Nghĩ

Cảm nghĩ học trò

Tôi đã dự buổi tổng kết năm học thứ “n” trong cuộc đời, bao gồm buổi tổng kết của chính mình và của những người khác.

Và cả đến buổi tổng kết thứ “n” rồi, tôi vẫn nghe một bài phát biểu cảm nghĩ của đại diện học sinh toàn trường với những lời bắt đầu không thể cũ hơn:... Khi tiếng ve gọi hè đồng ca đánh thức những nụ phượng hồng còn e ấp, chúng em giật mình nhận ra đã phải xa mái trường, xa thầy cô, bạn bè thân yêu... 

Nghe đến đoạn này, tôi cố nhìn quanh và nhìn thật kỹ sân trường để hy vọng bắt gặp những “nụ phượng hồng” nào đó đang “e ấp” để ít nhiều sống lại kỷ niệm thời cắp sách đến trường, thì như em ấy, tôi cũng giật mình, nhưng giật mình nhận ra sân trường... chẳng có cây phượng nào cả, chỉ toàn bàng và bàng. Chẳng rõ em ấy nghe ở đâu “những tiếng ve gọi hè” và nhìn thấy “những nụ phượng hồng e ấp” nên thơ như thế!

Nhìn đám học trò bên dưới nhốn nháo chuyện riêng trong khi “người đại diện” cho mình đang phát biểu cảm nghĩ, tôi tin chắc tiếng nói ấy đã không đồng điệu với sự cảm nhận thật lòng của số đông học sinh.

Tưởng tượng bản thân là một người thầy, liệu tôi có rung động trước những lời thống thiết đó của học trò? Không, tôi sẽ trơ trơ vì năm nào cũng nghe như thế, chưa kể từng lời, từng câu, từng cái lên bổng xuống trầm có khi là của một giáo viên hướng dẫn nào đó hơn là của học trò mình.

Trong một bài báo nói về kết quả nghiên cứu khả năng nói dối của con người có khẳng định, nói dối là bản chất của chúng ta và trẻ càng nhỏ thì năng lực nói dối càng thấp vì trẻ chỉ đang... học nói dối. Qua những bài phát biểu cảm nghĩ của học sinh sau mỗi năm học, tôi cảm thấy đánh giá của nghiên cứu này quả không sai.

Ngay cả dự lễ tổng kết năm học ở cấp mầm non, tôi cũng được nghe những lời “nói dối” rất hồn nhiên. “Sau hôm nay con sẽ phải xa mái trường thân yêu, nhớ biết mấy những buổi học cô đã cho con kiến thức...”, lời “gan ruột” được thốt ra từ những đứa trẻ còn thơm mùi sữa khiến phụ huynh chứng kiến cười ngặt nghẽo.

Ai chẳng hiểu các bé đang “trả bài” làu làu theo bản gốc, nhưng tất cả đều cởi mở đón nhận vì “con nít mà, chúng chỉ có thể thuộc được như thế”. Trẻ con chắc chẳng ý thức mình đang “nói dối” mà chỉ đơn giản là thuộc bài cảm nghĩ do cô hoặc bố mẹ dạy cho, nhưng người lớn rõ ràng đủ hiểu sự bày tỏ tình cảm thì không nên thể hiện giả dối dưới bất kỳ hình thức nào.

Biết vụng về, non nớt, thật thà mới là sự đáng yêu ở trẻ con, vậy mà chẳng hiểu sao người lớn vẫn muốn con trẻ phải nói những điều “rất lớn”.

Tôi nhận thấy hầu như những em được nhà trường chọn phát biểu cảm tưởng về mái trường, thầy cô bao giờ cũng là học sinh xuất sắc, điểm số môn Văn rất cao. Và kết quả các em đáp lại luôn là những lời trơn tru không sai một lỗi.

Nghe những lời phát biểu như thế, lại nhớ một cô giáo – người đã về hưu vẫn dành sức lực và thời gian dạy cho học sinh vùng khó khăn với niềm mong mỏi các em có thể hòa nhập với học sinh thành phố, từng nói với tôi rằng:

Dạy một học sinh giỏi giỏi thêm tí nữa thì đâu có gì là giỏi. Dạy được một em yếu, kém tiến bộ mới hay phải không? Lời cô khiến tôi cũng nghĩ, những em đã giỏi chữ nghĩa lại được sự “sắp đặt” của giáo viên hướng dẫn phát biểu tròn trịa thì có gì là giỏi.

Được thấy những em từ chỗ rụt rè khi bước chân vào trường, đến lúc ra trường có thể tự tin nói trước đám đông; được nghe những em “học không nổi” nhưng đến lúc ra trường lại có thể nói lên được rằng mình đã tiến bộ hơn so với chính bản thân như thế nào thì mới là hay, là sự tri ân có chất lượng.

Lễ tổng kết năm học sau, chắc cũng sẽ lại nghe “tiếng ve gọi hè đánh thức những cành phượng vĩ...”. Không phải chỉ mỗi bài phát biểu của học sinh mới có sự sáo mòn như thế. Nhưng giáo dục là để giúp trẻ có kiến thức nhằm phát huy sự sáng tạo, vậy mà rốt lại cứ tôn vinh sự rập khuôn, trống rỗng, không chân thực nghĩa là sao?

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.
.