Những người "vác tù và hàng tổng"

.

Đó là cách mà những người xung quanh vẫn hay dùng để chỉ về những người làm công tác phòng, chống và hòa giải bạo lực gia đình tại cơ sở. Họ có thể là thành viên của một tổ hòa giải, một tổ phản ứng nhanh hay trong một Câu lạc bộ (CLB) “Nam giới tiên phong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”.

Việc phòng, chống, hòa giải bạo lực gia đình đúng cách có thể giúp một gia đình tái hợp, những đứa trẻ được yêu thương, những phụ nữ yếu thế tìm thấy tự do và thoát khỏi bạo lực.

Tổ phản ứng nhanh thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong họp đột xuất để cùng nhau thảo luận, tìm cách giải quyết các vụ bạo hành gia đình trên địa bàn. Ảnh: MH
Tổ phản ứng nhanh thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong họp đột xuất để cùng nhau thảo luận, tìm cách giải quyết các vụ bạo hành gia đình trên địa bàn. Ảnh: MH

Từng là thành viên trong một tổ hòa giải thuộc khu vực 10 của phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) lúc còn làm tổ trưởng tổ dân phố trong khoảng thời gian 2013-2017, chị Trần Trương Nguyệt Ánh, người phụ trách Công tác xã hội phường Hòa Cường Bắc vẫn luôn cảm thấy vui khi kể về những trường hợp chị cùng cộng sự hòa giải thành công.

Chị Ánh nhớ mãi trường hợp của một cặp vợ chồng, vợ làm công nhân, chồng đi phụ hồ. Hôm đó, người chồng nhậu về, sẵn men trong người thêm phần áp lực kinh tế đã lớn tiếng, sau đó “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ.

Người vợ vì bực chồng nên cũng lớn tiếng đáp trả. Được tin, chị Ánh cùng hai cộng sự trong tổ hòa giải đến. Chị chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân với người vợ về cách cư xử sao cho khéo léo những khi chồng say xỉn, cố gắng giữ trạng thái ôn hòa và nên nói chuyện với chồng vào hôm sau. Hai vợ chồng dần hiểu ra những cách cư xử của họ là không đúng và tìm cách khắc phục.

Thỉnh thoảng, khi đi ngang nhà của cặp vợ chồng này, chị Ánh lại ghé vào hỏi thăm, nhắc nhớ. Chị Ánh chia sẻ: “Khó khăn của những người trong Tổ hòa giải là phải kiên trì và giữ bình tĩnh. Vì không ai muốn người ngoài can thiệp vào chuyện của gia đình họ.

Họ thấy chúng tôi sẽ liền bảo, “Chuyện gia đình tôi, tôi xử lý”, rồi “Đèn nhà ai nấy sáng. Chị biết gì chuyện nhà tôi mà chị nói”. Nếu không bình tĩnh và kiên nhẫn thì sẽ không thể nào thuyết phục được họ”.

Với “sứ mệnh” tuyên truyền phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên cơ sở nhận thức về bình đẳng giới, ngoài những buổi sinh hoạt chuyên đề, Ban chủ nhiệm CLB “Nam giới tiên phong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” của phường Hòa Cường Bắc cũng tiếp cận các đối tượng có hành vi bạo lực hoặc chỉ đơn giản là có nguy cơ dẫn đến bạo lực để tìm hiểu, phân tích đúng sai, tác động đến nhận thức với mong muốn họ sẽ thay đổi hành vi từ tiêu cực sang hướng tích cực.

Ông Đặng Động, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Phương châm của CLB là làm cho từng người tự nhận thức và tự thay đổi hành vi”. Ví như trường hợp của ông Đ.Q.H, từ chỗ phó mặc việc nhà cho vợ và thường xuyên la mắng vợ con đã dần thay đổi tâm tính, tận tụy chia sẻ với vợ từ việc buôn bán đến việc nhà sau khi được Ban chủ nhiệm CLB trò chuyện, góp ý.

Cũng là một trong số những người đang tham gia công tác hòa giải bạo lực gia đình tại cơ sở, ông Nguyễn Nhỏ, Trưởng thôn Cẩm Toại Đông (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) giữ chức trưởng nhóm “Tổ phản ứng nhanh” thôn Cẩm Toại Đông được 5 năm nay.

Đã cùng những cộng sự khác trong tổ hòa giải thành công rất nhiều vụ bạo lực gia đình, song ông nhớ mãi về trường hợp xung đột giữa chị T.T và chị K.T. Hai người là hai chị em dâu, cùng sống chung một nhà. Vì những mâu thuẫn nhỏ, hai chị xảy ra xô xát.

Sau khi được “Tổ phản ứng nhanh” mời lên nhà văn hóa thôn để trao đổi, góp ý, đến nay, hai chị đã sống hòa thuận. Hay trường hợp của vợ chồng ông L. Ông L. vì nghi ngờ vợ ngoại tình đã dùng dao đe dọa vợ. Vợ ông L. báo cho ông Nhỏ để nhận được sự giúp đỡ. Sau nhiều lần được phân tích phải trái kết hợp với những biện pháp răn đe, ông L. đã dần nhận ra lỗi lầm và chấm dứt hành động sai trái.

Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Tổ phó “Tổ phản ứng nhanh” thôn Cẩm Toại Đông bộc bạch: “ Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là tiếp cận, thuyết phục đối tượng lên nhà văn hóa thôn để trao đổi, giải quyết.

Với những người chồng nóng tính, cả tổ phải họp lại với nhau để tìm cách thuyết phục. Đôi khi, họ còn buông ra những lời thiếu tôn trọng, chúng tôi cũng buồn. Nhưng khi hòa giải thành công thì rất vui. Và đó là một phần động lực để chúng tôi có thể tiếp tục với công việc “vác tù và hàng tổng” này”.

Có vụ việc phải giải quyết đến lần thứ ba mới thành công như trường hợp của vợ chồng ông N. ở thôn Bồ Bản 1 (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang). Ông Đinh Văn Nghệ, Tổ trưởng “Tổ hòa giải” thôn Bồ Bản 1 cho hay, ông N. vì mắt kém nên ở nhà, kinh tế gia đình phụ thuộc vào việc buôn bán tại chợ Túy Loan của vợ.

Vốn tính hay ghen, ông N. thường xuyên đánh đập vợ và đòi ly dị. Một lần rồi hai lần, “Tổ hòa giải” đến mời lên nhà văn hóa thôn để giải quyết rồi đâu lại vào đấy. Đến lần thứ ba thì ông N. mới thực sự nhận thấy được những hành vi không đúng và ông dần thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Theo ông Nghệ, khó khăn của công tác hòa giải là phải lựa lời nói làm sao để tác động đến nhận thức của đối tượng. Những khi tiếp nhận một vụ việc nào đấy, ông Nghệ cùng những cộng sự phải dò hỏi hàng xóm, cha mẹ của đối tượng để xác thực vụ việc rồi sau đó mời lên nhà văn hóa thôn để hòa giải...

Có thể thấy, “mưa dầm thấm lâu” là phương châm làm việc của những người làm công tác phòng, chống, hòa giải bạo lực gia đình tại cơ sở. Những con người đang ngày này qua ngày khác làm công việc “vác tù và hàng tổng” ấy vẫn luôn cố gắng vượt qua những khó khăn, cực nhọc để góp phần mang yêu thương trở về trong những gia đình không may xảy ra xung đột.

Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng, đến nay trên địa bàn thành phố có 56/56 phường, xã thành lập mô hình phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng dẫn của ngành văn hóa. Ngoài ra, còn một số phường, xã thực hiện theo mô hình do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố hướng dẫn với việc thành lập 277 nhóm “Phòng, chống bạo lực gia đình” (PCBLGĐ), “Tổ phản ứng nhanh” trên 56 phường, xã; có 56/56 phường, xã xây dựng được đường dây nóng và 569 địa chỉ tin cậy; 237 CLB “Gia đình phát triển bền vững” và các CLB khác có hoạt động về gia đình và PCBLGĐ được thành lập.

Theo thống kê của Sở Tư pháp, trên địa bàn thành phố hiện có 1.944 “Tổ hòa giải” với 9.354 hòa giải viên. Trong thời gian qua, đã thụ lý 4.080 vụ việc về mâu thuẫn trong gia đình, hòa giải thành công 3.428 vụ việc (chiếm 84%).

Mai hiền
 

;
.
.
.
.
.
.