.
Phù điêu thần Visnu Narayana trên sông Thu Bồn

Tín ngưỡng từ một vùng đất thiêng

.

Đã 35 năm trôi qua, kể từ khi tôi cùng các đồng nghiệp của Phòng Bảo tồn - Bảo tàng thuộc Ty Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, là anh Lê Văn Chỉnh và anh Trần Hồng quyết định lặn lội đi tìm bức phù điêu ở khu vực xã Quế Phước bên dòng Thu Bồn, dựa trên báo cáo từ huyện Quế Sơn gửi về tỉnh trước đó.

Phù điêu Visnu Narayana/Visnu-Tại-Thế Phú Gia-Quế Phước, cao 88cm, thế kỷ 7-8, sa thạch tím. Hiện bảo quản tại Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Quế Sơn.  Ảnh: NGUYỄN THƯỢNG HỶ
Phù điêu Visnu Narayana/Visnu-Tại-Thế Phú Gia-Quế Phước, cao 88cm, thế kỷ 7-8, sa thạch tím. Hiện bảo quản tại Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Quế Sơn. Ảnh: NGUYỄN THƯỢNG HỶ

Chuyến đi được tiến hành vào một ngày đầu xuân năm 1981. Sau chặng đường dài di chuyển bằng ghe máy từ bến Vĩnh Điện, đoàn đến chợ Trung Phước vào lúc xế chiều, cả đoàn nghỉ lại một đêm tại nhà một người dân bên cạnh chợ. Sáng sớm hôm sau, đoàn chúng tôi đi tiếp ghe chèo để lên nhà bà Tài, người đang thờ phượng bức phù điêu, nằm ở thôn Phú Gia, xã Quế Phước, để được tận mắt nhìn bức tượng - nhiều lý do đã khiến tôi thao thức, háo hức muốn tiếp cận ngay, bởi vì có rất nhiều lời đồn đoán thêu dệt quanh bức tượng này. Ghi nhận đầu tiên của tôi là gia đình bà Tài đã lập một bàn thờ với mái lá sơ sài ngay dưới một tán cây trong vườn nhà, nằm ở ven sông. Bức phù điêu được đặt bên trong bàn thờ cùng với một bát hương phía trước tượng. Bức tượng bằng sa thạch hơi tím đã được sơn phủ lên nhiều màu sắc. Người dân trong vùng kín đáo truyền tụng về sự linh thiêng của bức tượng, vì vào thời điểm đó việc này dễ bị quy kết tội tuyên truyền mê tín dị đoan (?!).

Chúng tôi không có máy ảnh nên không thể chụp được tấm hình nào của bức tượng. Để có tư liệu về bức tượng, tôi chỉ khảo tả chi tiết và phác họa những nét cần ghi nhớ. Mùa Thu năm đó, tôi viết một bài thông báo nhỏ về bức tượng này tại Hội nghị Thông báo Khảo cổ học năm 1981 tại Hà Nội; trong đó, tôi đặt tên cho bức tượng là Phù điêu Visnu Quế Phước.

Rồi, bức phù điêu Visnu Quế Phước rơi vào quên lãng trong nhiều năm cho tới một hôm họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ kể cho tôi nghe về sự thu hồi bức tượng đã bị đánh cắp này. Theo đó, bức tượng bị đánh cắp và đem bán vào TP. Hồ Chí Minh khoảng năm 1998 (?) nhưng do sự linh thiêng của nó đã khiến cho kẻ cắp sợ hãi và phải mang trở về trả lại trên bến Phú Gia vào đầu năm 2002. Từ đó, bức tượng được chuyển về bảo quản ở Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Quế Sơn. Nguyễn Thượng Hỷ cũng đã hoan hỷ trao cho tôi một tấm ảnh màu của bức tượng mà anh đã chụp.

Hiện thân của đấng cứu nạn cứu khổ

Những thông tin mới về bước phù điêu Visnu Quế Phước cùng với tấm ảnh của Nguyễn Thượng Hỷ phù hợp với vấn đề nghiên cứu về “mạng lưới trao đổi hàng hóa ven sông” của vương quốc cổ Champa và miền Trung Việt Nam mà tôi đang quan tâm, vì thế bức tượng lại thu hút sự chú ý của tôi cùng với những nhận thức mới về nó.

Trước hết phải nhấn mạnh đến giá trị hiếm có của bức tượng, vì, cho đến nay, đây là bức phù điêu duy nhất của nghệ thuật Chàm thể hiện hình tượng Visnu Narayana hay Visnu-Tại-Thế (Nara trong tiếng Phạn có nghĩa là con người). Trong nghệ thuật Ấn Độ hình tượng thần Visnu Narayana được phổ biến trong kinh Vệ Đà từ những thế kỷ đầu Công nguyên (CN) cho đến những văn bản muộn sau này vào các thế kỷ 14-15 ở cả hai miền Nam và Bắc Ấn Độ; bên cạnh đó, có rất nhiều hình tượng thể hiện Visnu Narayana xuất hiện trong nghệ thuật tạo hình với tư cách một trong ba vị thần tối cao nhất của Ấn giáo có liên quan đến sóng nước. Tuy nhiên trong nghệ thuật Chàm cũng như trong nghệ thuật Đông Nam Á việc thể hiện hình tượng Visnu Narayana liên quan đến sóng nước thì quả thật rất hiếm hoi.

Trên bức phù điêu Visnu Narayana Phú Gia-Quế Phước, thần được thể hiện trong tư thế đứng, có bốn tay, hai tay cầm pháp khí và hai tay thủ pháp ấn. Tay phía sau bên trái cầm một con ốc (sankha) - tượng trưng cho nguyên khí gió của vũ trụ (con ốc đã bị sứt mất và bị sửa lại thành một hình thoi?!); tay phía sau bên phải cầm một vòng tròn (cakra)-tượng trưng cho vầng thái dương là nguyên khí lửa của vũ trụ. Tay phía trước bên trái có bàn tay ngửa xuống thủ thí nguyện ấn hay ấn cầu được toại nguyện (varada mudra); tay phía trước bên phải có bàn tay ngửa lên thủ vô úy ấn hay ấn không sợ hãi (abhaya mudra). Visnu được biểu hiện đứng đạp lên trên những đợt sóng dữ cuồn cuộn bao quanh lấy ngài; trong khi khuôn mặt ngài thể hiện một nụ cười an lạc. Trong hình tượng này thần Visnu là hiện thân của đấng cứu nạn cứu khổ, che chở cho tín đồ vượt qua các tai nạn sông nước. Những nhà lịch sử nghệ thuật đoán định niên đại cho bức tượng là vào khoảng nửa sau thế kỷ thứ 7 hoặc thứ 8 CN.

Bằng chứng sinh động về trao đổi hàng hóa ven sông

Bức phù điêu Visnu Narayana này tự thân nó là một tượng trưng nổi bật cho tín ngưỡng và sinh hoạt liên quan đến sông nước Thu Bồn. Dòng sông thiêng này đã được văn bia Chàm đề cập đến trong các bi ký có niên đại từ thế kỷ thứ 4 cho đến thứ 7 CN với danh hiệu là Mahanadi nghĩa là Đại giang thần hay Sông Mẹ kết hợp với ngọn núi thiêng Mahaparvata-Đại sơn thần là Mỹ Sơn hay Núi Cha để tạo thành các yếu tố thiêng cho vùng đất được thánh hóa này.

Gần đây, qua phỏng vấn những bậc cao niên từng sinh sống trên sông nước trong vùng, họ đều cho biết, trước đây, cho đến giữa thế kỷ XX, thuyền bè xuôi ngược tấp nập trên sông, cho nên hằng năm thường xảy ra nhiều tai nạn gây tử vong trên các dòng sông lớn như Thu Bồn hay Vu Gia, vì dòng chảy rất sâu, vì vậy cư dân sở tại rất sùng bái những “đấng khuất mặt”, với niềm tin rằng chư vị này sẽ luôn hộ trì cho họ khi gặp những cơn nguy khốn, nhất là vào mùa mưa lũ.

Dòng Thu Bồn cùng với những chi lưu của nó là những huyết lộ giữ vai trò tối ưu trong mọi sinh hoạt kinh tế và tín ngưỡng của cư dân xứ Quảng. Cũng như những hệ thống sông ngòi khác ở miền Trung, nơi các dòng chảy đều bắt nguồn từ dãy Trường Sơn và kết thúc ở một cửa sông nối liền biển cả, sông Thu Bồn là một trong những dòng sông dài nhất của miền duyên hải này, nó được bắt nguồn từ núi Ngọc Linh cao nhất trong vùng.

Xưa kia, lưu lượng của các dòng sông được điều hòa quanh năm, tạo nên sự giao lưu thuận tiện giữa miền ngược với miền xuôi. Mối giao thương giữa hai miền được thiết lập trên một mạng lưới kinh tế đặc thù, các nhà nghiên cứu gọi là “mạng lưới trao đổi ven sông” để giải thích sự hình thành của các nhà nước sớm từ thời kim khí khoảng thế kỷ thứ 5 trước CN cho đến thế kỷ thứ 1 sau CN, và sau này.

Mạng lưới trao đổi này được hình thành dựa trên nền tảng kinh tế đặc thù của cư dân trong vùng và vì nhu cầu hàng hóa của hai miền gắn bó chặt chẽ với nhau, mà, người xứ Quảng đã hình tượng hóa bằng ca dao rằng, “ai về nhắn với nậu nguồn/mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên”. Câu ca dao này hẳn đã được hình thành từ xa xưa, vì, từ “nậu” là một từ cổ để chỉ một nhóm người sinh hoạt cùng một môi trường nghề nghiệp; ở vùng này, đó là đi “buôn thượng” hay là trao đổi hàng hóa với người miền cao, là “bạn hàng” của nhau. Hàng hóa miền ngược thì hầu hết là mặt hàng quý hiếm mang tính dược liệu cao như sừng tê, ngà voi, trầm hương, quế, mật ong, các loại thảo dược, thú hiếm, gỗ quý; còn hàng hóa miền xuôi thì thực dụng hơn với muối biển, mắm, cá khô, đồ gốm sứ, chiêng ché, nồi đồng, mâm đồng, sa lụa, gấm vóc, mã não, đá quý...  Hàng hóa của miền ngược được thu thập từ những miền rừng núi và cao nguyên bao gồm cả vùng Nam Lào và Đông-Bắc Thái Lan; hàng hóa của miền xuôi một phần lớn là hàng nhập khẩu qua con đường hải thương quốc tế trên biển Đông nối liền với Đông Á, Nam Á và Trung Á; và được phân phối trên toàn bán đảo Đông Dương kể cả Thái Lan, Miến Điện, Vân Nam. Vì thế, đây là một trong những thương lộ chính mang tính toàn cầu được hình thành từ thời tiền-sơ sử và hưng thịnh trong suốt hai ngàn năm lịch sử. Cư dân xứ Quảng đã là những nhà trung gian thương mại trọng yếu trong suốt chiều dài lịch sử của một vùng đất trải dài từ biển Đông lên đến tận lưu vực sông Mêkông. Vì thế, vào thế kỷ 17, theo Lê Quý Đôn trong Phủ Biên tạp lục: “Quảng Nam là xứ giàu có nhất trong thiên hạ”.

Hệ thống giao thương này được thiết lập trên mối quan hệ “anh em kết nghĩa” giữa miền ngược và miền xuôi; gắn bó với nhau như ruột thịt trong một mối tương tác kinh tế bền vững nhằm bổ trợ nhau, trong đó, miền này/ngược muốn tồn tại tất yếu phải dựa vào miền kia/xuôi; và ngược lại.

Vào đầu thế kỷ trước, giao thương nhộn nhịp trên sông Thu Bồn và Vu Gia từng ghi sâu trong ký ức của người dân trong vùng, đây là một loại hình lịch sử truyền khẩu (oral history) mà ngày nay giới nghiên cứu rất ưa chuộng dùng để tiếp cận lịch sử văn hóa vùng miền (area studies). Tìm hiểu sâu về mối giao thương này sẽ đem ra ánh sáng những hiểu biết mới về các cơ tầng văn hóa đặc thù của xứ Quảng, nó được tạo thành và truyền thừa qua nhiều thế hệ bởi mối giao lưu chặt chẽ giữa người miền xuôi hay người Kinh (người nói tiếng Việt) với người Thượng hay các sắc tộc miền núi mà đáng kể là những tộc người nói tiếng Cơtu (Katuic) hiện vẫn sinh sống trong các vùng sơn cước.

Trở lại với bức phù điêu Visnu Narayana/Visnu-Tại-Thế hay Visnu sóng nước được thờ tại bến Phú Gia trên sông Thu Bồn, đó là bằng chứng sinh động duy nhất đã chỉ ra những sinh hoạt gắn bó với mạng lưới trao đổi hàng hóa ven sông trong một thời kỳ rất sớm hơn một ngàn năm về trước. Thần Visnu-Đấng Hộ trì Vũ trụ đã được tiên dân Chàm xưa kia thờ phượng những mong ngài hộ trì và ban ơn cho những lớp người ngược xuôi buôn bán trên dòng sông thiêng Thu Bồn. Hệ thống kinh tế và tín ngưỡng đặc thù này đã được kế thừa trực tiếp bởi những lớp người đến sau, cộng cư cùng tiên dân sở tại, đã kiến tạo nên một vùng văn hóa mang bản sắc riêng của con người xứ Quảng.

TRẦN KỲ PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.