Bạo hành người già

.

Nếu không vì viết bài này tôi đã không nhấp vào clip cụ bà 90 tuổi ở Sóc Trăng bị người giúp việc bạo hành, bởi khó bình tĩnh nhìn chi tiết cảnh một cụ bà không thể tự chủ vận động, đành cam chịu để người “chăm sóc” nhồi nhét thức ăn vào miệng hay xô mạnh xuống giường như ném một chiếc gối...

Được sống đến tuổi già, ai rồi cũng quay về thành đứa trẻ thơ yếu đuối cần tựa nương. Vòng đời là thế, mấy ai tránh khỏi, nên mỗi người nhìn vào hình ảnh đó chắc không chỉ thương xót cho cụ mà còn chạnh lòng nghĩ đến ngày sau của chính mình.

Nhưng tình cảnh người già bị bạo hành dường như vẫn còn là góc khuất chưa được lôi ra ánh sáng như tình trạng bạo hành trẻ em. Không biết vì lý do gì.

Vì tình trạng bạo hành người già không nhiều bằng; hay vì “nước mắt chảy xuôi”, nghĩa là vốn dĩ chúng ta dành hết sự quan tâm tới con cái mình nên có thể nhanh chóng phát hiện một vết bầm tím, một ánh mắt thảng thốt, một dấu hiệu bất an nơi con.

Còn với ông bà, cha mẹ, phải chăng đôi khi sự để mắt, để lòng không bằng nên không thể “nghe” những tiếng kêu không thành lời của sự bất lực nơi họ. Chẳng biết nữa. Vì lý do gì cũng thật buồn!

Ở tỉnh Sóc Trăng, ở một đất nước phát triển, hay quanh đây, thi thoảng chúng ta cũng nghe thấy chuyện người già bị bạo hành theo một kiểu nào đó, không chỉ là bạo lực tay chân như trường hợp ở trên. Trong bệnh viện, ở khu giường yêu cầu thường thấy người già nằm điều trị có người giúp việc bên cạnh.

Thoạt nhìn, trông các cụ thật diễm phúc khi tuổi già được chăm sóc y tế chu đáo, lại có người phục vụ luôn cận kề, nhưng trong may mắn lại là nỗi cô đơn và sự bất hạnh không thể giãi bày.

Những ngày ở bệnh viện, tôi thấy cụ bà giường bên cạnh chưa giây phút nào phải nằm một mình trừ những lúc người giúp việc xuống căng-tin mua thức ăn. Có điều, họ ở cạnh mà chẳng nói chuyện với nhau câu nào.

Người giúp việc làm tất cả những gì cần làm như đỡ cụ ngồi dậy, cho ăn uống, đi vệ sinh, thay quần áo, chỉnh lại giày dép, còn lại thời gian là chị này nằm nghỉ đợi… giờ hành động. Có không thích ngồi dậy, có chưa buồn ăn, có muốn õng ẹo đôi chút cụ cũng chẳng thể, bởi mọi thứ nhanh gọn như một cái máy đã được lập trình cứ thế mà chạy. Một lời dỗ dành, một câu động viên, càng không!

Chị giúp việc này từng chăm người già cho một gia đình khác và được đánh giá tốt. Không thấy tốt thì người ta chẳng bỏ số tiền kha khá mỗi tháng để thuê người chăm cha mẹ cho mình yên tâm đi làm. Nhưng người ta chỉ thấy tốt khi nhìn từ xa và thỉnh thoảng ghé vào thăm…

Nếu chịu khó nhìn sẽ nhận ra ai là người giúp việc chăm khách hàng, ai là con cái ruột rà tự tay chăm cha mẹ. Một muỗng sữa cố đút cho nhanh để hoàn thành nhiệm vụ khác một muỗng sữa được bón với cả niềm vui xen lẫn nỗi thắc thỏm xót xa. Một đôi tay rắn khỏe làm thay mọi việc không thể đủ an ủi tuổi già bằng hơi ấm nhẹ nhàng vuốt ve, dỗ dành, đôi khi chất chứa cả nỗi ăn năn muốn được bù đắp.

Thuê người chăm sóc người già đang là nhu cầu của nhiều gia đình. Nhu cầu này càng lớn cùng với sự phát triển và bận rộn của xã hội. Vì nhiều lý do, không phải ai cũng có điều kiện trực tiếp chăm sóc cha mẹ, ông bà tuổi về già, nên việc thuê người lắm lúc là giải pháp hợp lý hơn cả. Nhưng “cung” không theo kịp “cầu”, nên đôi khi người già-đối tượng chính cần được chăm sóc lại trở thành nạn nhân của sự xung đột này.

Từ thực tế có thể nhận ra, chăm sóc người già mới chỉ là công việc kiếm sống chứ chưa phải một nghề được trang bị kỹ năng và được xã hội coi trọng. Chủ yếu phụ nữ lớn tuổi, không có công ăn việc làm ổn định, gia cảnh khó khăn lắm mới chấp nhận đi chăm người già để mưu sinh.

Khác với trẻ con, người già còn mang nhiều bệnh và tâm tính nhạy cảm, dễ hờn, dễ tủi nên cần người chăm sóc thật sự chu đáo, hiểu biết thể trạng cũng như tâm sinh lý của họ; đồng thời có đủ sức chịu đựng xuất phát từ kỹ năng và tình thương. Làm sao thuê được người chăm sóc hội đủ các yếu tố đó khi cực chẳng đã người ta mới chịu đi làm công việc này?

Người giúp việc ở tỉnh Sóc Trăng đã bị khởi tố vì hành vi hành hạ người khác. Sự trừng phạt của pháp luật dù sao cũng không cay nghiệt bằng sự căm ghét của người đời. Nhưng suy cho cùng, không phải chỉ mỗi người giúp việc này chịu trách nhiệm cho hành động tàn nhẫn đó.

Có thể nói, mức độ chăm sóc người già, nhất là đối tượng người già yếu bất động là minh chứng biểu hiện chất lượng cuộc sống của người cao tuổi ở quốc gia đó.

Và chuyện người làm công việc chăm sóc người già hoàn toàn thiếu kỹ năng lẫn hiểu biết pháp luật dẫn đến cách ứng xử đau lòng trên không thể chỉ coi là chuyện đơn lẻ của một vài gia đình nữa. Đó còn là câu trả lời cho câu hỏi: Xã hội đang làm gì để bảo đảm chất lượng cuộc sống người già trong bối cảnh tuổi thọ của người Việt tăng lên, tốc độ già hóa dân số của Việt Nam đang được đánh giá cao nhất thế giới?!

CHÍCH BÔNG
 

;
;
.
.
.
.
.