.

Ký ức một thời

.

Một bận đi ngang qua khu vực Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thấy người ta vội vàng tháo dỡ nhà cửa, san lấp mặt bằng cho kịp tiến độ di dời, giải tỏa. Những chiếc cối đá giã gạo, cối xay bột... cùng bao nhiêu vật dụng thân thương một thời bỏ lại chỏng chơ bên bờ tre bị chặt trụi nham nhở. Ai cũng nghĩ rằng: Mai mốt vào khu định cư chật hẹp, mang theo làm chi mấy thứ nặng nhọc, cũ kỹ ấy.

Ông chủ Đỗ Hữu Minh (trái) và nhà văn Bùi Tự Lực tìm lại ký ức một thời nông tang của mình qua các đồ vật lưu giữ ở nhà cổ Tích Thiện Đường. Ảnh: N.H
Ông chủ Đỗ Hữu Minh (trái) và nhà văn Bùi Tự Lực tìm lại ký ức một thời nông tang của mình qua các đồ vật lưu giữ ở nhà cổ Tích Thiện Đường. Ảnh: N.H

Dẫu lìa ngó ý…

Những vật dụng gắn bó với người nông dân một thời nay đã đi vào quên lãng. Chiếc cối tre nghìn đời nay quay nắm thóc trong bài “Cây tre Việt Nam” của Thép Mới từng là vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt. Câu hát nghĩa tình của trai gái ngày xưa từng bay lượn quanh chiếc cối đá xanh trong những đêm trăng giã gạo để rồi sau đó họ thành vợ thành chồng trăm năm bền chặt. Chiếc gàu sòng tát nước đêm trăng sóng sánh câu hò nhân ngãi, đôi quang gánh gánh một đời vất vả lo toan… Đối với nhà nông, mỗi vật dụng trong nhà đều chứa đựng một câu chuyện trăm năm son sắt. Vậy mà giờ đây, chúng nằm chỏng chơ giữa những khu đất đang xây dựng như một kẻ vô duyên không bắt kịp với thời cuộc. Một chút buồn buồn, tiêng tiếc trong lòng như có bàn tay xoắn lấy trái tim đang gõ nhịp.

Hơn ba mươi năm đi dạy, vui buồn cũng nhiều mà trăn trở cũng không ít. Mỗi lần giảng câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm trong trường ca “Mặt đường khát vọng”: Hạt gạo phải một nắng hai sương: xay, giã, giần, sàng… thì thật là vất vả hơn đi cày. Thế hệ học sinh lớn lên cùng với công nghệ hiện đại còn ngơ ngác trước cái giần, cái sàng của cha ông thì làm sao có thể hiểu được “Đất nước có từ ngày đó…”.  Từng có nhiều học sinh trong bài kiểm tra hồn nhiên viết rằng: “Con cúi là một con vật nuôi gắn bó với người nghĩa sĩ…” khi bình luận câu “Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi cũng đốt xong nhà dạy đạo kia” trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu mà không hiểu rằng đó là một vật dụng bện bằng rơm dùng để lấy lửa của nông dân ngày xưa.  

Mấy hôm trước, tình cờ đọc được những dòng tâm sự đầy xúc động của anh Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng: “Biết ơn ba mẹ tôi vẫn còn giữ lại những vật dụng gắn với tuổi thơ tôi, để bây giờ mỗi lần về quê, ký ức ngọt ngào không còn là kỷ niệm mà hiện hữu qua chiếc hũ 6 muối dưa, cái ghè đựng lúa, cái cối xay bột tráng mì, bánh tráng, cái trã đất kho con cá bống thảo thơm một thời gian khổ…”. Kèm theo dòng trạng thái là hình chiếc hũ sành da lươn, chiếc cối đá xay bột làm bằng đá xanh Đại Lộc, cái trã đất cũ kỹ ám màu thời gian… tất cả đã đánh thức một trời kỷ niệm đã ngủ yên trong trái tim nhiều người.

… Còn vương tơ lòng

Cũng vì tiếc chút nghĩa ngày xưa của cái cày, cái cuốc mà nhiều người dân thành phố trong biến thiên của xã hội vẫn cố giữ lại trong nhà những vật dụng tưởng chừng không còn hữu ích trong cuộc sống hiện đại nhưng lại mang một giá trị tinh thần vô giá. Nếu ai một lần ghé thăm ngôi nhà cổ Tích Thiện Đường ở thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, sẽ không thể không bồi hồi trước mấy chiếc cối đá, cối xay bột, cối xay lúa được ông chủ Đỗ Hữu Minh nâng niu như một báu vật. Không chỉ giữ lại những vật dụng của gia đình mình mà anh còn tìm mua thêm các loại nông cụ nhiều người định đem vứt bỏ. Nhà văn Bùi Tự Lực, có lần ghé thăm và say mê ngắm nhìn cái xe quạt lúa đặt trong sân nhà cổ.

Trong giới chơi đồ xưa, đồ cổ, ngoài việc sưu tầm những đồ trang trí, chén dĩa, tiền xu, binh khí… thì sưu tập vật dụng nhà nông một thời cũng khiến nhiều người say mê. Nhiều người sở hữu trong nhà hàng chục cái cối đá, cối xay, gàu sòng, gàu giai, xe quạt lúa… tuy không giá trị như các món khác nhưng lại gợi cho mỗi người về một không gian văn hóa đậm màu sắc Việt. Việc sưu tầm đồ xưa trong nhân dân mang tính cá nhân, nhỏ lẻ, chính vì vậy cần đòi hỏi việc bảo tồn và lưu giữ những vật dụng mang tính chứng nhân một thời ở quy mô lớn hơn. Có như thế mới thu hút được nhiều người đến xem và qua đó giúp mọi người hiểu hơn về văn hóa Việt nói chung, đời sống nông dân nói riêng.

Có lẽ cũng từ những trăn trở trên mà nhà báo Đoàn Huy Giao trong nhiều năm trời đã cố sưu tập và gìn giữ những hiện vật mang hơi thở của một thời quá vãng. Đến với Bảo tàng Đồng Đình của ông ở bán đảo Sơn Trà, người dân Đà Nẵng cũng như du khách gần xa như soi thấy mình trong không gian “Ký ức làng chài” hay nét hoa văn trong khu đồ gốm cổ…

Vừa rồi, tại Hội thảo về Đề án khởi nghiệp do Trường Đại học Duy Tân tổ chức cho sinh viên, xuất hiện một đề án mang tên "Đường về khu vườn ký ức" do Tiến sĩ Trần Thị Ánh Nguyệt hướng dẫn nhằm giới thiệu sản phẩm du lịch Đà Nẵng, trong đó có đề cập đến Bảo tàng Đồng Đình nằm trên địa bàn thành phố. Tuy đó có thể chỉ là ý tưởng ban đầu trên con đường học tập và nghiên cứu của các bạn trẻ trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay nhưng qua đó sẽ góp phần giới thiệu với du khách gần xa những nét độc đáo về nét văn hóa đất Quảng.

“Tôi sẽ giữ mãi cho con cháu sau này biết về một thời của cha ông…”. Đó là nỗi lòng đầy da diết của anh Nguyễn Đăng Hải. Xa quê hương Duy Xuyên mấy chục năm rồi, anh bỗng nhận ra rằng, những hũ ba, hũ bảy muối mắm quê mùa, những cối xay nặng nề cũ kỹ bao năm nằm yên nơi góc vườn, xó bếp bỗng hóa thành ký ức một thời tươi rói trong anh. Nhiều người qua tận chốn trời Tây, mỗi khi quay về nơi chôn nhau cắt rốn chợt cảm thấy tim mình như thắt lại khi bắt gặp những đồ dùng xưa cũ được những người có lòng trịnh trọng lưu giữ. “Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng”. Câu thơ xưa của Tố Như giờ đọc lại ngẫm ra vẫn còn thấm thía!

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.