Đà Nẵng cuối tuần

Hướng mạnh về cơ sở

08:02, 04/03/2018 (GMT+7)

Khi đời sống vật chất ngày càng được cải thiện thì nhu cầu về văn hóa tinh thần cũng cần được nâng cao. Thời gian qua, thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn thành phố không ngừng được đầu tư nâng cấp và cải thiện để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Cùng với việc đầu tư về cơ sở vật chất, nhiều địa phương cũng đã thực hiện xã hội hóa nhằm góp phần đa dạng các loại hình hoạt động văn hóa thể thao ở cơ sở.

Các em thiếu nhi luyện tập bóng bàn tại Nhà văn hóa Đầm Rong 1, phường Thuận Phước sau khi nơi này được trang bị cơ sở vật chất nhờ xã hội hóa. Ảnh: Đ.H.L
Các em thiếu nhi luyện tập bóng bàn tại Nhà văn hóa Đầm Rong 1, phường Thuận Phước sau khi nơi này được trang bị cơ sở vật chất nhờ xã hội hóa. Ảnh: Đ.H.L

Có khởi sắc nhưng vẫn còn thiếu

Nằm ở trung tâm thành phố, nhưng hiện nay, các thiết chế văn hóa cơ sở quận Hải Châu mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân. Hiện quận mới chỉ có 5 nhà văn hóa phường/13 phường gồm nhà văn hóa các phường Hải Châu 2, Bình Hiên, Thuận Phước, Bình Thuận, Phước Ninh.

8 phường còn lại vẫn còn thiếu nơi sinh hoạt văn nghệ, thể thao và các hoạt động khác. Quận cũng chỉ có 5 trung tâm văn hóa-thể thao và học tập cộng đồng phường đặt ở Nhà văn hóa phường, số còn lại đặt ở trụ sở UBND phường.

“Trong thời gian gần đây, thành phố đã dành nhiều ngân sách đầu tư cho thiết chế văn hóa cơ sở và hoạt động văn hóa thể thao đã có nhiều khởi sắc hơn trước, nhưng nhiều địa phương vẫn còn lúng túng về chức năng hoạt động học tập cộng đồng.

Việc hợp nhất Trung tâm văn hóa-thể thao phường và Trung tâm học tập cộng đồng đã tạo thuận lợi thống nhất về bộ máy gồm 1 giám đốc (do Phó Chủ tịch phường phụ trách) và 2 phó giám đốc phụ trách văn hóa thể thao và học tập cộng đồng, nhưng trung tâm vẫn còn nặng về hoạt động văn hóa thể thao.

Học tập cộng đồng là một lĩnh vực không kém phần quan trọng để nâng cao nhận thức người dân, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương”, ông Đoàn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu, nhấn mạnh.

Thiếu trầm trọng các thiết chế văn hóa cơ sở, cũng là tình trạng chung tại địa bàn quận Sơn Trà. Theo ông Nguyễn Đắc Xứng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, trước đây, quận có Nhà văn hóa quận dùng để tổ chức các hoạt động văn nghệ quần chúng, các hội thi nhưng bị giải tỏa sau khi mở rộng đường Ngô Quyền.

Hầu hết các Trung tâm văn hóa - thể thao phường, Trung tâm học tập cộng đồng phường đều đặt ở UBND phường. Thời gian qua, quận cũng đã đầu tư xây dựng các khu vui chơi, công viên vườn dạo, trồng cây xanh và lắp đặt ghế đá, dụng cụ, thiết bị thể thao cho người già và trẻ em đến vui chơi; đồng thời tạo mảng cỏ xanh ở các phần đất trống của các khu dân cư nhưng cũng chỉ mới đáp ứng được phần nào nhu cầu của người dân.

Nói về thiếu thốn chung này, ông Phan Thanh Thúy, Phó Chủ tịch UBND phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà) cho biết, phường Phước Mỹ có hơn 4.000 hộ dân nhưng chưa có Nhà văn hóa phường. Phường mới chỉ có Nhà sinh hoạt cộng đồng KDC Mỹ Hiệp.

Để bảo đảm tổ chức các cuộc hội họp, sinh hoạt của người dân thường xuyên, phường phải sử dụng các trạm dân phòng làm nhà sinh hoạt tạm thời. Hiện phường đang đầu tư một công viên vườn dạo ở khu cây me Phước Trường khởi công vào tháng 3-2017 với diện tích gần 1.000m2 được trang bị ghế, thiết bị tập thể dục cho người dân.

Mỗi lần tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, UBND phường phải làm công văn xin Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng mượn Công viên Biển Đông để tổ chức, cụ thể là tổ chức các hoạt động thể thao mang tính phụ trợ của lễ hội cầu ngư hằng năm của phường như các trò chơi gánh cá, ngoáy thúng, kéo co…

Lấy sức dân phục vụ dân

Trong lúc các địa phương còn thiếu thiết chế văn hóa cơ sở thì việc xã hội hóa bằng cách kêu gọi các cá nhân, tổ chức đầu tư vào văn hóa cơ sở là một giải pháp cần được khuyến khích. Ông Đoàn Ngọc Sơn khẳng định:

“Những nhà văn hóa nào có mặt bằng rộng, quận đều khuyến khích các địa phương kêu gọi xã hội hóa để lấy kinh phí duy tu, bảo dưỡng. Khi thực hiện xã hội hóa, quận chủ trương lấy sức dân phục vụ cho dân bằng việc kêu gọi đầu tư kinh doanh”.

Vừa qua, với sự hỗ trợ của Hàn Quốc khoảng 700 triệu đồng, quận Hải Châu đã đầu tư xây dựng công viên vườn dạo và cà-phê sách ở Nhà văn hóa số 31 Nguyễn Cư Trinh. Trước đây, nơi đây chỉ là điểm sinh hoạt hội họp nhưng sau khi được đầu tư, người dân có thêm một điểm cà-phê sách với diện tích khoảng 90m2.

Bên cạnh đó, quận còn thực hiện xã hội hóa một số Nhà văn hóa đạt hiệu quả cao như Nhà văn hóa Đầm Rong 1 phường Thuận Phước, Nhà văn hóa phường Phước Ninh bằng việc thu hút tư nhân đầu tư vào thể dục erobic, khiêu vũ, bóng bàn, khu vui chơi giải trí cho trẻ em…

Đến nay, trên địa bàn quận có tổng cộng khoảng 15-16 đơn vị tư nhân tham gia đầu tư theo chủ trương xã hội hóa. Điều này đã giúp các địa phương có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng các hạng mục văn hóa. Hiện quận cũng đã khởi công xây thêm một cơ sở Trung tâm văn hóa - thể thao ở đường Thân Cảnh Phúc tại phường Hòa Cường Bắc với diện tích 3.400m2 gồm bể bơi, sân tennis,  quần vợt,  bóng đá mini… và dự kiến sẽ khánh thành vào tháng 3 tới.

Chia sẻ về hiệu quả của việc kêu gọi xã hội hóa, ông Lê Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Phước cho biết, hiện phường có 3 thiết chế văn hóa cơ sở. Nhờ xã hội hóa, phường đã có kinh phí đầu tư hơn 25 triệu đồng sơn tường rào, cổng ngõ cho Nhà Văn hóa Đầm Rong 1, cải thiện hệ thống la-phong chống thấm tại Khu vui chơi giải trí tổ 36 ở đường Nguyễn Đức Cảnh và trang bị bàn, ghế cho nhân dân đến sinh hoạt, hội họp.

Đặc biệt, tại Nhà văn hóa Đầm Rong 2, phường thực hiện xã hội hóa bằng việc cho tư nhân thuê một phần mặt bằng tổ chức các hoạt động kinh doanh có điều kiện như các trò chơi trẻ em, hoạt động quảng bá sản phẩm, các câu lạc bộ aerobic, dưỡng sinh và tạo điều kiện cho câu lạc bộ nhóm thể dục thẩm mỹ của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường hoạt động.

Trong khi đó, tại Nhà văn hóa Đầm Rong 2, phường cho thuê một phần mặt bằng đầu tư cơ sở hạ tầng làm phòng tập gym, câu lạc bộ bóng bàn, điển hình là Câu lạc bộ bóng bàn Anh Quân. Qua đó, đã tạo điều kiện cho người dân có sân chơi lành mạnh, đồng thời cung cấp vận động viên cho địa phương.

“Kinh phí thu được từ xã hội hóa đều được dùng để cải tạo lại một số hạng mục xuống cấp và trả lương cho nhân viên bảo vệ. Tất cả các hoạt động đều ưu tiên cho người dân và các hoạt động chính trị của phường.

Việc xã hội hóa sử dụng diện tích vào thời gian nhàn rỗi nên người dân rất ủng hộ. Nếu quản lý chặt chẽ sẽ mang lại hiệu quả rất tốt. Các thiết chế văn hóa cơ sở là rất cần thiết bởi nơi đây không chỉ là nơi hội họp mà còn là nơi tập luyện thể thao, giao lưu và tổ chức các hoạt động hướng về cơ sở.

Do đó, thành phố cần dành thêm quỹ đất ở các ngã ba, ngã tư để xây dựng các thiết chế văn hóa để người dân thụ hưởng”, ông Lê Thanh Hùng đề xuất.

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt thiết chế văn hóa cơ sở hiện nay, theo ông Nguyễn Đắc Xứng, quận Sơn Trà đã khởi công xây dựng Nhà văn hóa quận gồm có hội trường 600 chỗ ngồi, thư viện và một số phòng tập thể thao.

Bên cạnh đó, quận đưa vào quy hoạch 39 vị trí xây dựng các công viên vườn dạo, trong đó đã đầu tư xây dựng 24 vị trí và sẽ tiếp tục đầu tư 4 vị trí nữa trong năm nay, số còn lại sẽ đầu tư từ năm 2019 đến năm 2020.

Ngoài ra, quận phối hợp với tổ chức phi chính phủ UN Habitat xây dựng công viên vườn dạo thông qua Dự án những tuyến đường thể thao thành phố theo hình thức xã hội hóa tại các phường Nại Hiên Đông, An Hải Bắc.

Quận cũng đề xuất Viện Quy hoạch thành phố thiết lập lại mạng lưới nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn với tổng cộng 90 nhà và đề nghị thành phố sớm đầu tư hoàn thiện Nhà Văn hóa Sơn Trà giai đoạn 2 cũng như xây dựng Nhà thi đấu đa năng quận.

Với sự đầu tư bài bản này, hy vọng trong thời gian tới các thiết chế văn hóa mới sẽ đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, góp phần đẩy mạnh các hoạt động văn hóa thể thao hướng về cơ sở.

Sau hơn 1 năm thực hiện Quyết định số 6273/QĐ-UBND của UBND thành phố, 46/56 phường, xã trên địa bàn thành phố đã thành lập Trung tâm Văn hóa - Thể thao hoặc Trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng.

19 trung tâm có nhà văn hóa, 8 trung tâm có khu vui chơi giải trí và công viên vườn dạo, 22 trung tâm có hạng mục khu thể thao, 15 đơn vị đã triển khai liên kết tổ chức hoạt động như: cầu lông, bóng bàn, võ thuật, dưỡng sinh, aerobic, bida, thể hình...

Quyết định trên đã tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý, vận hành và tổ chức hoạt động tại hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở phường, xã; đặc biệt quy định về liên kết tổ chức hoạt động tạo điều kiện cho các trung tâm hoạt động sôi nổi, phong phú hơn.

Cùng với đó, trách nhiệm của từng ngành, đơn vị, địa phương, cơ sở cũng được phân công rõ ràng; tránh sự đùn đẩy trách nhiệm về công tác quản lý, vận hành và hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

Nguồn: Sở Văn hóa - Thể thao

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

.