Đà Nẵng cuối tuần

Phương hay Thuốc quý

Chữa bệnh bằng thuốc nam

08:21, 11/03/2018 (GMT+7)

Một nam thanh niên mắc bệnh vảy nến toàn thân, da đỏ căng, tróc vảy, các khớp đau nhức, đi lại khó khăn,  vô cùng đau đớn và khó chịu, đã đi điều trị nhiều năm và nhiều nơi mà không khỏi. Vậy mà khi tìm đến phòng khám nhân đạo Thiên Bảo (thôn An Châu, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang), chỉ dùng thuốc nam trong vài tháng, bệnh đã thuyên chuyển một cách ngoạn mục.  Chứng kiến ca bệnh này, nhiều người đã thốt lên: Thuốc nam thần hiệu!

Một trường hợp bệnh vảy nến, trước và sau 2 tháng uống thuốc nam. Ảnh: HUỲNH SỰ
Một trường hợp bệnh vảy nến, trước và sau 2 tháng uống thuốc nam. Ảnh: HUỲNH SỰ

Y học hiện nay vẫn chưa tìm ra loại thuốc nào có thể giúp đặc trị bệnh vảy nến. Các phương pháp điều trị hiện nay mục đích chủ yếu là để giảm ngứa, kiểm soát bệnh, tránh bệnh lây lan rộng, hoặc đẩy lùi bệnh trong một thời gian nhất định. Khoảng thời gian đó có thể là một hay nhiều năm. Khi bệnh tái phát, người bệnh lại phải tiếp tục điều trị. Việc sử dụng thuốc nam có nguồn gốc từ thiên nhiên để điều trị bệnh vảy nến không những mang lại hiệu quả mà còn lành tính, không gây tổn thương da.

Trong một đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố tại Bệnh viện Y học cổ truyền, khảo sát trên 300 loài cây thuốc thông dụng thường gặp tại Đà Nẵng, chúng tôi nhận thấy có 146 loài có tính năng thanh nhiệt, giải độc  (chiếm 48,7%); có 48 cây thuốc có khả năng khu phong, trừ thấp (16,0%), 34 cây thuốc có công dụng bổ dưỡng (11,3%), 31 cây thuốc có khả năng hoạt huyết tiêu viêm (10,3%);... Đáng chú ý chỉ có 70 loài cây thuốc trồng (23,3%), còn lại 230 loài mọc hoang có thể khai thác từ tự nhiên (76,7%). Có lẽ nhờ đó nên tác dụng dược lý cũng như hoạt tính sinh học của thuốc nam rất cao.

Những con số thống kê sơ bộ này cho thấy thuốc nam có thể chữa khỏi và đỡ rất nhiều bệnh, từ các chứng cảm mạo, ho, viêm họng; đau dạ dày, đường ruột, tiêu hóa kém; đau lưng, đau thần kinh tọa, thấp khớp; mụn nhọt, mề đay, mẩn ngứa, viêm da; đến các chứng suy nhược thần kinh; suy nhược cơ thể; các bệnh kinh đới thai sản ở phụ nữ và một số bệnh khó như trường hợp bệnh vảy nến nói trên đây.

Từ thực tiễn cùng các đồng nghiệp  tổ chức các cơ sở Tuệ Tĩnh đường tại huyện Hòa Vang trong gần mười năm qua, chúng tôi nhận thấy hầu hết bệnh nhân đến với các phòng khám nhân đạo đều có thẻ bảo hiểm y tế. Điều này không chỉ chứng tỏ người bệnh vốn rất tín nhiệm thuốc nam, mà có lẽ còn do các tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu chữa bệnh bằng thuốc nam của người dân.

Mới đây, ngày 19-12-2017, Bộ Y tế ban hành Chương trình hành động thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở theo Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 5-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ (giai đoạn 2018-2020) có nhấn mạnh nội dung “triển khai các hoạt động dự phòng, nâng cao sức khỏe, khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại tại tuyến y tế cơ sở; hướng dẫn nuôi trồng sử dụng thuốc nam, thuốc y học cổ truyền tại tuyến y tế cơ sở”.

Tuy nhiên, trong danh mục các gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở ban hành kèm Thông tư số 39/2017/TT-BYT ngày 18-10-2017, chỉ cho phép thanh toán theo bảo hiểm y tế một số dịch vụ châm cứu, chườm ngải, xoa bóp… mà không hề cho thanh toán chi phí thuốc nam.

Trước đó, trong “Tài liệu chuyên môn hướng dẫn khám chữa bệnh tại trạm y tế xã phường” ban hành kèm theo Quyết định 2919/QĐ-BYT ngày 6-8-2014 cũng không có hướng dẫn khám chữa bệnh  bằng y học cổ truyền.

Để phát huy tiềm năng của Y dược cổ truyền cũng như thực hiện Kế hoạch Phát triển YDCT tại thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 và Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020, trong đó có mục tiêu về khám chữa bệnh bằng Y dược cổ truyền phải đạt 30% ở tuyến xã/ phường vào năm 2015, đạt 40% vào năm 2020, cũng như mục tiêu “100% Phòng khám đa khoa và trạm y tế xã, phường, thị trấn có tổ y, dược cổ truyền do thầy thuốc y, dược cổ truyền của trạm y tế phụ trách”, chúng tôi đã mạnh dạn đề xuất đề án “Xây dựng thí điểm và nhân rộng mô hình khám chữa bệnh bằng y dược cổ truyền tại các trạm y tế trong thành phố Đà Nẵng”.

Hy vọng nếu đề án này được các cơ quan chức năng phê duyệt triển khai thực hiện, ngành y tế Đà Nẵng chắc chắn sẽ tạo ra một bước đột phá để đẩy mạnh việc triển khai khám chữa bệnh bằng thuốc nam tại tuyến y tế xã phường.

PHAN CÔNG TUẤN

.