Đưa em về phố

.

Mỗi năm có một dịp được về thăm phố sau khi kết thúc năm học, nên mỗi bạn phải luôn phấn đấu trong học tập, rèn luyện để có thể lọt vào “top” những bạn đứng đầu lớp, mới được chọn đi. “Về phố” bởi thế trở thành một trong những cụm từ được trông đợi nhất của các em học sinh người Cơ tu ở Tây Giang, Quảng Nam, là phần thưởng của các anh chị trong Câu lạc bộ (CLB) Tiếp sức vùng cao Đà Nẵng dành cho các em.

Bếp trưởng Jane Nguyen của khách sạn Zen Diamond Suite trực tiếp nấu mời các em Cơ tu ở Tây Giang bữa ăn trưa ở khách sạn trong chuyến về phố hôm 24-5-2018.
Bếp trưởng Jane Nguyen của khách sạn Zen Diamond Suite trực tiếp nấu mời các em Cơ tu ở Tây Giang bữa ăn trưa ở khách sạn trong chuyến về phố hôm 24-5-2018.

“Đưa em về phố 2018” năm nay đón 24 em học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 ở các xã Bha Lê, A Tiêng và Lăng của huyện Tây Giang, trong hai ngày 24, 25-5. Hầu hết các em chưa đi ra khỏi huyện lỵ chứ đừng nói gì đến chuyện vượt quãng đường xa trên 120km đến thành phố biển Đà Nẵng. Nên “về phố” là một trong những phần thưởng gây háo hức không kém chuyện các em được vinh danh là học sinh giỏi của lớp, của trường vào mỗi cuối năm học.

Trên chuyến xe về phố, nhìn những cảnh vật hai bên đường, rồi đường sá, những cây cầu bắc qua dòng sông Hàn, những tòa nhà cao tầng hay khu bể bơi ở khách sạn Zen Diamond Suite… cũng khiến các em ồ lên thích thú, xen lẫn sự ngạc nhiên.

Trong lịch trình đến phố năm nay của các em có các điểm đến như Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Quân khu 5, tham quan chùa Linh Ứng Sơn Trà, làng bích họa Đà Nẵng, khu vực quanh cầu Rồng, vui chơi tại Công viên châu Á, danh thắng Ngũ Hành Sơn, cùng một hoạt động không thể thiếu trong chương trình là tắm biển.

Nhiều em lần đầu thấy biển, nghe nói nước biển mặn thế là uống luôn, không cần thử. Và một lần sặc do uống nước biển cũng là kỷ niệm đáng nhớ trong chuyến đi ra phố lần đầu của những cô, cậu bé vùng cao chỉ biết đến núi rừng.

Em Jơ Đêl Thị Bá, học sinh lớp 9 Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) THCS Nguyễn Văn Trỗi, nhà ở xã Lăng. Mỗi ngày Bá phải vượt quãng đường xa gần cả chục cây số đến trường, qua xã A Triêng. Em bảo: “Hôm nay em rất vui vì đây là lần đầu tiên được về Đà Nẵng. Em rất thích những món ăn, riêng mấy món hải sản chưa bao giờ được ăn.

Lớp em có 21 bạn, hôm nay chỉ có 3 bạn được đi”. Ba mẹ Bá làm rẫy, lúc nào không làm nương rẫy thì vào rừng hái mây và các sản vật của rừng về bán lấy tiền. Ngày nào Bá cũng đi bộ đến trường, có khi đi một mình, có khi đi cùng các bạn; còn em gái của Bá học lớp 7 thì ở bán trú tại trường.

Thầy Nguyễn Quang Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Nguyễn Văn Trỗi cho biết, mỗi lớp chỉ chọn ra những em có thành tích học tập xuất sắc nhất để tham gia chuyến đi về phố, nên đây cũng là động lực để các em học tập tốt.

Trường Nguyễn Văn Trỗi ở xã A Triêng, đóng ngay trung tâm huyện lỵ nhưng đời sống của gia đình các em cũng chẳng khác gì ở các xã vùng biên. “Sau mỗi chuyến đi như thế này, các em về trường sẽ kể cho nhau nghe chuyện về thành phố, đời sống ở phố ra sao, qua cảm nhận của chính các em sẽ giúp cho những em khác có suy nghĩ sẵn sàng bước qua ngọn núi, đi xa hơn ngôi làng của mình để học tập, làm việc. Chúng tôi mong các em có ước mơ, có khát vọng từ mỗi chuyến đi như thế”, thầy Tuấn cho biết.

Năm 2013, thầy Nguyễn Quang Tuấn lúc đó là giáo viên, Tổng phụ trách Đội ở Trường PTDTBT THCS Lý Tự Trọng, xã A Xan, huyện Tây Giang. Một lần thầy đưa hai học trò của mình bị bệnh về Tam Kỳ cấp cứu. Lúc chở trò trở về, thấy các em nhìn cảnh vật, nhà cửa bên đường một cách bỡ ngỡ, lạ lẫm, thầy thương lắm. Thầy Tuấn quê ở Thăng Bình, lên núi lúc đó được 7 năm.

Thầy nghĩ trong đầu làm sao có thể kết nối với các anh chị dưới xuôi để có thể giúp các em những chuyến về phố. Cũng trong năm đó, các anh chị trong CLB Tiếp sức vùng cao Đà Nẵng thực hiện một chuyến đi từ thiện về A Xan.

Thầy Tuấn bày tỏ ý định của mình. Thế là mùa hè năm 2014, “Đưa em về phố” lần đầu được tổ chức cho 32 em của trường Lý Tự Trọng. Năm sau mở rộng ra các trường, có đến 50-60 em trong mỗi chuyến đi. Và 2018 là chuyến về phố lần 4. Thế mà với 10 xã của Tây Giang, trong đó có 8 xã giáp vùng biên giới, có nhiều em ở các trường rất xa, đi cả buổi mới đến trung tâm huyện, vẫn chưa được tham gia chương trình.

Chị Khổng Thị Bích Ngọc, Ban chủ nhiệm CLB Tiếp sức vùng cao, một người từng tổ chức hàng chục chuyến đi từ thiện về Tây Giang cũng như nhiều tỉnh, thành ở miền Trung, bảo mình luôn nặng nợ với A Xan, với Tây Giang, bởi chuyến đi tặng quà đầu tiên của CLB về A Xan, các anh chị quá vất vả, ngoài sức tưởng tượng của mình. Nên “Đưa em về phố” như một món quà dành tặng cho Tây Giang, thắp lên một ước mơ, bù lấp nỗi khát vọng được ra khỏi làng, về phố, của những em bé chân chất, hồn nhiên, còn nhiều thiếu thốn.

“Đưa em về phố” năm nay có sự phối hợp giữa CLB Tiếp sức vùng cao và CLB Bếp chuyên nghiệp Đà Nẵng. Chị Bích Ngọc cho biết khoảng 70% thành viên CLB làm trong ngành lữ hành, khách sạn nên chuyến tham quan của các em học sinh được các anh chị lên kế hoạch chi tiết. Và những món ăn hấp dẫn các anh chị mời các em trong chuyến đi được chính các đầu bếp nổi tiếng của CLB Bếp chuyên nghiệp Đà Nẵng trực tiếp thực hiện.

Ông Trần Văn Thống, Chủ nhiệm CLB Bếp chuyên nghiệp cho rằng sự giúp sức của 2 CLB dịp này cũng là tiền đề cho các chương trình giúp trẻ em miền núi sau này, thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” và “tiếp sức” lẫn nhau của những con người muốn dành sự thương mến cho các em, động viên các em ở miền núi có nhiều cố gắng hơn nữa trong cuộc sống, học tập.

Để những chuyến về phố lần sau do các em tự đi, thực hiện ước mơ vươn cao, vươn xa và có thể quay về giúp chính quê hương các em như các mạnh thường quân đã chung tay giúp các em lâu nay.

Hiền Lương

;
.
.
.
.
.
.