Phương pháp, kỹ thuật làm giấy cổ xưa

.

Mãn Triệu là một ngôi làng nhỏ được bao quanh bởi rừng mưa nhiệt đới, nơi đây được biết đến nhiều với danh tiếng xưởng sản xuất giấy: “Giấy xứ Đại” của sắc tộc Đại ở khu tự trị Tây Song Bản Nạp, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Đây cũng là nơi tồn tại những căn nhà mới bằng gỗ truyền thống, xây cất theo phong cách của dân sắc tộc Đại. Người Đại là một trong 56 nhóm dân tộc được Chính phủ Trung Quốc công nhận, có quan hệ mật thiết với người Lào và người Thái.

Một người dân làng Mãn Triệu ngâm vỏ cây để làm giấy xứ Đại.
Một người dân làng Mãn Triệu ngâm vỏ cây để làm giấy xứ Đại.

Khắp ngôi làng Mãn Triệu và ngay cả trong nhà của dân trong làng có nhiều mảng lưới để phơi sấy giấy. Thỉnh thoảng, một vài phụ nữ xứ Đại đeo mạng che mặt vội vã băng ngang trên đường làng.
“Chúng tôi đã làm “giấy xứ Đại” tại làng Mãn Triệu hơn 800 năm qua”, Nhãn Khán - một người thừa kế nghề làm giấy thủ công, cho biết. Từ năm 5 tuổi, Nhãn Khán đã bị ám ảnh bởi “giấy xứ Đại” và thấy nhiều gia đình sử dụng chậu sắt để làm giấy với vỏ cây dâu tằm. Khi Nhãn Khán 16 tuổi, ông được truyền dạy để trở thành một người làm giấy và không lâu sau đó ông có thể hoàn thành quá trình sản xuất một cách độc lập.

Nhãn Khán (trái) và người làng lấy vỏ cây trong rừng.
Nhãn Khán (trái) và người làng lấy vỏ cây trong rừng.

Theo Nhãn Khán, nguồn gốc của nghề làm giấy liên quan đến sự phổ biến của Phật giáo trong khu vực.Trong triều đại Nam Tống (1127-1279), sau khi kỹ thuật làm giấy của Đồng Nguyên được đưa vào làng Mãn Triệu, một vị đại sư Phật giáo đã yêu cầu dân làng nghiên cứu và sản xuất giấy với mục đích “viết kinh sách Phật giáo”. Do khả năng không giữ lại hơi ẩm, đề kháng sự hao mòn và tuổi thọ cao, giấy “dân tộc Đại” dần dần thay thế các bản giấy viết tay bằng  lá cọ của Ấn Độ và trở thành vật liệu đặc thù mang niềm tin và di sản văn hóa của người Đại.

Rửa vỏ cây.
Rửa vỏ cây.

Giấy thủ công của sắc tộc Đại cũng có những đặc tính đáng chú ý: Được sản xuất từ vật liệu tự nhiên, có cảm giác mượt mà rất dễ chịu. Các mảnh giấy mang nét duyên dáng của một sản phẩm thủ công, được tạo ra từ nhiều thế hệ với sự chăm chút công phu  từ những gia đình ở ngôi làng cạnh kề các ngọn núi Vân Nam, tất cả yếu tố đó đã mang đến cho tờ giấy một giá trị cụ thể.

Qua khỏi làng Mãn Triệu là một khu rừng nhiệt đới tươi tốt bao phủ toàn bộ ngọn núi. Nhãn Khán nói thêm về nghề: “Việc sản xuất “giấy xứ Đại” bắt đầu từ đây. Không giống như các loại giấy thông thường đòi hỏi phải chặt đốn cây, giấy Đại rất thân thiện với môi trường vì nguyên liệu của nó là vỏ cây”.

Nhãn Khán trải đều bột giấy vào chậu.
Nhãn Khán trải đều bột giấy vào chậu.

Trong 800 năm qua, giấy xứ Đại vẫn sử dụng theo một quy cách “ngâm, nấu, nghiền, rót và sấy giấy”, theo quy cách được sử dụng ở giai đoạn đầu thời kỳ  phát minh giấy ở Trung Quốc. Trong một ngôi nhà bằng gỗ, nơi làm xưởng sản xuất giấy, Nhãn Khán trình bày 11 quy trình sản xuất giấy khác nhau như vào rừng lấy vỏ cây, rửa rồi nấu vỏ cây, đập vỏ cây, nghiền  thành bột, hòa nước, trải bột cây lên khung mang phơi nắng... “Khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi cảm thấy rằng việc làm giấy là điều gì đó rất vui thú. Sau khi trưởng thành, nó tự nhiên trở thành công việc của tôi”, vừa nói, Nhãn Khán vừa đập bột giấy bằng cái vồ.

Phơi giấy.
Phơi giấy.

Mặc dù “giấy xứ Đại” mang văn hóa và niềm tin của người Đại, nhưng trong dòng chảy cải cách và mở cửa, dòng giấy cơ khí xâm nhập vào thị trường, việc chế tạo giấy xứ Đại theo phương pháp thủ công phải đối mặt với một số vấn đề. Để chống lại điều này, Nhãn Khán cải tiến công nghệ sản xuất giấy, tiết kiệm thời gian sản xuất và giảm chi phí lao động. Sau đó ông bắt đầu dạy miễn phí quy trình sản xuất giấy mới cho dân làng. Giấy truyền thống được chế tác bởi phụ nữ, đặc biệt là người cao niên, những người sau đó sẽ truyền đạt kiến thức này cho con gái của họ.

“Tôi không muốn những kiến thức cổ xưa bị mất trong thế hệ của chúng tôi”, Nhãn Khán nói. Trong năm 2009, cùng với những người dân làng Mãn Triệu, Nhãn Khán thành lập Hợp tác xã sản xuất giấy truyền thống của xứ Đại và được dân làng bầu làm Chủ tịch Hợp tác xã. Để mở rộng kinh doanh giấy Đại, Nhãn Khán chủ trương đưa giấy xứ Đại đi đến nhiều nơi, nhất là ở nước ngoài.

Một chiếc chụp đèn được làm từ giấy xứ Đại.
Một chiếc chụp đèn được làm từ giấy xứ Đại.

Do sự phát triển liên tục trong công nghệ sản xuất giấy, giấy xứ Đại được sử dụng rộng rãi với nhiều hình thức, phương tiện. Người ta dùng giấy cho kinh Phật, gói trà, dù che bằng giấy, đèn lồng, nón giấy, chụp đèn, và thậm chí cả lợp nhà tạm thời. Bắt đầu từ một ngôi làng nhỏ ở khu tự trị Tây Song Bản Nạp, tỉnh Vân Nam, giấy Đại đã chuyển đến Hoa Kỳ, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nơi khác trên thế giới.

HOÀNG ĐẶNG (Theo The Guardian)

;
;
.
.
.
.
.