Đà Nẵng cuối tuần

Tổ chức Đoàn phải hướng về cơ sở

15:12, 20/03/2015 (GMT+7)

1. Tổ chức cơ sở Đoàn được hình thành không chỉ trong phạm vi phường xã nhưng phần lớn là nằm ở phường xã - tức ở cấp gần dân và gần thường-dân-thanh-niên nhất.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) làm đường giao thông nông thôn ở xã Hòa Nhơn trong chương trình tình nguyện xây dựng Nông thôn mới. Ảnh: H.N
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) làm đường giao thông nông thôn ở xã Hòa Nhơn trong chương trình tình nguyện xây dựng Nông thôn mới. Ảnh: H.N

Phong trào Đoàn ở tỉnh/thành phố có vững mạnh hay không tùy thuộc rất lớn vào hiệu quả hoạt động phong trào Đoàn của các phường xã. Tất nhiên phong trào Đoàn ở một tỉnh/thành phố nào đó vẫn có thể sôi nổi và vẫn được tiếng là “hướng về cơ sở” mà không cần quan tâm nhiều đến các phường xã, bởi có thể dựa hoàn toàn vào hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở Đoàn trong các trường học, các công sở và các đơn vị lực lượng vũ trang cấp quận/huyện trở lên.

Có điều nếu chỉ vậy thôi thì tổ chức Đoàn ở tỉnh/thành phố ấy vẫn chưa thực sự hướng mạnh về cơ sở. Quần chúng thanh niên ở cơ sở phường xã đang ngày càng đông và có mặt bằng học vấn cao hơn những năm trước, bởi hằng năm đều được bổ sung một lượng đáng kể sinh viên tốt nghiệp đại học thậm chí sau đại học chưa tìm được việc làm. Số thường-dân-thanh-niên này từng tham gia sinh hoạt Đoàn rất tích cực ở các trường cao đẳng/đại học và sẽ là nguồn tuyển quân quan trọng của địa phương.

Chính vì thế yêu cầu tổ chức Đoàn phải hướng mạnh về cơ sở phường xã không chỉ nhằm đoàn kết/tập hợp thường-dân-thanh-niên trên địa bàn dân cư để tạo nên phong trào cách mạng ở địa phương mà còn là động thái cần thiết góp phần chuẩn bị cho quân đội ta nguồn nhân lực ưu tú hơn, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

2. Cùng là tổ chức cơ sở Đoàn nhưng hoạt động của tổ chức cơ sở Đoàn trong các trường học, các công sở và các đơn vị lực lượng vũ trang cấp quận/huyện trở lên chủ yếu được tiến hành vào giờ hành chính, khác với hoạt động của tổ chức cơ sở Đoàn ở phường xã cơ bản được tiến hành ngoài giờ hành chính.

Huy động đoàn viên và thanh niên tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt Đoàn vào giờ hành chính không hề dễ, nhưng huy động đoàn viên và thanh niên tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt Đoàn ngoài giờ hành chính mới thực sự khó, bởi ở đây không thể dùng mệnh lệnh hành chính để triệu tập như đối với những người trong hệ thống công vụ. Số lượng đoàn viên và thanh niên tham gia sinh hoạt Đoàn ở các khu dân cư thời gian qua rất hạn chế có phần là do nội dung và hình thức sinh hoạt thiếu sức lôi cuốn hấp dẫn như mong đợi.

Cho nên vấn đề cốt lõi vẫn là sức hấp dẫn tự thân của các buổi sinh hoạt Đoàn ở phường xã. Hướng mạnh về cơ sở Đoàn phường xã thì trước hết là phải làm sao để các buổi sinh hoạt Đoàn ngoài giờ hành chính đủ sức lôi cuốn được thường-dân-thanh-niên, mà lại là lôi cuốn một cách bền bỉ lâu dài chứ không phải theo kiểu lửa rơm nhất thời bùng lên rồi tắt ngấm. Muốn thế các cấp bộ Đoàn từ quận, huyện trở lên phải sớm từ bỏ cung cách hành chính hóa và căn bệnh thành tích, nếu cần còn phải luân chuyển/biệt phái cán bộ Đoàn có tâm huyết và năng lực về công tác ở phường xã - được vậy mới có thể gọi là đã thực sự hướng mạnh về cơ sở!

3. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, khi “Tổ quốc đang một còn một mất” (thơ Trần Đăng Khoa), nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam đã sẵn sàng dấn thân và hy sinh vì nghĩa lớn, đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên.

Ngày nay, tinh thần đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên không còn hừng hực trong suy nghĩ và hành động của các bạn trẻ như những năm tháng chiến tranh nhưng vẫn không hề nguội tắt, nhất là khi đất nước đang đối diện với nguy cơ bị xâm lược như thời điểm đầu năm 1979 là lúc dân tộc ta “Lụt Bắc lụt Nam máu đầm biên giới / Tay chống trời tay giữ nước căng gân” (thơ Tố Hữu), hay như mấy tháng liền Trung Quốc bất chấp đạo lý và pháp lý hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam - thậm chí có thể nói là sát vào “phao số không” của Đà-Nẵng-đất-liền…

Một trong những lò lửa không ngừng hun đúc tinh thần đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên cho đoàn viên và thanh niên là tổ chức Đoàn ở cơ sở phường xã. Vì vậy mà tổ chức Đoàn không thể tiếp tục bỏ trống trận địa này - đương nhiên tổ chức Đoàn không đơn độc trong việc gánh vác trọng trách, bởi ở từng phường xã luôn có sự đồng hành của các bậc cha anh là cựu chiến binh hay cựu tù yêu nước. Đây cũng là cách để tổ chức Đoàn chăm lo bồi dưỡng nguồn lực tinh thần cho những người sẽ nhập ngũ thi hành nghĩa vụ quân sự cũng như cho những người sẽ lập thân lập nghiệp trong tương lai…  

4. Tổ chức cơ sở Đoàn ở phường xã cũng là một lò lửa hun đúc tinh thần phụng sự cộng đồng/ý thức sống đẹp vì cộng đồng. Như đã nói trên, phường xã vốn sát dân/gần dân nên dễ trở thành địa bàn thuận lợi để đoàn viên và thanh niên ở phường xã tự giác thâm nhập vào đời sống cộng đồng, từ đó thấu cảm hơn với niềm vui nỗi buồn của người dân, từ đó hào hứng hơn với các phong trào tình nguyện - chẳng hạn như tình nguyện hiến máu nhân đạo hay tình nguyện giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ…

Tổ chức Đoàn hướng mạnh về cơ sở cũng có nghĩa là tạo điều kiện để các phong trào tình nguyện của đoàn viên và thanh niên ở phường xã phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, qua đó giúp họ nhận thức ngày càng sâu sắc hơn chân lý “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” (thơ Tố Hữu).

Tuy nhiên, tổ chức Đoàn cũng phải quan tâm đúng mức đến bản thân những người hết lòng vì cộng đồng trong đoàn thể mình, phải làm cho các thanh-niên-thường-dân trên địa bàn dân cư - phần đông bấp bênh về sinh kế, hầu hết thuộc diện công ăn việc làm chưa ổn định… - thấy rằng tích cực tham gia sinh hoạt Đoàn họ không chỉ mất thời gian, mất công sức… mà còn được và được là chính. Chẳng hạn tổ chức Đoàn phải chủ động đóng vai trò cầu nối/trung gian để các thanh-niên-thường-dân của địa phương mình có nhiều cơ hội tìm được công ăn việc làm phù hợp. Có vậy mới có thể duy trì liên tục sức lôi cuốn hấp dẫn của các sinh hoạt Đoàn ở cơ sở phường xã…

BÙI VĂN TIẾNG

.