Chuyện khó nói tuổi vị thành niên

.

“Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên vì tương lai giống nòi” là chủ đề của tháng hành động quốc gia về dân số năm 2018. Cũng trong mục tiêu đó, Đà Nẵng luôn nỗ lực, chú trọng trong công tác tuyên truyền giáo dục, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên (nhóm dân số từ 10-24 tuổi).

Công tác truyền thông giáo dục, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên tại Đà Nẵng luôn được quan tâm, chú trọng. Ảnh: MAI HIỀN
Công tác truyền thông giáo dục, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên tại Đà Nẵng luôn được quan tâm, chú trọng. Ảnh: MAI HIỀN

1. Mục tiêu mà Nghị quyết số 21 NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đề ra đến 2030 là sẽ giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn. Chính vì vậy mạng lưới dân số-y tế cần đổi mới toàn diện nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường. Hình thành kiến thức và kỹ năng về dân số, sức khỏe sinh sản đúng đắn cho các em. Đà Nẵng đã ban hành đề án “Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) cho vị thành niên/thanh niên giai đoạn 2016-2020”.

Đại diện Chi cục DS-KHHGĐ thành phố cho biết, bên cạnh những dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản còn có góc tư vấn thân thiện về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên ở các cơ sở y tế. Tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo nâng cao kỹ năng truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho cán bộ Đoàn, Ban chủ nhiệm các CLB “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” cho 7 quận, huyện với trên 200 học viên; phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình thành phố xây dựng và phát sóng các phóng sự; phối hợp Báo Đà Nẵng đăng các tin, bài; phát hành sách nhỏ về hướng dẫn chăm sóc sức khỏe sinh sản... giúp cho thanh, thiếu niên có thêm kiến thức và đề cao trách nhiệm bản thân, cùng sự vào cuộc của ông bà cha mẹ, sự tham gia của xã hội trong việc định hướng cho trẻ vị thành niên về chăm sóc sức khỏe sinh sản.

2. Với gần 2,7% các em vị thành niên từ 15-19 tuổi nạo phá thai khi chưa kết hôn, Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới. Có thể thấy, thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang phải đối mặt trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên chính là vấn đề nạo phá thai. Nguyên nhân của tình trạng này được xác định là do tình dục ở giới trẻ cởi mở hơn, quan niệm tình dục trước hôn nhân thay đổi. Các em gái khi mang thai do xấu hổ nên giấu không cho gia đình và mọi người biết mà thường tìm đến các cơ sở y tế kém chất lượng, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng có thể gây vô sinh, thậm chí tử vong.

Và để giảm tình trạng phá thai do có thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên, trong những năm qua Đà Nẵng đã thực hiện giải pháp truyền thông chuyển đổi hành vi cho đối tượng học sinh, sinh viên và cả đối tượng vị thành niên, thanh niên nghỉ học, chưa có việc làm hoặc có việc làm không ổn định tại 18 phường biển, ven biển với hàng nghìn em tham gia. Chi cục DS-KHHGĐ đã phối hợp với các trường THCS, THPT, cao đẳng, đại học cung cấp cho các em những kiến thức, kỹ năng cụ thể như cách từ chối, cách giữ gìn thân thể, cách thoát hiểm...

Tùy theo lứa tuổi mà có phương thức, nội dung phù hợp. Ngoài ra, Chi cục cũng đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm trao đổi với các bậc ông, bà, cha, mẹ những kiến thức cơ bản và nhấn mạnh vấn đề cha mẹ nên dành thời gian trò chuyện tâm sự với con cái. Đồng thời, Chi cục DS-KHHGĐ còn cung cấp các tờ rơi để cung cấp kiến thức cho vị thành niên, nội dung tùy theo từng lứa tuổi. Đối với vị thành niên: khi người khác có cái nhìn khiếm nhã, có động tác đụng chạm, người lạ rủ đi chơi, dụ cho ăn uống, cho quà, v.v… các em biết cách từ chối trước những đòi hỏi hoặc dụ dỗ từ bạn khác giới hay người lớn. Đối với thanh niên cung cấp nội dung về hậu quả có thai ngoài ý muốn, kiến thức về các biện pháp tránh thai.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền giáo dục, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên còn gặp nhiều khó khăn. Bác sĩ Trần Nguyễn Thu Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng cho hay: “Theo tôi nhận thấy, khó khăn lớn nhất trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên chính là rào cản giữa các em với người làm công tác y tế, là rào cản xã hội. Có nghĩa là, đa phần các vị thành niên, thanh niên đều còn tâm lý ngại, chỉ khi có việc mới tìm đến sự hỗ trợ từ các cơ sở y tế.

Có thể là do trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin, các em có nhiều phương tiện để có thể tự tìm hiểu. Tuy nhiên, các em chưa nhận thức được thông tin nào là chính thống, thông tin nào là không chính thống; từ đó dẫn đến những hiểu biết sai lệch. Mà không phải chỉ riêng các em vị thành niên, thanh niên, ở những độ tuổi khác, kể cả những người đã có gia đình cũng có tình trạng này”. Đơn cử như việc dùng thuốc phá thai khẩn cấp. Đa phần những người dùng phương pháp này đều không biết được rằng, phương pháp này có tỷ lệ bảo vệ không cao, chỉ 75%, tỷ lệ thất bại đến 25%; trong khi một phương pháp được gọi là có hiệu quả thì tỷ lệ thất bại chỉ dao động từ 1-2%.

Và tâm lý ngày càng thoáng hơn trong tình dục, trong khi trình độ hiểu biết về sức khỏe sinh sản còn hạn chế cũng là một khó khăn lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Trong 4 năm, từ 2014-2017, trung bình mỗi năm, CDC Đà Nẵng tổ chức 35 buổi nói chuyện, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các trường ở các cấp THCS, THPT, đại học, cao đẳng trên địa bản thành phố.

Với những nỗ lực trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, hy vọng Đà Nẵng là điểm sáng giúp vị thành niên có ý thức và hành vi đúng đắn trong lĩnh vực này.

Tính đến tháng 11-2018, CDC Đà Nẵng (cơ sở 2) tiếp nhận 79 ca phá thai (trong đó có 44 ca ngoại tỉnh) trong độ tuổi vị thành niên, con số này trong 11 tháng đầu năm 2017 là 86 ca (52 ca ngoại tỉnh). Trong năm 2017, CDC Đà Nẵng (cơ sở 2) tư vấn sức khỏe sinh sản cho 565 lượt người, tư vấn về phụ khoa cho 19.276 lượt người. Trong năm 2018, CDC Đà Nẵng (cơ sở 2) tư vấn về sức khỏe sinh sản cho 1.847 lượt người, tư vấn về phụ khoa cho 11.039 lượt người.

MAI HIỀN


 

;
;
.
.
.
.
.