Những người kết nối

.

Câu chuyện về tiếng nói chung giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp (DN) đã được đặt ra từ lâu. Có điều, hiện vẫn chưa có một cơ chế nào để ràng buộc các DN cung cấp cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực DN cần trong khoảng thời gian ngắn cũng như lâu dài, để các trường, các cơ sở đào tạo nghề căn cứ vào đó đào tạo đúng và trúng, tránh đào tạo dư thừa, mất cân đối.

Trước thực trạng đó, có những con người, những giảng viên ngoài giờ lên giảng đường còn dốc lòng tìm mọi cách kết nối, giới thiệu việc làm cho học viên sau khi ra trường.

Giờ thực hành của các trường nghề luôn chiếm 2/3 thời lượng học. (Ảnh chụp tại Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng) Ảnh: Q.T
Giờ thực hành của các trường nghề luôn chiếm 2/3 thời lượng học. (Ảnh chụp tại Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng) Ảnh: Q.T

Giảng viên không chỉ đứng trên bục giảng

Hơn 10 năm trước, mảng quảng cáo của các DN chỉ dừng lại ở phát tờ rơi, tờ bướm, treo pa-nô, giới thiệu trên báo hay quay các đoạn video clip trình chiếu trên ti-vi. Trong chương trình học, giáo trình chỉ soạn đến đó và thầy cô cũng chỉ hướng dẫn sinh viên (SV) thực hiện những nội dung như vậy.

Gần đây, khi phương tiện truyền thông hiện đại như mạng xã hội ngày càng lan tỏa mạnh mẽ thì DN có thêm một mảnh đất màu mỡ khác để khai thác. Những mẩu quảng cáo ngắn gọn nhưng đánh đúng/trúng tâm lý người tiêu dùng, những video clip ngắn nhưng nội dung hoàn chỉnh, gần gũi được đăng tải trên các mạng xã hội gây được sự thích thú lớn trong cộng đồng.

Trong khi môi trường kinh doanh thực tế đang diễn ra như vậy thì giáo trình học lại chưa cập nhật kịp. Để cho ra đời một giáo trình mới cần có thời gian nghiên cứu, biên soạn, chuẩn bị đội ngũ giảng viên… trung bình phải mất từ 3-5 năm.

Chính vì vậy, nhiệm vụ của giảng viên là phải đi thực tế để bổ sung kiến thức mới, bổ sung vào giáo trình dạy học nhằm rút ngắn khoảng cách giữa thực tế và chương trình đào tạo. Đặc biệt là trong thời đại 4.0 hiện nay, sự thay đổi là rất nhanh, thậm chí mỗi ngày.

Đánh giá những trải nghiệm tại DN, thầy Võ Lê Anh Huy (giảng viên Khoa Kinh tế, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và giới thiệu việc làm, Trường CĐ Nghề Đà Nẵng) cho rằng, điều này có lợi cho giảng viên và SV. Có va chạm với thực tế, giảng viên mới tiếp cận được nhiều cái mới, công nghệ mới.

“Khi làm thực tế, tôi thấy khác rất nhiều với giáo án, sách vở, trong đó kiến thức thực tế tại các DN bao giờ cũng đi trước, có những cái mới so với kiến thức trong giáo trình đào tạo; đặc biệt là những cái mới trong công nghệ, bắt buộc mình phải nắm bắt ngay.

Nếu chỉ đi dạy thì khó biết được những thay đổi. Ngoài ra, cách vận hành bộ máy của DN cũng rất khác, mình học từ họ cách quản lý nhân sự, việc này giúp mình giao việc cho SV hợp lý hơn”, thầy Huy đúc kết.

Trước khi là giảng viên, thầy Huy từng có 4 năm làm việc tại phòng tín dụng của một ngân hàng lớn. Thời gian này giúp thầy tạo dựng được các mối quan hệ “cứng” và thông qua các mối quan hệ này thiết lập thêm nhiều mối quan hệ khác.

Bằng cách chủ động gặp gỡ, xin lịch hẹn với đại diện DN để trò chuyện, trao đổi với họ, giới thiệu về đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo và “chào hàng” lứa SV của trường mình. Thầy thiết lập quan hệ với DN qua 2 cách, và 2 cách này cũng đã được thầy chia sẻ cụ thể với SV trong quá trình học. Một là, hiện nay, mạng xã hội facebook hoạt động rất mạnh mẽ.

Trên facebook có nhiều hội/nhóm do những người cùng ngành nghề lập ra. Thầy chủ động tham gia các hội/nhóm này để học hỏi, chia sẻ nhu cầu. Đặc biệt, các nhóm thường đăng thông tin về các hội thảo (trong hội thảo này sẽ có rất nhiều đối tượng đến tham gia từ cấp giám đốc đến quản lý, trưởng bộ phận… - P.V).

Từ những buổi hội thảo này, chúng ta sẽ có cơ hội gặp gỡ nhiều người, từ đó mở rộng mối quan hệ. Hai là, thầy thường xuyên “túc trực” trên trang web của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng để xem trong thời gian tới có những công ty, dự án nào đầu tư vào Đà Nẵng.

Thông thường, một DN đến đầu tư tại vùng đất mới, ngoài sự chuẩn bị về vốn, xây dựng nhà máy thì điều quan trọng đó là tìm kiếm nguồn nhân lực tại chỗ, chất lượng. Do vậy, thầy sẽ chủ động liên hệ và đặt vấn đề với DN, bày tỏ mong muốn DN hợp tác với nhà trường để cùng đào tạo ra một nguồn nhân lực ổn định, chất lượng.

Mạnh dạn đổi mới

Phải nhìn nhận rằng, với thực tế thị trường giáo dục hiện nay, tuyển sinh phải gắn với lao động việc làm; định hướng nghề nghiệp phải có thông tin dự báo về thị trường lao động trong tương lai thì mới có thể thu hút người học. Đồng thời, khi trường nghề đào tạo sát với yêu cầu của doanh nghiệp, tỷ lệ SV thất nghiệp chắc chắn sẽ giảm, DN cũng bớt đi chi phí cho đào tạo lại như thời gian qua.

Với định hướng phát triển du lịch, Đà Nẵng rất cần nguồn nhân lực tại chỗ làm việc trong ngành du lịch, dịch vụ. Thế nhưng, trong thời gian qua, Đà Nẵng luôn thiếu trầm trọng nguồn lực này. Việc thiếu hụt được xác định không phải do thiếu lao động mà là thiếu lao động chuẩn tay nghề.

Thầy Thanh Bình, Trưởng bộ nghiệp vụ bar, Trường CĐ Du lịch Đà Nẵng chia sẻ, trước khi về dạy tại Trường CĐ Du lịch (năm 2013), thầy có hàng chục năm làm việc tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn lớn.

Nhờ vậy, thầy hiểu được cách thức làm việc thực tế, trong khi giáo trình học còn rườm rà, nặng nề lý thuyết. Đơn cử như trong bài học về chuẩn bị bàn tiệc cho khách Âu (dành cho SV khoa Nhà hàng), lý thuyết chỉ ra các món ăn châu Âu truyền thống, cách đặt muỗng, nĩa, ly, khăn…

Tuy nhiên, khi khách Âu đến Việt Nam du lịch, qua thực tế thầy thấy họ không bao giờ đặt món Âu mà chỉ thích thưởng thức đặc sản địa phương. Dù vậy, họ lại không quen dùng đũa của người Việt. Do đó, đặt một bàn tiệc cho họ phải là một bàn tiệc thuần Việt nhưng vẫn có muỗng, nĩa.

Trước những thực tế bất cập này, năm 2014, thầy mạnh dạn đề xuất nhà trường thay đổi chương trình học, khoa Nhà hàng là khoa thay đổi đầu tiên, trong đó, nâng giờ học thực hành lên 2/3; đồng thời mời những người làm trong lĩnh vực du lịch từ cấp quản lý, trưởng bộ phận đến trường thỉnh giảng.

“Khi họ cùng với mình chỉnh sửa chương trình, cùng đào tạo, họ tin tưởng vào chất lượng đào tạo của trường. Và từ đó, các SV được “đặt cọc” trước. Hầu như lớp nào cũng có vài em lọt vào “mắt xanh” của DN. Các em được mời làm việc ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường chứ không phải đi khắp nơi xin việc”, thầy Bình nói.

Ông Hà Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và giới thiệu việc làm Trường CĐ Nghề cho biết, trước khi trung tâm được thành lập, những giảng viên năng nổ kết nối với DN, tạo mối quan hệ giữa nhà trường và DN là rất tốt.

Qua trải nghiệm thực tế từ doanh nghiệp, nhiều giảng viên đã có những bứt phá trong chương trình, xóa bỏ lối mòn trong đào tạo. Đồng thời, thông qua các mối quan hệ gắn bó với DN, họ tìm hiểu được DN cần cái gì, không cần cái gì, từ đó cập nhật và trang bị kiến thức, thông tin cho SV, giúp SV không bỡ ngỡ khi bước ra ngoài xã hội. Nhờ những nỗ lực này mà nhiều SV của trường CĐ nghề khi chưa ra khỏi giảng đường đã có những kỹ năng rất tốt, được DN đặt hàng làm việc.

Quỳnh Trang

;
;
.
.
.
.
.