.

Vũ công sinh viên

.

Nghiệp nhảy múa tuy tuổi nghề rất ngắn so với những nghề khác nhưng nhiều bạn trẻ vẫn quyết tâm theo đuổi.

Thiện Phúc tham gia múa trong một chương trình ca nhạc tại khu nghỉ dưỡng Furama.
Thiện Phúc tham gia múa trong một chương trình ca nhạc tại khu nghỉ dưỡng Furama.

Đến với nghề được 3 năm, cô sinh viên Nguyễn Thị Thiện Phúc (ngành Quản trị khách sạn, Trường ĐH Duy Tân) là cái tên nổi tiếng tại vũ đoàn High Dance với những bước nhảy cực kỳ điêu luyện. Nghề vũ công trước hết giúp Thiện Phúc thỏa niềm đam mê được nhảy múa, sau đó giúp cô phần nào trang trải chi phí cho cuộc sống sinh viên.

Thiện Phúc vào nghề từ con số 0 vì không có điều kiện và thời gian đến lớp học nhảy như những người khác. Những ngày đầu mới tập, nhiều lần Thiện Phúc bị chấn thương ở chân và cổ tay nhưng ước mơ được tỏa sáng trên sân khấu giúp Phúc phấn đấu nhiều hơn. Ngày đau ốm không tập được, Phúc ngồi xem những người bạn đồng nghiệp của mình diễn để học theo. Việc học nhảy của Phúc cũng không có sự hướng dẫn của giáo viên nào, hầu hết Phúc đều tự tìm học qua mạng. Lâu ngày, cô có thể tự sáng tạo ra những điệu nhảy cho riêng mình. Hiện nay, mỗi ngày cô dành 3 tiếng để tập nhảy, có khi gặp những show gấp, Phúc phải luyện tập cật lực hơn.

Nghề vũ công không đơn giản chỉ việc yêu thích là làm được mà phải đánh đổi nhiều mồ hôi và nước mắt. Trung bình mỗi chương trình biểu diễn, Phúc chỉ nhận được 100.000 đồng, nếu trừ chi phí trang phục thì không đủ để cô sinh viên trang trải cho sinh hoạt hằng tháng. Vì đam mê mà Phúc không từ bỏ, cô nhận nhiều sô diễn hơn để bố mẹ đỡ lo các khoản chi phí cho mình và thực hiện ước mơ trở thành một vũ công chuyên nghiệp.

Phúc cho biết: “Việc đầu tư để trở thành một vũ công chuyên nghiệp không đơn giản chỉ là vài năm mà thậm chí cả cuộc đời”. Một vũ công chuyên nghiệp phải có thâm niên lâu với nghề và tinh thần kỷ luật, trách nhiệm cao. Mỗi bài nhảy đều phải tập trung cả trí và lực mới có thể hoàn thiện và biểu diễn trước khán giả. Nền tảng của nghề không chỉ có sự say mê mà còn phải có tính kiên nhẫn cực độ mới chịu đựng được những áp lực. Chỉ những người thực sự xem nghề là nguồn sống thì mới đủ kiên nhẫn để theo đuổi đến cùng”.

Còn Nguyễn Thanh Duy, từ khi tốt nghiệp đại học sư phạm, Duy dành hẳn thời gian cho đam mê vũ công của mình. Hiện Thanh Duy làm vũ công ở nhà hàng tiệc cưới. Trung bình mỗi tháng Duy nhận 30-40 sô diễn, thu nhập bình quân 3-4 triệu đồng/tháng.

Khi còn học đại học, nghề vũ công đã giúp Thanh Duy đoạt giải nhất trong cuộc thi tiếng hát sinh viên toàn quốc năm 2015 trong tiết mục múa độc lập với vai trò biên đạo múa. Với năng khiếu và tinh thần học hỏi cao, Thanh Duy mong sẽ trở thành một vũ công nổi tiếng. Duy cho biết, công việc này không chỉ giúp anh rèn luyện thân thể, tinh thần, và có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống và mỗi vũ công đều phải tự rèn luyện và thật nghiêm khắc với bản thân thì mới nghĩ đến thành công.

Không chỉ biểu diễn trên sân khấu, Thiện Phúc còn mang điệu nhảy của mình vào những chương trình thiện nguyện ở Bệnh viện Phụ sản-Nhi. Sắp tới, Phúc sẽ cùng nhóm bạn của mình  tổ chức chương trình mang tên “Lời trái tim muốn nói” tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.

Hầu hết các vũ công trẻ đều cho rằng, nếu không có nhiệt huyết lớn với nghề thì mọi khó khăn trước mắt đều trở thành rào cản. Những vũ công như Thiện Phúc, Thanh Duy đều mong những người trẻ tuổi hãy sống hết mình cho ước mơ, dù là bình dị thôi nhưng cũng là điều đẹp đẽ của cuộc đời.

CẨM DUYÊN

;
.
.
.
.
.