Đối diện với khan hiếm nguồn nước

.

Đà Nẵng đang phải đối diện với nguy cơ thiếu nước nếu không sớm đưa ra những giải pháp khả thi.

Công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ đang được nâng lên 60.000m3/ngđ, bảo đảm đưa vào vận hành cuối tháng 3-2019. Trong ảnh: Theo dõi vận hành các hệ thống tại bộ phận quan trắc nhà máy. Ảnh: V.T.L
Công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ đang được nâng lên 60.000m3/ngđ, bảo đảm đưa vào vận hành cuối tháng 3-2019. Trong ảnh: Theo dõi vận hành các hệ thống tại bộ phận quan trắc nhà máy. Ảnh: V.T.L

Tháng 12-2018, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thành phố xây dựng đề án Tài nguyên nước mặt thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Đề án), nhằm tạo cơ sở cho các ngành, địa phương trên địa bàn thành phố điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt.

“Thủ phạm” gây nên tình trạng khan hiếm nước

Theo Đề án, tình trạng khan hiếm nước do hạn hán tại Đà Nẵng thường xảy ra vào tháng 3, tháng 4 và tháng 8 hằng năm tại tất cả các lưu vực sông, trong đó thiếu nước nghiêm trọng nhất thường xảy ra vào tháng 8 hằng năm, khi các hồ chứa ở cuối thời kỳ cấp nước, lượng nước điều tiết giảm thấp so với nhu cầu sử dụng tăng cao do nắng nóng kéo dài. Chịu tác động mạnh của tình trạng hạn hán là các hộ sử dụng nước nông nghiệp trong lưu vực sông Cu Đê, Túy Loan và các hộ dùng nước trong khu vực đô thị được cấp nước từ Nhà máy nước (NMN) Cầu Đỏ.

Một “thủ phạm” nữa gây nên tình trạng khan hiếm nước, thiếu nước ở Đà Nẵng là do xâm nhập mặn. Mặn thường xâm nhập sâu vào vùng cửa sông từ tháng 3 đến tháng 8 hằng năm, những năm xuất hiện El Nino, hiện tượng xâm nhập mặn kéo dài từ tháng 1 đến tháng 9; cá biệt năm 2018, hiện tượng xâm nhập mặn xuất hiện vào tháng 11. Riêng năm 2019, khác với quy luật của nhiều năm, ngay từ những ngày đầu năm, xâm nhập mặn đã diễn ra gay gắt trên sông Cầu Đỏ.

Theo nhận định của Phòng Tài nguyên nước (Sở TN&MT), diễn biến độ mặn quan trắc được tại cửa thu nước Cầu Đỏ cho thấy độ mặn trong những ngày qua đang ở mức báo động. Độ mặn cao nhất ghi nhận được trong khoảng thời gian từ ngày 2-2 đến ngày 16-2 đã có thời điểm đạt giá trị 1.641mg/l (lúc 5 giờ 45 phút ngày 16-2).

Ngoài ra, biến đổi khí hậu và tác động của hệ thống thủy điện cũng là các tác nhân khiến cho Đà Nẵng phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn nước cục bộ ở hiện tại và sâu rộng trong tương lai.

Giải pháp trước mắt và lâu dài

Với sông Cầu Đỏ, nếu độ mặn từ 1.000mg/l trở lên thì việc khai thác nước mặt không thể thực hiện. Bà Đặng Nguyễn Thục Anh, Phó phòng phụ trách Tài nguyên nước cho biết, giải pháp trước mắt là phải bơm nước hoàn toàn từ đập dâng An Trạch và chuyển tải về xử lý tại NMN Cầu Đỏ. Nếu nhu cầu sử dụng của thành phố Đà Nẵng vượt công suất thiết kế của Trạm bơm phòng mặn An Trạch thì nguồn nước cấp cho thành phố Đà Nẵng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trước mắt, Sở TN&MT thành phố duy trì và phát huy năng lực hiện có của 12 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, khi có điều kiện sẽ cải tạo nâng cấp các công trình ở vùng sâu vùng xa và thay thế các công trình đã có tại các khu dân cư tập trung bằng các công trình mới và phát triển mạng lưới cấp nước đô thị để cấp nước cho các khu dân cư phụ cận đô thị.

Về lâu dài, Đề án đã đưa ra các giải pháp phát triển nguồn nước, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công trình cấp nước phi nông nghiệp.

Theo số liệu năm 2017 của Sở TN&MT, tổng lượng nước khai thác để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất của đô thị Đà Nẵng là 250.000m3/ngđ (ngày đêm), trong đó khai thác tại sông Yên - Cầu Đỏ là 240.000m3/ngđ. Trong trường hợp xảy ra sự cố môi trường tại nguồn nước sông Yên thì 95% dân số đô thị Đà Nẵng bị thiếu nước nghiêm trọng.

Công suất của Trạm bơm phòng mặn An Trạch chỉ có 240.000m3/ngđ, trong giai đoạn 2015-2020 sẽ xảy ra thiếu nước nghiêm trọng khi nguồn nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn (hoặc bị ô nhiễm). Do đó, để bảo đảm an toàn cấp nước, thành phố Đà Nẵng sẽ đầu tư nâng cấp Trạm bơm phòng mặn An Trạch tối thiểu đạt 355.000m3/ngđ nhằm bảo đảm công suất cấp nước cho thành phố vào năm 2020 và các năm kế tiếp.

Cùng với đó, để giải bài toán thiếu nước, Đà Nẵng sẽ xây dựng mới các công trình cấp nước đô thị. Hiện UBND thành phố giao Sở Xây dựng rà soát quy hoạch cấp nước cho Đà Nẵng và chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT nghiên cứu đề xuất UBND thành phố đầu tư các công trình cấp nước mới theo thứ tự ưu tiên, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, có lộ trình cụ thể.

Khảo sát đánh giá hiện trạng trữ lượng tài nguyên nước mặt cho thấy lượng dòng chảy đến Đà Nẵng tương đối dồi dào, đủ đáp ứng nhu cầu dùng nước của thành phố. Tuy nhiên tỷ lệ trữ lượng tài nguyên nước trên các sông nội tỉnh rất nhỏ, trong tháng kiệt nhất chỉ chiếm 6,26%, trong mùa kiệt chỉ chiếm 18,18% và trong năm chỉ chiếm 19,65% tổng trữ lượng dòng chảy, nguồn nước cấp cho Đà Nẵng phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nước đến của sông Vu Gia và sông Vĩnh Điện.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng nhận định: “Để bảo đảm chủ động về nguồn nước cấp cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong các giai đoạn phát triển thì cần phải có giải pháp xây dựng công trình điều tiết nước trên lưu vực sông Cu Đê để tăng nguồn nước dự trữ cho Đà Nẵng”.

Gay gắt mùa khô 2019

Theo thông tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng ENSO được dự báo sẽ chuyển sang trạng thái El Nino với xác suất trong khoảng 60-70% từ tháng 11-2018 đến những tháng đầu năm 2019. Theo đó, lượng dòng chảy sông, suối mùa khô năm 2019 ở khu vực Nam Trung Bộ thấp hơn từ 30-60%.

Thông tin không mấy khả quan này cùng với thực trạng nguồn nước hiện tại cho thấy việc cấp nước cho sinh hoạt và các hoạt động thiết yếu khác trong mùa khô năm 2019 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo bà Thục Anh, một trong những giải pháp hàng đầu nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước cho sinh hoạt và các hoạt động thiết yếu khác là sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Tiết kiệm nước sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng khan hiếm nước đến mức thấp nhất có thể, ứng phó và phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Trạm bơm phòng mặn An Trạch sẽ được nâng công suất lên tối thiểu đạt 355.000m3/ngđ vào năm 2020. Ảnh: V.T.L
Trạm bơm phòng mặn An Trạch sẽ được nâng công suất lên tối thiểu đạt 355.000m3/ngđ vào năm 2020. Ảnh: V.T.L

Việc gia tăng nhu cầu sử dụng cộng với việc sử dụng lãng phí nguồn nước đã kéo theo việc gia tăng lượng nước thải xả vào các nguồn nước mặt gây ô nhiễm nguồn nước. Ông Tô Văn Hùng khuyến cáo cần có biện pháp giảm thiểu tối đa lượng nước thải phát sinh để bảo vệ nguồn nước nhằm duy trì, cải thiện chất lượng nước đáp ứng yêu cầu cho các mục đích sử dụng.

“Hơn lúc nào hết, vấn đề truyền thông, giáo dục ý thức và hành động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả cần được triển khai mạnh mẽ để huy động sự vào cuộc của từng cá nhân, tổ chức. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng cần phải phấn đấu để giảm bình quân lượng nước sử dụng trên đầu người xuống mức thấp hơn 10-15% so với mức tiêu thụ hiện nay vào năm 2030 bằng cách đưa ra nhiều sáng kiến khác nhau về cách sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả”, ông Hùng đề nghị.

“Sốt ruột” trước tình hình nhiễm mặn nguồn nước ngay từ những ngày đầu xuân 2019, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng làm việc và khảo sát thực tế để chỉ đạo về việc đẩy nhanh tiến độ dự án nâng công suất NMN Cầu Đỏ lên 60.000m3/ngđ, bảo đảm đưa vào vận hành vào cuối tháng 3-2019; đồng thời, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng NMN Hồ Hòa Trung công suất 10.000m3/ngđ.

Chính quyền đã thể hiện quyết tâm. Người dân cần quan tâm thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước, cùng chung tay góp sức để ứng phó với hạn hán lịch sử sẽ diễn ra gay gắt trong mùa khô năm nay.

Theo quy hoạch đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 9018/QĐ-UBND ngày 28-12-2016, dự kiến nhu cầu dùng nước của Đà Nẵng theo từng giai đoạn: Đến năm 2020 là 462.000m3/ngđ; đến năm 2025 (nội suy) là 647.000m3/ngđ; đến năm 2030 là 832.000m3/ngđ.

Trên cơ sở đó, cần xem xét đầu tư các nhà máy cấp nước theo từng giai đoạn như sau:

- Giai đoạn năm 2020: Khai thác tối đa NMN Cầu Đỏ (sau khi hoàn thành việc nâng công suất thêm 60.000m3/ngđ) và NMN Sân Bay; đồng thời đầu tư nâng công suất Trạm bơm phòng mặn An Trạch tối thiểu đạt 355.000m3/ngđ (để đáp ứng chạy vượt tải trong trường hợp cần thiết). Hoàn thành NMN Hòa Liên công suất 120.000m3/ngđ (giai đoạn 1) và dự án NMN Hồ Hòa Trung công suất 10.000m3/ngđ.

- Giai đoạn đến năm 2025: Nghiên cứu đầu tư NMN Hòa Châu (60.000m3/ngđ) hoặc nâng công suất NMN Cầu Đỏ thêm 60.000m3/ngđ. Nghiên cứu đầu tư NMN An Trạch công suất 60.000m3/ngđ. Nghiên cứu nâng công suất NMN Hồ Hòa Trung đến 20.000m3/ngđ.

- Giai đoạn đến năm 2030: Nghiên cứu nâng công suất NMN Hòa Châu đến 180.000m3/ngđ. Nghiên cứu nâng công suất NMN An Trạch đến 120.000m3/ngđ. Nghiên cứu đầu tư NMN Đồng Nghệ công suất 30.000m3/ngđ.
- Giai đoạn sau 2030: Sẽ nghiên cứu đầu tư tùy thuộc vào tình hình thực tế.

Nguồn: Góp ý kịch bản phân bổ nguồn nước mặt cho khu vực đô thị Đà Nẵng của Sở Xây dựng thành phố

VĂN THÀNH LÊ
 

;
;
.
.
.
.
.