Cho những tháng năm không trở lại(*)

.

Đầy yêu thương, nhẹ nhàng và trong veo, đúng như tên cuốn sách, Những ngày rất trong gửi đến mọi người, mà trước hết là những người thân, bạn bè thiết thân của tác giả Trần Nùng và những tình cảm thương mến về một thời đã xa. Cuốn sách viết về những tháng năm không trở lại, nhưng luôn đong đầy trong tim, trong khối óc của những con người gắn bó một thời bên nhau.

Như những thước phim quay chậm, lướt qua theo phân cảnh thời gian và không gian, từng câu chuyện cứ thế được kể theo trình tự lớp lang mà tác giả sắp xếp có chủ ý, giúp người đọc dễ hình dung về những ngày thơ bé, qua tuổi hoa niên, đến tuổi trưởng thành. 28 câu chuyện mà tác giả giới thiệu trong cuốn sách không hẳn là 28 hồi ức, mà đó là tất cả những gương mặt yêu thương, những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong ký ức của mỗi người.

Tôi có cảm giác như Trần Nùng đè nén lắm, để chỉ kể những câu chuyện vui nhất, những ký ức tươi đẹp nhất; còn những gì được coi là không vui, hay có thể những vấp váp trong cuộc đời xin gác nó qua một bên. Ở đây chỉ có những ngày tươi đẹp, những kỷ niệm trong trẻo, những thứ nuôi dưỡng tâm hồn giúp mỗi người sống lạc quan hơn, yêu đời, yêu người hơn.

Bạn có bao giờ tự kiểm chứng xem trí nhớ mình ghi nhớ rất sâu những ký ức tuổi thơ lúc bao nhiêu tuổi? Thường thì mỗi người bắt đầu nhớ và định hình những câu chuyện bé mọn hồi lên 5 hoặc 6, vậy mà trong Những ngày rất trong câu chuyện đầu tiên được cậu bé Nùng nhớ rất rõ là lúc lên 3, lúc bắt đầu biết lê la đi chơi chỗ này chỗ kia.

Rồi năm lên 6, nhớ về hai con gà mái trong đàn gà nhà mình, là gà mẹ và gà dì, mỗi con có đặc tính riêng, nhưng riêng tình yêu con, bất chấp nguy hiểm để bảo vệ đàn con thì không phải con gà nào cũng có được. Có phải vì thế mà nỗi nhớ rất lâu, rất sâu trong ký ức của cậu bé.

Ngày tháng êm đềm trôi, mỗi hồi ức mà cậu bé Trần Nùng trải qua có thể rất giống với ký ức của những cô cậu bé sinh vào các thập kỷ 60, 70, hoặc những bạn sinh vào đầu những năm 80 của thế kỷ 20, khi ruộng vườn còn nhiều, còn rộng; khi sách vở chưa làm học trò cuốn vào chuyện học thêm học nếm như bây giờ.

Khi đó một buổi đến trường, buổi còn lại những đứa trẻ tha hồ chơi, khám phá thiên nhiên, xây dựng những tình bạn đẹp hay giúp bố mẹ làm việc nhà. Buổi đầu đến lớp, cậu bé Nùng lóng ngóng, bị cô giáo mắng, nhưng không vì thế mà cảm thấy nặng nề hay oán trách.

Rồi chuyện cậu và bạn làm đám tang cho chú chim ri, tát ao bắt cá, hay trò giả vờ đánh rơi đồ vật để lừa người đi đường. Khi lớn lên một chút thì có những chuyện vui kiểu “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” như chuyện bạn học hái trộm mận, chuyện hát đầu giờ, múa tập thể giữa giờ…

Đọc đến đây tôi như được hình dung lại tuổi thơ của mình và các anh chị hồi bé, ngày nào cũng mướt mát mồ hôi trong những trò chơi cùng đám bạn cùng xóm. Ôi sao mà nhớ! Và thấy sao học trò thời ấy có nhiều điểm chung nghịch ngợm đến thế. Những kiểu nghịch rất đáng yêu, là nghịch dại chứ không nguy hại gì.

Có một đặc điểm trong văn phong của Trần Nùng trong Những ngày rất trong đó là sự biến đổi trong giọng kể. Tất nhiên bây giờ một người đàn ông U60 kể những câu chuyện đã qua trong tâm thế nhìn lại quá khứ. Nhưng tôi nghĩ những câu chuyện ấy như được khắc ghi trong tâm trí, được kể lại nhiều lần cùng người thân quen, nên tác giả mới thổi được không khí câu chuyện qua giọng văn.

Đó là sự ngây thơ, ngôn từ chậm rãi trong những câu chuyện Gà mẹ, gà dì, Đám tang chú chim ri, Suýt được lên báo. Rồi chuyển sang vẻ “chững chạc” rất trẻ con trong Chữa mụn ổ gà, Tuổi nào biết yêu. Đến tuổi trưởng thành, những câu chuyện đã mang hơi hướng kiểu người lớn, nhiều chuyện lồng vào giọng bình luận hay suy luận sau những sự kiện đã diễn ra trong Nhất quỷ nhì ma, Con cá chột nưa, Lần quay cóp đầu tiên…

Có lẽ một cuốn sách kiểu hồi ức như tùy bút Những ngày rất trong được bạn đọc đón nhận không phải vì đó là những kỷ niệm một thời của bao con người, mà nó níu giữ người đọc bởi sự dí dỏm rất đáng yêu. Có những câu chuyện khiến tôi cười to một mình như Một lần đi xem bóng đá, đúng là vui đáo để, đến tận bây giờ nhớ lại còn thấy vui. Hay chuyện dài nhất trong tập sách, chiếm hơn 20 trang Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp dù kể về chuyện tình của bạn, nhưng đầy màu sắc và lâm ly không khác gì một bộ phim.

Và ngoài một cái kết có hậu là một câu tóm tắt rất dễ thương: Chỉ biết đến giờ này, đã lên ông, lên bà rồi, hai đứa chúng nó vẫn nắm tay nhau. Viết về những người bạn của mình, Trần Nùng luôn dành những tình cảm yêu thương và trân trọng.

Đó là những người bạn tốt, không chỉ trong buổi đầu gặp gỡ như Lực trong Mảnh giấy kết bạn, mà còn là Phan Đức, là Thành, là Hoa Hạ, họ là bạn bè trong nhiều chục năm qua; những người bạn song hành trong cuộc đời, làm nên ký ức trong trẻo, hồn nhiên của Trần Nùng chính là những người bạn thân ấy.  

Những ngày rất trong tập hợp những tùy bút mộc mạc, nhẹ nhàng, giàu tình cảm. Gấp sách lại, ta như thấy một phần tuổi thơ ùa về. Và, hình như càng có tuổi, những ký ức rất trong đó càng hiện hữu một cách bền chặt, để mỗi lúc nhớ về ta phải cảm ơn những phút giây thật đẹp đã đi qua đời mình.

HOÀNG NHUNG

(*) Đọc Những ngày rất trong, Trần Nùng, NXB Trẻ, quý 4-2018.

;
;
.
.
.
.
.