khu vực, cũng là nước có nhu cầu nội địa rất mạnh dù kinh tế toàn cầu suy thoái bởi có thêm lợi thế giá dầu và lãi suất thấp.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng quyết định tăng chi tiêu ngân sách mà đích ngắm cụ thể là tập trung cho phát triển xã hội và cơ sở hạ tầng như một “chiêu” giữ đa số ghế ở quốc nội. Tăng chi tiêu trước bầu cử ở Philippines thường mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, truyền thông và cổ phiếu bán lẻ. Chẳng hạng như tập đoàn truyền thông ABS-CBN tăng đáng kể doanh thu quảng cáo trong đợt này. Chuỗi thức ăn nhanh Jollibee, công ty Pepsi từng có kết quả tăng trưởng mạnh doanh số trong các đợt bầu cử trước. Ngân hàng Anh HSBC cho biết lĩnh vực tài chính và bất động sản làm ăn phát đạt trong thời gian này.

Kết quả bầu cử sẽ tác động như thế nào?

Trong trường hợp Prayut tiếp tục giữ chức Thủ tướng Thái Lan sau cuộc bầu cử vào ngày 24-3 tới thì nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á có những dấu hiệu tích cực hơn vì tính liên tục của chính sách và các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn tiếp tục triển khai. Ngược lại, trường hợp cuộc bầu cử có dấu hiệu không tự do thì mọi thứ sẽ trở nên căng thẳng. Thái Lan với sự bất ổn chính trị lâu dài nên rất khó dự báo, nhất là sau gần 5 năm chính phủ do quân đội kiểm soát hậu đảo chính. Thái Lan đã trải qua 19 cuộc đảo chính kể từ cuộc cách mạng năm 1932 và tình trạng biểu tình phản đối chính phủ diễn ra thường xuyên.

Hai ứng cử viên chủ chốt trong cuộc bầu cử tổng thống Indonesia là Tổng thống đương nhiệm Widodo và đối thủ cứng rắn Mitchowo Subianto. Song, các dự báo đều nghiêng về khả năng ông Widodo tiếp tục lãnh đạo đất nước đông dân nhất Đông Nam Á, nhưng trong trường hợp ứng cử viên đối lập Subianto đắc cử theo dự báo vẫn không làm hỏng tiến độ phát triển ổn định của nền kinh tế lớn nhất khu vực.

Việc bỏ phiếu chọn thành viên cho cơ quan lập pháp giữa nhiệm kỳ 6 năm của tổng thống Duterte ở Philippines được một số nhà phân tích đánh giá như một cuộc trưng cầu dân ý về chính sách của vị tổng thống này. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy tín nhiệm của Duterte đang ở mức cao nên khả năng đồng minh của ông sẽ quyền kiểm soát đa số lập pháp là rất cao.

Giới trẻ sẽ quyết định thành bại cuộc bầu cử

Giới trẻ Indonesia trước đây không quan tâm tới chính trị, thậm chí có tới 30% không đi bỏ phiếu ở cuộc bầu cử năm 2014. Lần này thì 23,4% giới trẻ nước này cho biết họ thực sự quan tâm tới các sự kiện chính trị trong nước. Không chỉ theo dõi, bỏ phiếu mà giới trẻ Indonesia tự tin đăng ký chạy đua vào Hạ viện với con số 21% trong tổng số 7.991 ứng cử viên. Những ứng cử viên trẻ tuổi này nằm ở độ tuổi từ 21 tới 35.

Tờ Daily Inquirer hồi năm 2018 cho biết giới trẻ Philippines ngày càng quan tâm hơn tới đời sống chính trị. Họ không dừng lại ở mức độ quan tâm, bỏ phiếu mà đăng ký trở thành ứng cử viên. Lý do là họ muốn tham gia sâu hơn vào chính trị trong nước nhằm góp mặt đẩy lùi tình trạng tham nhũng và gia đình trị.

Khảo sát mới đây của Đại học Bangkok cho thấy có tới 78,6% giới trẻ Thái Lan được hỏi cho biết sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. 85,8% cho biết theo dõi các sự kiện chính trị trên các trang mạng xã hội. So với cuộc bầu cử gần nhất là năm 2011 thì giới trẻ Thái Lan thay đổi rất nhiều về góc nhìn chính trị.

ANH THƯ

;
;
.
.
.
.
.