Đà Nẵng cuối tuần

Mang lại sự sống cho bệnh nhi ung thư

08:04, 11/03/2018 (GMT+7)

Trở lại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, bước chân tôi bỗng trở nên ngập ngừng, trái tim trong lồng ngực cũng đập liên hồi khi đi ngang qua phòng bệnh nhi của khoa Nội III. Tôi sợ, những Q., V… các em trong một bài viết cách đây không lâu của mình sẽ không còn ở phòng bệnh ấy nữa.

Thấu hiểu tâm lý trẻ thơ, mang lại niềm tin, sự yêu thương cho trẻ mắc bệnh là điều mà các y bác sĩ khoa Nội III hướng đến. Ảnh: Q.T
Thấu hiểu tâm lý trẻ thơ, mang lại niềm tin, sự yêu thương cho trẻ mắc bệnh là điều mà các y bác sĩ khoa Nội III hướng đến. Ảnh: Q.T

Đón tôi ngay đầu sảnh hành lang là bác sĩ Đoàn Quốc Bảo, Phó khoa Nội III. Cảm giác bất an của tôi tan biến khi nghe bác sĩ Bảo cho biết cả Q., V. đều đang đáp ứng thuốc và điều trị tốt.

Để trẻ bớt đau đớn

Khoa Nội III là nơi điều trị ung thư của bệnh nhân nhi. Theo lời bác sĩ Bảo, số bệnh nhi đến điều trị tại Bệnh viện ung bướu Đà Nẵng tăng qua mỗi năm. Năm 2015 là 31 trẻ, năm 2016 là 47 trẻ (từ 2 đến dưới 15 tuổi). Hầu hết trẻ đến điều trị ung thư máu.

Hiện có khoảng 10 bệnh nhi đang điều trị nội trú tại đây. Cuộc chiến chống ung thư là cuộc chiến kéo dài, do vậy bệnh viện vừa là nơi chữa bệnh, vừa như ngôi nhà thứ 2 của các em. Ở ngôi nhà ấy, mỗi ngày, các bà mẹ, ông bố đều chia sẻ với nhau về bệnh tình của con mình kiểu như: Đêm qua con ngủ yên giấc không, miệng con lại thêm vết lở nào mới, hay tóc con hôm nay lại rụng thêm một ít…

Bác sĩ Bảo cho hay, khó nhất trong quá trình điều trị ung thư cho trẻ nhỏ là lấy ven để truyền hóa chất. Mỗi lần truyền hóa chất vào sẽ làm ven hư đi, không thể sử dụng tiếp tục cho lần sau. Cứ mỗi lần truyền là mỗi lần đặt ven mới.

Cả bác sĩ, điều dưỡng, người nhà phải giữ chặt tay, chân của trẻ mới có thể truyền được. Lần trước, chứng kiến cảnh bác sĩ lấy ven cho các em, nhìn những cánh tay bé nhỏ, gầy guộc thâm đen vì vết kim chằng chịt, nghe những tiếng hét, vùng vẫy vì đau đớn, khó ai có thể cầm lòng.

Giờ, bệnh viện áp dụng phương pháp đặt một buồng tiêm dưới da để truyền hóa chất vào cơ thể, giúp hạn chế việc phải lấy ven thường xuyên, giảm thiểu đau đớn cho bệnh nhi.

Điều trị ung thư cho trẻ nhỏ không hề dễ dàng. Không như người lớn, trẻ chưa biết bày tỏ những đau đớn cụ thể trong cơ thể. Do vậy, bác sĩ, điều dưỡng phải thường xuyên túc trực, giao tiếp với bệnh nhi, tạo cảm giác yêu thương nơi trẻ nhỏ để phát hiện những bất thường của bệnh.

Thêm vào đó, tác dụng phụ bất lợi trong điều trị hay còn gọi là diễn tiến xấu trong điều trị ở trẻ nhỏ diễn ra khó lường hơn so với người lớn, đòi hỏi bác sĩ phải theo dõi bệnh tình một cách sát sao, không chỉ điều trị về thể chất mà còn phải nâng đỡ về tinh thần.

Hiểu được điều đó, tại tầng 10 của khu Nội III, một phòng chơi cho trẻ nhỏ ra đời. Trong căn phòng ấy, trẻ tha hồ được chạy nhảy, đánh đàn, xếp hình, xúc cát…

Không chỉ bố trí phòng chơi, các em còn có một phòng học. Lớp học này do lãnh đạo khoa kêu gọi các nhóm sinh viên tình nguyện đến dạy vào mỗi thứ 5 hằng tuần. Vì phải nghỉ học thời gian dài để theo đuổi việc trị bệnh, lớp học này mở ra khiến các em rất thích thú vì vừa được ôn lại kiến thức, vừa tạm quên đi bệnh tật bủa vây.

“Bên cạnh việc cập nhật những phác đồ điều trị mới nhất để điều trị tốt nhất cho các em, chúng tôi rất quan tâm đến việc nuôi dưỡng tinh thần lạc quan, yêu đời cho trẻ nhỏ. Sau những mỏi mệt, đau đớn vì hóa chất, các em sẽ có nơi để thư giãn, nghỉ ngơi, vô tư chơi đùa, vẫy vùng trong thế giới tuổi thơ của mình”, bác sĩ Bảo nói.

Chuyện về cậu bé chiến thắng ung thư máu

Còn nhớ, ngày bệnh viện mới được thành lập, cả tầng 10 rộng mênh mông chỉ có 2 bệnh nhi. Cậu bé Nguyễn Văn Th. (sinh năm 2002, trú tại phường An Hải Tây, quận Sơn Trà), bệnh nhi ung thư máu để lại nhiều cảm xúc cho bác sĩ và điều dưỡng bởi nghị lực kiên cường của hai cha con em.

Nhớ về Th, bác sĩ Bảo, người trực tiếp điều trị cho em khi ấy, vẫn nhớ như in hình ảnh cậu bé vào viện với những cơn ho không dứt ngày đêm. Cậu bé mang trong mình căn bệnh gây đau đớn nhưng cực kỳ yêu thể thao, yêu đời.

Và, cũng không thể quên hình ảnh người cha của em, người đã chăm sóc và yêu thương con theo một cách khác biệt. “Th. vào viện với cơ thể gần như suy kiệt. Chỉ sau một tháng nhập viện, bụng em trương to lên, tay chân rút lại như cành cây khô. Khi ấy, chúng tôi áp dụng phương pháp điều trị nâng đỡ tích cực song song với hóa trị. Lạ một điều, tinh thần của em rất tốt. Trừ những lúc đau đớn vì lấy ven, truyền hóa chất, em luôn tươi tỉnh và yêu đời. Nghị lực sống của em khiến cả khoa khâm phục”, bác sĩ Bảo nói.

Th. nhập viện năm 2013, khi chuẩn bị bước vào lớp 6. Dấu hiệu ban đầu là những cơn ho dai dẳng, rồi đến những trận sốt cao. Gia đình đưa em vào Bệnh viện Phụ sản-Nhi, Bệnh viện Đà Nẵng, sau, chuyển em ra Bệnh viện Trung ương Huế.

Anh Nguyễn Văn Thanh, cha của Th., nhớ lại: “Hôm đó là trưa mồng 5 tháng 5 Âm lịch, nhà nhà đang chuẩn bị mâm cơm cúng Tết Đoan ngọ, còn gia đình tôi thì như rơi xuống tận cùng nỗi đau khi nhận được kết quả xét nghiệm của con.

Khi Bệnh viện Trung ương Huế thông báo trả con về, tôi nghĩ vậy là thả tay rồi. Tôi đau đớn lắm. Th. là đứa con trai đầu lòng của tôi. Tôi không cam lòng. Vậy là ngay khi từ Huế vào, tôi cùng con nhập viện Bệnh viện ung bướu Đà Nẵng, nơi mà cả hai cha con cùng đội ngũ bác sĩ đã trải qua một chặng đường không thể nào quên”.

Anh Thanh lục tìm trong ngăn bàn những tấm ảnh mới nhất của Th. và khoe với giọng điệu rất đỗi tự hào: “Mới đó mà đã gần 5 năm. Chừ Th. không còn là cậu bé ốm yếu vì bệnh tật nữa mà đã là cậu thanh niên cao to, đẹp trai như diễn viên Hàn Quốc rồi”.

Đến nay, Th. là một trong hai trường hợp đầu tiên bệnh viện chữa lành căn bệnh Ung thư máu quái ác. Các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa nội III đều khẳng định, sự đáp ứng thuốc của Th., sự đổi thay diệu kỳ trong cơ thể cậu bé ung thư máu giai đoạn gần cuối không thể phục hồi nếu không có bố em.

Không giống như các bậc cha mẹ khác, trong thời gian con đang điều trị ung thư, con phải được tập trung hoàn toàn nghỉ dưỡng. Với anh Thanh, chỉ sau một năm hóa trị, khi cơ thể Th. còn chưa hồi phục hoàn toàn, vẫn phải hóa trị định kỳ, anh Thanh đã cho bé đến lớp trở lại.

Anh bảo, sở dĩ anh làm như vậy là vì Th. quá khao khát đến trường. Th. đã nghỉ học 1 năm rồi. Mỗi ngày tắm rửa, đút cơm cho con, cháu đều thủ thỉ nguyện vọng muốn đi học trở lại. Hơn nữa, khi ấy, tự nhiên anh thấy tóc trên đầu Th. có dấu hiệu mọc lại. Anh cho đó là “điềm lành”, là sự sống. Con người cũng như cái cây.

Tóc đã rụng hết mà mọc lại chứng tỏ cơ thể đang hồi sinh. Vậy là anh cùng con đến lớp mỗi ngày. Không chỉ cho con đi học, anh còn cho con tham gia chơi đá bóng. Cậu bé rất yêu thể thao. Ngoại trừ những ngày phải nghỉ học để đến bệnh viện truyền hóa chất, cậu đều dành thời gian luyện bóng với bạn bè. Tinh thần khoáng đạt, vui vẻ của em là chất xúc tác đẩy lùi căn bệnh quái ác.

Hiện tại, những tế bào ung thư trong cơ thể Th. không còn nữa nhưng em vẫn phải đến bệnh viện kiểm tra định kỳ 3 tháng/lần, hoặc 6 tháng/lần theo lịch hẹn. Cùng con trải qua giai đoạn khó khăn nhất cuộc đời, chứng kiến con đau đớn rồi phục hồi nhưng anh Thanh bảo, anh không dám nghĩ nhiều về tương lai phía trước, ung thư máu là căn bệnh không thể nói trước được điều gì. Mỗi ngày, chỉ cần nhìn thấy con vui khỏe thì đã là hạnh phúc quá lớn rồi.

Quỳnh Trang

.