Vua Tự Đức tìm người hiền tài

.

Vua Tự Đức (1829-1883) là vị vua triều Nguyễn trị vì trong giai đoạn lịch sử có biến động lớn là sự xâm lược của thực dân Pháp mà bản thân nhà vua và nhiều cộng sự cũng như triều đại đã rất cố gắng bảo vệ đất nước vẫn không vượt qua được những thử thách, nhưng nhiều người trong hậu thế đã đổ hết trách nhiệm cho vua Tự Đức với cách nhìn nhận, đánh giá rất ác cảm về vị vua hay chữ này.

Vua Tự Đức (1829-1883). Ảnh: Internet
Vua Tự Đức (1829-1883). Ảnh: Internet

Trong đó nặng nề nhất là luận điểm Tự Đức đã duy trì đường lối bảo thủ, khước từ những đề nghị duy tân cải cách của các sĩ phu thức thời làm nước ta mất đi cơ hội vươn lên hùng cường như Nhật Bản để rồi hậu quả là rơi vào tay Pháp. Điểm tích cực về vua Tự Đức lâu nay được nhiều người biết là giỏi thơ văn, hay chữ và là người con hiếu thảo. Thực tế, nhiều tư liệu lịch sử cho thấy vua Tự Đức cũng là người rất trăn trở với vận mệnh của đất nước.

Theo sách Đại Nam thực lục, trước yêu cầu canh tân đất nước, nhà Nguyễn với vai trò chủ thể của việc tiếp nhận và triển khai chương trình cải cách duy tân đã không quay lưng. Tất cả đều được vua Tự Đức và triều thần đọc kỹ, xem xét và bàn luận nên cho thực hiện hay gác qua một bên, thực hiện toàn bộ kiến nghị hay chỉ một phần. Thái độ và cách làm này cho thấy vua Tự Đức cũng rất ý thức cần phải canh tân để tồn tại, chứ không hoàn toàn mù quáng vứt bỏ điều trần như một số công trình trước đây đã viết.

Trong thực tế, triều Nguyễn đã triển khai các hoạt động liên quan đến nhiều lĩnh vực như tổ chức khai mỏ, giao thiệp và thông thương với nước ngoài, giáo dục theo lối mới, đào tạo nhân viên kỹ thuật, chiêu mộ nhân tài, khẩn hoang lập đồn điền, làm thủy lợi…

Vua Tự Đức ngay từ khi mới lên ngôi đã ý thức tầm quan trọng của nhân tài đối với việc cai trị và chấn hưng đất nước. Tự Đức năm thứ nhất (1848) ban Dụ: “Căn bản trị nước cốt ở được người; phương pháp được người cốt ở tuyển cử… Thế mới ban Dụ này cho mọi người biết, nhắc người hay, cử người hiền, một khi tâu lên, xét được việc trẫm tất bổ dụng ngay”.

Năm Tự Đức thứ 10 (1857), có Dụ: Từ xưa Thánh đế, Minh vương thay trời coi sóc muôn vật, tất tìm kẻ hiền tài trong thiên hạ để trợ giúp. Thật thế, dựng một nhà lớn không chỉ một cành cây, tạo thái bình chẳng phải mưu lược của một kẻ sĩ. Nếu không đề cử cho đông, chọn lựa công bằng, thì nhân tài nào đâu cùng nhau tìm tới? Trẫm đức bạc, địa vị trên vương hầu quan dân, cai trị từ trước đến nay, lo chính sự tìm người hiền, nghĩ mãi sợ không tìm được người. Này, trong ấp mười nhà ắt có nhà trung tín. Thiên hạ bao la há không có kẻ tài năng lạ thường. Cho nên bá quan có trách nhiệm trông coi trăm việc không tiến cử giới thiệu thì lấy gì mà tự biết. Ngựa Kỳ ngựa Ký không gặp Bá Nhạc, gỗ Kỷ gỗ Tử chưa gặp thợ giỏi, kẻ sĩ chưa  gặp thời, xưa nay đều vậy cả. Vì vậy ngày đêm bồn chồn, ngủ không an giấc, mơ nghĩ người tài như thèm như khát. Những bậc quân tử làm quan với ta, nếu hiểu được lòng này của Trẫm, gia tâm tìm hỏi, nắm vững chớ để sót, thì phép tắc dùng người tài trong dân đạt đến đạo lý cao nhất.

Lại há phải vay mượn tài năng của đời khác sao? Nay lệnh cho trong và ngoài Kinh, quan văn từ ấn quan trở lên, quan võ từ Chánh, Phó lãnh binh trở lên, nếu vốn biết người nào, thuộc ngành văn thì hạnh kiểm đúng đắn, kinh thuật uyên bác hoặc học rộng tài cao, văn chương bóng bẩy mà chưa ra làm quan; thuộc ngành võ thì quen thuộc binh thư, thao lược tinh thục, hoặc võ nghệ tinh thông, súng ống am tường, hoặc sức lực hơn người, một mình có thể cử hai ba trăm cân trở lên mà còn ở trong hàng ngũ quân, còn ở trong dân, đều được phép nêu tên cùng sở trường của họ, làm Sớ tâu xin bảo cử.

Còn như địa phương cũng nên xét hỏi quanh đó, dân ở trong hạt, cốt được kẻ có thực tài để đề cử tâu lên. Không chỉ đề cử người mình biết ngày thường mà thôi. Với quan văn thì cử về văn, quan võ thì cử về võ, hoặc quan văn mà biết người có tài võ cũng được đề cử. Hoặc là cử riêng, hoặc là cùng cử cũng được. Nếu không có được người, cũng đừng miễn cưỡng. Này tiến cử người hiền mong được trên thưởng, giấu che người hiền biết được sẽ giết, đó là đạo của ngày xưa.

Tháng 6-1871, triều đình kêu gọi các quan lại xét cử người hiền tài theo 8 hạng là: người đức hạnh hiền từ; người tài trí sâu rộng; người giỏi trị dân; người giỏi việc trị binh; người giỏi việc thương thuyết; người giỏi việc lí tài; người rộng thông văn học; người có nghề kỹ xảo khéo léo, biết làm đồ vật hay tinh nghề thầy thuốc, coi thiên văn và làm lịch.

Nhưng có lẽ việc này kết quả không được là bao nên tháng 2-1873, vua Tự Đức lại ra lệnh cho đình thần tiến cử những người có học thức, có tài trí, hiểu biết về thời thế trong và ngoài nước, biết được chữ và tiếng nước ngoài để thu dụng vào làm việc. Từ tháng 5-1876, thì việc chiêu mộ nhân tài được phổ biến rộng rãi bằng cách cho phép cả quan và dân ai có phương thuật tài năng có thể tự tiến cử không hạn chế. Như vậy, đến đời vua Tự Đức việc chiêu mộ nhân tài bằng hình thức tiến cử đã không còn một rào chắn nào. Đây có thể nói là một chính sách cởi mở và thoáng đạt mà từ trước đến bấy giờ mới có.

Những việc làm trên cho thấy Tự Đức là ông vua trăn trở với vận mệnh đất nước, mong muốn chiêu mộ được nhiều nhân tài. Tiếc rằng với nền giáo dục Nho giáo và sự lỗi thời lạc hậu của chế độ phong kiến đã không sản sinh ra những nhân tài đáp ứng yêu cầu lịch sử để đưa đất nước phát triển, vượt qua thử thách trước sức mạnh của văn minh phương Tây.

Từ góc độ này, chúng ta sẽ có đánh giá chính xác hơn, công bằng hơn về vua Tự Đức: bên cạnh trách nhiệm phải chịu trước lịch sử dân tộc còn có một Tự Đức giàu lòng hiếu tử, không chỉ giỏi thơ văn mà có cả lương tâm và trách nhiệm của người đứng đầu vương triều. Nhưng Tự Đức đã bất lực trước thử thách, những tình huống vượt quá khả năng, thời đại, triều đại của mình.

PHẠM ĐƯỢC

;
;
.
.
.
.
.