.

Sinh viên góp sức cùng huyện đảo

.

“Sinh viên Kinh tế là phải đóng góp tri thức về kinh tế để làm giàu cho quê hương”. Mang thông điệp vào chiến dịch Mùa hè xanh, các bạn sinh viên (SV) Trường Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) mong muốn góp sức mình vào sự phát triển ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Website về du lịch đảo Lý Sơn do SV ĐH Kinh tế Đà Nẵng thiết kế nhằm quảng bá rộng rãi về Lý Sơn với du khách. Ảnh: Q.T
Website về du lịch đảo Lý Sơn do SV ĐH Kinh tế Đà Nẵng thiết kế nhằm quảng bá rộng rãi về Lý Sơn với du khách. Ảnh: Q.T

Lên ý tưởng phát triển du lịch

Chiến dịch Mùa hè xanh năm nay của Trường ĐH Kinh tế hướng đến việc áp dụng những tri thức đã học vào thực tế cho huyện đảo Lý Sơn.

Sau khi đi tiền trạm, anh Hà Phước Vũ, Bí thư Đoàn Trường ĐH Kinh tế nhận định, huyện đảo Lý Sơn được đánh giá là một nơi có tiềm năng du lịch. Tuy nhiên, đa phần các tài nguyên du lịch đều chưa được đầu tư khai thác một cách hợp lý. Hầu hết các điểm tham quan là các điểm du lịch tự phát, còn mang nặng tính truyền miệng và chưa được quy hoạch với mục tiêu dài hạn. Hệ thống cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch đều có quy mô nhỏ. Vấn đề phát triển du lịch còn đang bỏ ngỏ ở Lý Sơn sẽ là cơ hội vàng để SV hiện thực hóa những kiến thức đã học. Và, chúng tôi lên đường”. Trước khi lên đường, 50 SV tham gia chiến dịch Mùa hè xanh có 1 tháng tập huấn cùng các chuyên gia để nâng cao kiến thức, kỹ năng.

Trong đề án mà các nhóm SV đưa ra, các bạn đề xuất phát triển du lịch ở nhà dân (Homestay). Thay vì ở khách sạn hoặc các nhà nghỉ, du khách sẽ ở tại nhà của người dân địa phương, trải nghiệm cuộc sống với bà con và khám phá văn hóa bản địa. Mô hình du lịch này cực kỳ lý tưởng với điều kiện phát triển du lịch của huyện đảo Lý Sơn bây giờ.

14 ngày trải nghiệm quý giá

Đặt chân đến huyện đảo Lý Sơn là 50 con người tuổi đời còn trẻ nhưng mang một hoài bão lớn lao “những đóng góp của mình hôm nay sẽ giúp người dân Lý Sơn đón nhiều khách du lịch đến với đảo”.

Bạn Tôn Thị Mai Anh (SV năm 3, ngành Quản trị kinh doanh tổng quát) chia sẻ, một tháng được tập huấn ở nhà khác xa thực tế ngoài đảo. Bởi vì các bạn không biết rõ kế hoạch phát triển du lịch của địa phương như thế nào, tình hình thực tế ra sao, và những chuẩn bị như vậy thì liệu 2 tuần triển khai có tốt không. Đến khi tiếp xúc trực tiếp, Mai Anh và các bạn rất bất ngờ khi những định hướng nhóm đưa ra lệch rất nhiều so với địa phương. Dù còn thiếu sót nhưng các ý tưởng của nhóm hy vọng sẽ giúp Lý Sơn trở thành địa điểm du lịch phát triển và hấp dẫn trong tương lai.

Những khó khăn về vật chất như thiếu nước, điện, chỗ ở chật chội, tình hình thực tế khác xa với lý thuyết đã chuẩn bị sẵn là rào cản với những “chú ngựa non”. Thế nhưng, nhờ lòng nhiệt huyết, tinh thần cầu tiến, các bạn SV đã được chính quyền địa phương và người dân hỗ trợ hết lòng. “Cái may mắn của chúng tôi khi đến với Lý Sơn là được lãnh đạo chính quyền tin tưởng, người dân cầu thị. Họ rất muốn làm du lịch nhưng chưa được định hướng. Vì vậy, họ tạo điều kiện hết sức để chúng tôi nghiên cứu”, anh Hà Phước Vũ nói.

Trong 14 ngày trải nghiệm trên đảo, nhóm SV tình nguyện đã xây dựng được trang thông tin điện tử visitlyson.com, tập hợp đầy đủ thông tin về du lịch của đảo từ phương tiện ra đảo đến số điện thoại của những nhà dân tham gia mạng lưới du lịch homestay…

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.