Người tử tế

.

Trong tuần qua, hành động dũng cảm quên mình cứu người của một chàng trai tại cầu Quảng Hậu, phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam được người dân địa phương ghi lại và đăng lên mạng khiến nhiều người xúc động.

Chàng trai dũng cảm cứu người gặp nạn ở cầu Quảng Hậu, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam hôm 25-11.  Ảnh: FB Phước Vương Hà
Chàng trai dũng cảm cứu người gặp nạn ở cầu Quảng Hậu, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam hôm 25-11. Ảnh: FB Phước Vương Hà

Theo người dân chứng kiến sự việc, vào khoảng 2-3 giờ chiều 25-11, trong thời tiết xấu do ảnh hưởng của cơn bão số 9, một người đàn ông điều khiển xe máy bị mất tay lái, tông vào thành cầu rồi rơi xuống sông.

Cùng lúc này, một nam thanh niên đang chở bạn gái đi ngang qua đã lập tức dừng xe, nhảy xuống sông cứu người. Sau khi kéo được người gặp nạn vào trụ cầu, chàng trai và bạn gái hô hoán mọi người giúp đỡ. Người dân xung quanh nhanh chóng đưa ghe, áo phao ra sông để ứng cứu cả hai vào bờ. Nạn nhân trong tình trạng bất tỉnh được đưa đến bệnh viện, còn nam thanh niên nhảy xuống sông cứu người dù bị lạnh và trầy xước ở chân, vẫn tỏ ra vui mừng và luôn miệng nói không sao.

Hành động đẹp này khiến tôi liên tưởng đến một câu chuyện tương tự cách đây hơn một năm tại sông Hàn. Đó là vào khoảng 8 giờ sáng 18-7-2017, tại khu vực cầu Sông Hàn (Đà Nẵng) xảy ra một vụ nhảy cầu tự tử.

Sau khi thấy một nam thanh niên (sau này xác định là chồng cô gái tự tử) nhảy xuống cứu vợ và bị đuối sức chìm dần, anh Đinh Hoàng Gia và anh Trần Đình Hiệp đã nhảy xuống ứng cứu. Nhưng do nước chảy xiết nên cả hai không thể tiếp cận để cứu người.

Theo lời anh Hoàng Gia, khi đang làm phục vụ cho một quán cà-phê trên đường Bạch Đằng, quận Hải Châu, anh nghe mọi người la lớn kêu cứu nên chạy ra ban công của quán và thấy 2 người đang chới với giữa dòng nước.

Lúc này, nhiều người la lớn cứu người nhưng không ai nhảy xuống. “Tôi nghĩ mình phải nhảy xuống thật nhanh để cứu họ, nếu không thì sẽ không kịp. Tôi đã cố hết sức đẩy cô gái vào được một đoạn thì kiệt sức và bị trôi theo dòng nước. May mắn có anh cảnh sát cơ động nhảy xuống đưa cho thùng nước để bám vào rồi dìu nhau vào bờ”, anh Hoàng Gia chia sẻ.

Mới đây, cộng đồng mạng cũng chia sẻ về hành động của bác xe ôm tốt bụng (tên An) tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng. Sau khi đưa một bệnh nhân nghèo bị hoại tử chân đến bệnh viện, bác An dắt xe ra gửi rồi đưa bệnh nhân vào chờ khám.

Có người biết bệnh nhân này nghèo khó nên ngỏ ý trả tiền xe cho bác An nhưng bác dứt khoát không nhận mặc dù người trả tiền năn nỉ rằng “Bác giúp thì được chứ tiền xăng bác phải nhận”.

Khi người bệnh nghèo được bác sĩ khám bảo nhập viện, bác An cũng chờ làm thủ tục xong rồi đưa người bệnh đến tận giường mới quay xe ra về. Được biết, đây cũng không phải lần đầu bác An làm việc này, trong khi hoàn cảnh gia đình bác cũng không mấy dư dả.

Tôi còn nhớ trong bộ phim tài liệu “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy có một nhân vật giảng giải về sự tử tế rằng: “Chữ “tử” có nghĩa là những chuyện nhỏ bé. Chữ “tế” có nghĩa là những chuyện bình thường. Hai chữ “tử tế” gộp lại có nghĩa là cẩn thận từ những việc nhỏ bé, rồi do lâu đời ta đọc khác đi và nghĩa cũng khác đi.

Sự tử tế, tử tế thật sự không phải là chuyện có tiền bạc hoặc muốn là có ngay. Nó cũng phải được học hành, được dạy dỗ, được tập luyện, kế thừa và gìn giữ. Tử tế như hoa thơm, hoa đẹp không thể thiếu được của cuộc đời”. Bác An và những thanh niên nói trên chính là những người tử tế, họ như hoa thơm, hoa đẹp giữa đời thường.

Tâm Như

;
;
.
.
.
.
.