Ở nơi tứ bề sóng nước

.

Tam Hải - thì hẳn mở ra tứ bề là sóng nước rồi nhưng chỉ khi nhìn từ máy bay xuống, qua một vòng lượn từ phía sân bay Chu Lai đảo ra hướng bắc rồi vòng lại mới thấy hết vẻ đẹp của vùng sông nước-biển bờ này. Không chỉ đơn giản một phía là cửa Lở, một phía là cửa An Hà mà là thêm cả một vùng sông nước mênh mang phía trong kéo dài từ bến Ván đổ xuống, hợp vào với sông nước Trường Giang, với Tam Giang, Tam Hòa, Tam Tiến đã làm nên sự độc đáo của cả trời mây non nước.

Bến phà Tam Hải. Ảnh: L.T
Bến phà Tam Hải. Ảnh: L.T

Lần đầu đến với Tam Hải là chuyến đi “đẹp như mơ” bằng tàu được vẽ ra, bắt đầu khởi hành từ bến Ván dưới chân cầu An Tân phía thị trấn chạy ngược theo sông Trường Giang và dự định đổ ra Thăng Bình, Duy Xuyên rồi cập bến Bạch Đằng (Hội An). Cái lộ trình đầy viễn tưởng của mấy nhà văn, nhà thơ xứ Quảng bị cắt đột ngột ngay ở cầu Máng ngăn giữa Bình Triều và Bình Đào không một lời giải thích. Đó là chuyến đi thực tế khá là vui của một năm nào đấy hồi mới chia tách tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng đã giúp chúng tôi ghé vội vàng vào Tam Hải. Tam Hải như cô gái đẹp lần đầu được “xem mắt”. Chính là đoạn từ bến đò chạy tới cơ quan xã bây giờ. Nhớ hồi ấy có cả xe đạp ôm thì phải. Ghé thăm anh bạn vừa chuyển từ trường cấp hai sang làm chủ tịch xã, uống ly cà-phê rồi đi. Vội nhưng cũng kịp “nhận ra” sự năng động và sung túc của vùng kẹp giữa sông và biển này. Một Tam Hải “rất khác với nhiều nơi khác” của vùng đất ven biển miền Trung.

Chuyến đi thực tế và ở lại Tam Hải hai ngày một đêm của Chi hội Văn học tỉnh Quảng Nam khá công phu. Là bởi sự nhiệt tình “quá cỡ thượng khách” của anh em lãnh đạo xã Tam Hải hồi ấy. Chưa đi, chúng tôi đã mang sẵn trong mình cái cảm giác được quý trọng bởi những con người nơi ấy. Và quả thật là thế. Cái cảm giác ùa vào cùng với sông nước khi qua phà Tam Giang - Tam Hải không khác gì lần đầu qua phà Cần Thơ hay Mỹ Thuận vượt sông Hậu, sông Tiền trong Nam Bộ. Mọi thứ vỡ òa ra cùng mênh mông sông nước. Mọi thứ trở nên mới mẻ và kỳ diệu. Có vẻ như mọi thứ đã trở nên rất “nghiêm ngắn” không còn ngây ngô như lần đi trước nữa(!).

Bị mê hoặc bởi cái bến đò còn lưu lại rất nhiều những hàng dừa già, có lẽ đã rất già, sai trĩu những quả (mà lần ấy, trước khi rời đảo chúng tôi được một cụ già hái cho một mớ quả, chất đầy một khoang thuyền, bảo đây là quà của tấm lòng Tam Hải). Những vạt cỏ non có, già cỗi có, trải dài theo mép nước. Những đứa trẻ con vùng biển dòm chúng tôi đầy lạ lẫm rồi vội vàng nhảy ùm xuống nước, những đứa trẻ mà sau này khi quay trở lại đảo chúng tôi không còn thấy nữa. Rồi một đêm hòa quyện thơ và nhạc trong một khu vườn mênh mông đêm. Rồi cả một đêm không ngủ cùng với cát biển, với lưới chài, với thuyền thúng, với thơ và đêm, với tiếng sóng biển ì ầm không dứt. Những lùm dứa dại, những bóng dừa lả lơi trong đêm trăng sao chập chờn. Với hơi gió biển càng sâu về khuya như càng thêm mặn mòi và đậm đà. Để có một đêm nhớ đời. Ở Tam Hải. Nơi, mở ra đâu cũng thấy gió. Và biển.

Lại một đêm nhạc bên bờ biển, trong tiếng sóng vỗ ầm ào của biển. Của cơn mưa lớn bất ngờ đổ ập xuống khiến cả đoàn trong đêm tối chẳng tìm thấy lối đi. Rồi cũng xong. Nghe tin anh em nhạc sĩ của tỉnh về thăm đảo, nhiều người con đi xa cũng vội về, có người từ tận trong Sài Gòn. Khác với lần trước, bây giờ, mọi thứ chuẩn bị một đêm nhạc đã quá đầy đủ, thậm chí quá hiện đại. Tam Hải đã thay đổi đến không kịp nhận ra. Buổi sáng, tôi cùng anh bạn học cũ lòng vòng quanh đảo. Vòng quanh nhưng không lên Ông Đụn Bà Che hay các gành đá vốn dành cho các người trẻ. Chúng tôi tìm lên nghĩa địa Cá Ông. Lại vòng vèo giữa những nhà những xóm nho nhỏ, những bạt ngàn dương liễu và dứa dại.

Các hồ nuôi tôm trên cát được phủ kín mọi nơi nên có nhiều đoạn lắt léo rất khó đi. Rồi cũng ra được tới nơi lưu giữ hơn 500 bộ xương Cá Ông từ xưa xửa xừa xưa. Lại nghe những câu chuyện về nghi lễ mai táng Cá Ông và các tục lệ đã có từ lâu ở nơi này khi mà sóng gió biển khơi còn là nỗi ám ảnh dữ dội trong lòng những ngư dân già. Những ngôi mộ nho nhỏ, lúp xúp ken dày trên một vuông đất nằm khiêm tốn ven biển, sau đám dương liễu và cỏ dại như đang thầm thì một câu chuyện dài. Dài cả trăm năm, ngàn năm…

Như một sự lạc điệu đầy bất ngờ, những ngày cuối năm nhận thêm tin không vui… Té ra là câu chuyện đã kéo dài hơn hai tháng trước đó. Chiếc phà qua lại bến Tam Quang - Tam Hải quen thuộc bị hư hỏng phải mang đi sửa. Hứa là một tháng sẽ xong. Mà cho đến tận mấy tháng trời vẫn chưa có. Thay vào đó là mấy chiếc tàu gỗ nhỏ bé và mong manh nên việc qua lại trở nên rất khó khăn. Những lời chia sẻ xót xa trên mạng khiến chúng tôi - những người vốn yêu mến cái xã đảo yêu thương cũng nghe xa xót. Có cái gì đó không ổn ở đây thì phải. Có vẻ mỗi lần ghé lại nơi ấy là thêm một điều mất mát. Riết rồi, thì sao? Rất may, mới đây, phà vỏ thép đã trở lại hoạt động bình thường, và có thêm một cái Tết nhộn nhịp ở nơi bốn bề là sóng nước này.

Lê Trâm


 

;
;
.
.
.
.
.