"Sợi chỉ đỏ" của văn hóa làng

.

Ở Hòa Vang - huyện nông nghiệp duy nhất của Đà Nẵng,  lễ hội là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt các hoạt động truyền thống văn hóa làng.

  Lễ Rước mục đồng có một không hai ở Việt Nam với nhân vật chính là các trẻ mục đồng. Ảnh: V.T.L
Lễ Rước mục đồng có một không hai ở Việt Nam với nhân vật chính là các trẻ mục đồng. Ảnh: V.T.L

Hòa Vang đang dịch chuyển dần theo hướng đô thị hóa. Đó là xu hướng tất yếu đối với một Đà Nẵng đô thị hóa và hội nhập. Có thể nơi đây rồi sẽ khoác lên một chiếc áo mới, nhưng những gì tinh túy, cốt lõi của văn hóa làng không phải vì thế mà mai một hay biến thể.

Phép nhân tích cực

Hòa Vang, thời điểm trước ngày 1-1-1997 có đến 19 xã, trong đó có 3 xã (Hòa Minh, Hòa Khánh, Hòa Hiệp) sau một đêm trở thành 3 phường của quận mới Liên Chiểu. Cùng thời điểm này, 2 xã Hòa Hải và Hòa Quý nhập về quận mới Ngũ Hành Sơn. Hơn 8 năm sau, theo Nghị định số 102/NĐ-CP ngày 5-8-2005 của Chính phủ, tiếp tục 3 xã Hòa Xuân, Hòa Thọ và Hòa Phát nhập về quận mới Cẩm Lệ.

Hơn 20 năm qua, trước sau có 8 xã đã rời “huyện mẹ” Hòa Vang, mang cái không gian văn hóa làng về với đời sống đô thị. Trong trường hợp này, thật đúng như các nhà nghiên cứu văn hóa đã đúc kết, rằng cho dù có khoác lên một chiếc áo mới, nhưng những gì tinh túy, cốt lõi của văn hóa làng không phải vì thế mà mai một hay biến thể.

Năm 1994, ở xã Hòa Minh, chư phái tộc làng Hòa Mỹ khôi phục lễ hội đình làng trên cơ sở “nâng cấp” lễ cúng đình vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm. Từ đó, Hội làng Hòa Mỹ dần định hình và vươn vai lớn mạnh thành một hoạt động thường niên in đậm nét di sản văn hóa, nhất là từ khi Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Báo Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 27-2-2000 có phóng sự Hội làng giữa phố, khẳng định sức sống bền bỉ của văn hóa làng, cho dù làng đã thành phố.

Rồi hàng loạt các hội làng khác diễn ra ở các khu phố nguyên là các làng cũ, chứng minh rằng cho dù Liên Chiểu nay trở thành “thủ phủ” của công nghiệp Đà Nẵng, thế nhưng các hội làng không những không bị “che khuất” bởi hoạt động bề nổi của nhà máy, xí nghiệp mà còn nổi bật như những cánh hoa đầy hương sắc tô thắm thêm bức tranh của vùng đất tây bắc thành phố.

Vùng đất Ngũ Hành Sơn, với nhiều truyền thuyết khắc họa một bên Non, một bên Nước, ngoài Lễ hội Quán Thế Âm diễn ra ở chùa Quán Thế Âm, còn có Lễ Giỗ Thạch nghệ Tổ sư và mới đây là Lễ hội Vu lan báo hiếu. Các lễ hội này cùng với Làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước đã làm nên nét nhấn nhá cho bức tranh văn hóa - tín ngưỡng vô cùng độc đáo cho vùng đất tâm linh này, góp phần vào giá trị chung để danh thắng Ngũ Hành Sơn “đăng quang” thành di tích quốc gia đặc biệt tháng 12-2018 vừa qua.

Quận “trẻ” Cẩm Lệ cũng không thua anh kém chị trong lĩnh vực lễ hội, có thể thấy rõ ở các địa bàn “xuất thân” từ làng quê xưa của Hòa Vang như Hòa Xuân, Hòa Thọ, Hòa Phát.

Hòa Vang, số xã đã giảm từ 19 xuống còn 11, có nghĩa là trong 22 năm gần một nửa đã rời nông thôn về với phố thị. Thế nhưng, đối với phạm trù văn hóa, đó không phải là một phép trừ mà là một phép nhân tích cực: cho dù có chuyển từ làng lên phố nhưng những giá trị của văn hóa truyền thống vẫn bất biến và góp phần làm nên phần hồn cho bức tranh đô thị.

Nét riêng cho Đà Nẵng phố

Trong lĩnh vực lễ hội, nếu Hội làng Hòa Mỹ (nay là Hội làng Hòa Minh) là “cái đinh” ở quận Liên Chiểu thì Hội làng Túy Loan là đỉnh điểm ở huyện Hòa Vang.

Được khôi phục lần đầu vào năm 1999 vào dịp đình làng được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia (ngày 4-1-1999), Hội làng Túy Loan (xã Hòa Phong) đến nay đã tròn 20 mùa lễ hội. Chiều mồng 8 tháng Giêng hằng năm, bà con chư phái tộc trong làng tề tựu đầy đủ ở nhà thờ tộc Đặng phái nhì để rước sắc thần về đình làng và an vị trong chính đình. Đêm xuống, cả cụm di tích gồm đình làng, nhà thờ Ngũ tộc Tiền hiền đẹp hơn, thiêng liêng hơn. Những dây đèn trang trí viền quanh các mái ngói âm dương, những ngọn đèn lồng giăng dọc khắp các ngả đường gợi không khí hội làng thanh bình, gần gụi. Trong đình trống chiêng rộn rã, các cụ cao niên xúng xính trong áo dài khăn đóng trịnh trọng dâng lễ cổ truyền tế Tiền hiền. Dưới bến sông trước mặt đình, mọi người thả hoa đăng cầu nguyện quốc thái dân an, mưa hòa gió thuận, mùa vụ bội thu. Một chiếc bè bằng bẹ chuối, gọi là Long Chu (thuyền rồng), được thả xuống sông để tống tiễn những rủi ro, tật bệnh xuôi ra biển cả.

Cây đa, sân đình, đình Túy Loan còn có cả một bến nước nên thơ phía trước. Đây là địa thế trời cho để hội làng hằng năm có thêm Giải đua thuyền truyền thống. Năm nào cũng thế, chưa đến giờ khai mạc giải, khán giả đã đông kín trên bến sông. Quốc lộ 14G (đường ĐT 604 cũ) đi qua trước đình chừng như chật lại. Mỗi khi thuyền đội nhà đi qua, cổ động viên hò hét đến khản cổ. Thôi thì đủ cả, dậm chân, huơ tay, tạt nước, vẫy nón... cả một quãng trên bến dưới sông như sôi lên dưới ánh nắng đầu xuân...

Đồng bào dân tộc Cơ tu với gần 1.200 người sống ở hai xã Hòa Bắc và Hòa Phú cũng đã góp thêm nét cọ làm phong phú bức tranh lễ hội của Hòa Vang bằng những lễ hội, tập tục rất riêng của dân tộc mình. Những điệu múa tung tung – da dá, những điệu lý lên bổng xuống trầm cùng với tiếng cồng chiêng chừng như làm cho con người thăng hoa hơn với men rượu cần vào mùa lễ hội.

Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang, nhận định: “Với hơn 400 năm định cư, canh tác nông nghiệp trên đất Hòa Vang, rộng hơn là cả thành phố Đà Nẵng, cư dân các tỉnh Thanh - Nghệ trong quá trình Nam tiến đã mang theo văn hóa bản xứ phía Bắc và làm nên cuộc “cách mạng” văn hóa ở vùng đất mới mà dấu ấn lưu lại là các phong tục tốt đẹp như: trợ tang, mừng thọ, cúng xóm, vần công trong lao động sản xuất… Đặc biệt, người Hòa Vang còn tạo ra đến hai lễ hội độc đáo mà không tìm thấy ở bất cứ nơi đâu, là lễ hội Rước Mục đồng ở thôn Phong Nam, xã Hòa Châu và lễ hội Tắt bếp của thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước”.

Lễ hội Rước Mục đồng và lễ hội Tắt bếp không chỉ là nét riêng của Hòa Vang mà là của cả Đà Nẵng, nếu nói của cả Việt Nam cũng chẳng ngoa. Mặc dù đã “chia lửa” cho các quận trong lĩnh vực văn hóa làng nhưng Hòa Vang vẫn còn cả một kho tàng với những giá trị bất biến với thời gian. Vấn đề là làm sao bảo tồn, phát huy để “sợi chỉ đỏ” đó xuyên suốt đời sống văn hóa của người Hòa Vang và cả Đà Nẵng...

“Tuy không sôi nổi, ồn ào như lĩnh vực kinh tế, quy hoạch đô thị nhưng cùng với đó, văn hóa và truyền thống ở Hòa Vang đã và đang có sự biến đổi to lớn. Việc giữ gìn và phát huy những lễ hội, phong tục tốt đẹp bao đời nay theo quy luật vận động của văn hóa (học tập cái mới, cái tốt và đào thải những cái lạc hậu) sẽ là tiền đề để Hòa Vang làm giàu văn hóa của mình và tạo ra bản sắc riêng trong điều kiện sống hiện đại”.

Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang Đỗ Thanh Tân
 

VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.