Lắng nghe rừng

.

Các nhà nghiên cứu rừng, bảo tồn thiên nhiên thường xuyên gắn camera trong rừng để theo dõi việc khai thác rừng trái phép; nhưng lại bị lâm tặc tìm cách tháo gỡ, phá hủy. Chính vì thế, hình ảnh vệ tinh vẫn là nguồn thông tin quan trọng trong nỗ lực chống nạn phá rừng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một nghiên cứu chung giữa Đại học Maryland, Google, Cơ quan khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS), Cơ quan Hàng không và Vũ trụ quốc gia (NASA) công bố kết quả hồi tháng 10-2018 cho biết, từ năm 2001 tới năm 2016, rừng ở khu vực Đông Nam Á mất 227.000km2, trong đó Indonesia là nặng nhất. Thế giới mất diện tích rừng năm 2017 bằng nước Ý.

Ngoài Indonesia rồi Malaysia ở Đông Nam Á thì Brazil, Cộng hòa dân chủ Congo và Madagascar là những nước mất rừng nhiều nhất thế giới. Phá rừng cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự ấm lên của Trái đất, ước tính hấp thụ khoảng 15% lượng khí thải hằng năm.  

Một trong những nguyên nhân chính của nạn phá rừng hoặc chuyển đổi đất than bùn ở Đông Nam Á là để phát triển vùng nguyên liệu cho ngành công nghiệp dầu cọ. Tuy nhiên, quản lý rừng theo thời gian thực và giám sát khai thác rừng trái phép bị thách thức lớn bởi thông tin không chính xác, không đầy đủ và cũ kỹ. Chẳng hạn như hình ảnh vệ tinh NASA không có độ phân giải tốt hay tính nhất quán để xử lý thông tin.

Tuần trước, các nhà nghiên cứu, bảo tồn thiên nhiên và công ty dầu cọ bàn thảo về kế hoạch bảo vệ rừng và chống cháy rừng mà ít phụ thuộc vào hình ảnh vệ tinh. Thay vào đó là phải biết “lắng nghe” hơi thở của rừng. Một báo cáo được đăng tải trên tạp chí khoa học Science tuần trước cho biết các nhà khoa học muốn sử dụng âm thanh sinh học để ghi âm, kiểm soát âm thanh của động vật, côn trùng và hoạt động của con người để có biện pháp bảo vệ hiệu quả hơn.

Đồng tác giả của báo cáo là Rhett Butler nói rằng khi bạn theo dõi rừng nguyên sinh thì bản đồ âm thanh khác hẳn với rừng bị tàn phá. Thiết bị âm thanh rẻ tiền hơn camera lại khó bị phát hiện hơn vì có thể treo cao 30m để thu được âm thanh động vật hoang dã, gửi cảnh báo khi có tiếng súng, xe cộ hay tiếng cưa máy được thu âm lại. Những âm thanh của con người hoặc lửa trong khu vực có rừng cũng có thể được cảnh báo và xác định chính xác khu vực có nguy cơ phá rừng. Báo cáo hướng tới thành lập một tổ chức toàn cầu để lưu trữ nền tảng âm thanh giúp cho việc phân tích nhanh chóng dữ liệu thu thập được. Các dữ liệu âm thanh sinh học này không chỉ dùng cho nghiên cứu học thuật mà còn để giám sát các chính sách, chiến lược bảo tồn trên khắp thế giới.

Các nhà nghiên cứu cho rằng lắng nghe rừng cũng là cách bảo vệ rừng hiệu quả trên toàn thế giới.     

                                      ANH THƯ (theo Businesslive, Asean Post)
 

;
;
.
.
.
.
.