Phát triển dân số trên cơ sở nâng cao chất lượng sống

.

Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, Đà Nẵng đã đạt được những thành quả quan trọng. Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với BSCK2-TTƯT Huỳnh Bá Tân (ảnh), Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình thành phố về những kết quả và định hướng trên lĩnh vực này. 

* Theo đề xuất của Bộ Y tế, mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con hoặc tự quyết định số con, trong đó Bộ Y tế ủng hộ quyền sinh sản (Hội đồng thẩm định Luật dân số đã được Bộ Tư pháp thông qua cuối tháng 1-2018), trước quy định đó, hiện nay, tỷ lệ sinh của Đà Nẵng như thế nào, thưa ông?

- Nghị quyết số 21/NQ-TW, ngày 25-10-2017 của của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã đề ra nhiều mục tiêu đến năm 2030, trong đó:

Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), với quy mô dân số đến năm 2030, Việt Nam đạt 104 triệu người; giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục xây dựng quy mô gia đình nhỏ mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con (không như trước đây mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con).

Nghị quyết cũng chỉ rõ: Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 theo hướng chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, mục tiêu của chiến lược về quy mô dân số duy trì mức sinh thay thế (tổng tỷ suất sinh) là 2,1 con vào năm 2025 và 2,0 vào năm 2030. Đồng thời, Bộ Y tế chủ trì, xây dựng dự thảo Luật Dân số trình Quốc hội ban hành trong đó dự thảo về quy mô dân số: Nhà nước chủ trương duy trì mức sinh thay thế trong phạm vi cả nước. Như vậy, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hiện nay là tuyên truyền, tư vấn, bảo đảm để mỗi cá nhân, cặp vợ chồng chủ động, tự nguyện thực hiện kế hoạch hóa gia đình để đạt được mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ.

Đà Nẵng đã đạt được mức sinh thay thế này từ năm 2005. Giai đoạn 2013-2017, thành phố duy trì bình quân tổng tỷ suất sinh 2,15 con/phụ nữ. Như vậy, Đà Nẵng sẽ về đích sớm và duy trì mức sinh thay thế như mục tiêu mà Nghị quyết số 21/NQ-TW đã đề ra.

* Chuyển đổi về nội hàm “dân số và phát triển” là một vấn đề lớn và mới, hoàn toàn khác với nội dung trước đây. Vậy, công tác truyền thông của ngành dân số thành phố đã có những đổi mới gì để phù hợp với thực tế?

- Nếu như trước đây, công tác truyền thông, giáo dục chủ yếu tập trung vào nội dung: “Mỗi gia đình nên có từ 1-2 con để nuôi dạy cho tốt” thì bây giờ là vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh và nuôi dạy con tốt; đồng thời, vẫn duy trì tuyên truyền ngăn ngừa tư tưởng tâm lý không hạn chế số con; tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế, sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp. Mục tiêu của công tác tuyên truyền là làm sao để người dân hiểu đúng và làm theo nghị quyết, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thực hiện tốt công tác dịch vụ chăm sóc sức khỏe người dân, hướng đến một thành phố an bình và phát triển.

Không chỉ đổi mới nội dung tuyên truyền vận động về công tác dân số và phát triển mà cần phải hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

* Việc sinh con thứ 3 trở lên được xác định là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, bỏ học, áp lực lên hệ thống y tế, giáo dục... Quan điểm của ông về quy định “nới lỏng” việc sinh con thứ 3 và ngành dân số thành phố làm gì để hạn chế tình trạng bùng nổ dân số?

- Tính đến tháng 5-2017, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của thành phố Đà Nẵng là 5,52%. Mặc dù so với nhiều địa phương khác, 5,52% không phải là một tỷ lệ cao, song, việc sinh con thứ 3 trở lên vẫn là một trong những rào cản đối với công tác giảm nghèo; ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người mẹ và cơ hội nuôi dạy con cái khôn lớn; làm giảm chất lượng dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh và kìm hãm sự phát triển kinh tế gia đình và toàn xã hội. Do đó, việc giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội.

Trước thực tế đó, ngành Y tế thành phố đã tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đưa chỉ tiêu giảm sinh con thứ 3 trở lên vào các kế hoạch hằng năm của các cấp; phối hợp tốt với các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể cùng mạng lưới dân số chuyên trách (hiện tại, số cộng tác viên dân số-sức khỏe cộng đồng của Đà Nẵng là 1.843 người) thực hiện việc tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân số đến người dân.

Đồng thời, chúng tôi đã xây dựng và duy trì hoạt động “Câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3 giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” tại 56 phường, xã. Các cơ sở y tế cung cấp đầy đủ gói dịch vụ sức khỏe sinh sản-kế hoạch hóa gia đình gần dân nhằm giúp phòng tránh có thai ngoài ý muốn.

Hiện tại, Đà Nẵng đã kiểm soát được tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có hiệu quả. Tỷ lệ sinh 3 giảm dần qua các năm: 2015: 5,80%; 2016: 5,52; 2017 giảm xuống còn 5,29%; dự kiến năm 2018 chỉ còn 5%.

* Năm 2016, Đà Nẵng ban hành đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Đến nay, đề án đã được thực hiện đến đâu, thưa ông?

- Năm 2016, UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2020. Thời điểm đó, chúng tôi đã phối hợp với các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể để triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Trong đó, tập trung vào các hoạt động như:

Truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi cho nhân dân; cung cấp thông tin cho lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo về công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; đưa nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh vào các trường học; xây dựng mô hình Câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3 giúp nhau phát triển kinh tế gia đình tại 56 phường, xã; thanh tra, kiểm tra các cơ sở siêu âm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và các nhà sách về việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh...

Thời điểm năm 2014, tỷ số giới tính khi sinh tại Đà Nẵng là 107 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái. Đến năm 2015, tỷ số đó lại tăng 108/100. Từ năm 2016 đến nay, đã dần đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức tỷ số tự nhiên (103-106), ước năm 2018 là 106/100.

* Vậy mục tiêu của ngành dân số thành phố trong thời gian tới là gì?

Mặc dù về mặt số học tỷ số giới tính khi sinh của Đà Nẵng có giảm trong những năm gần đây, tuy nhiên, tình trạng bất bình đẳng giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ, cần có con trai nối dõi tông đường và yếu tố xã hội khác vẫn tồn tại trong một bộ phận lớn nhân dân. Do vậy, thời gian đến, ngành dân số thành phố vẫn sẽ tiếp tục tăng cường công tác giáo dục, truyền thông chuyển đổi hành vi.

Đồng thời, ngành tham mưu cho các cấp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách địa phương trong việc: Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế-xã hội; tiếp tục duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bổ dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển thành phố nhanh, bền vững.

Quỳnh Trang

;
;
.
.
.
.
.