Đà Nẵng cuối tuần

Năm ngựa sắp qua

15:44, 13/02/2015 (GMT+7)

Trong suy nghĩ của người phương Đông, ngựa là biểu tượng của thời gian đang trôi nhanh về phía trước, cho nên mới có câu thành ngữ: Thời gian như bóng câu qua cửa sổ - không phải ngựa già mỏi gối chồn chân mà là câu/ngựa hai tuổi đang sung sức (tất nhiên nhanh đến mấy thì vẫn chậm hơn lời nói, bởi dân gian Trung Quốc có câu: Nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy/Một lời đã nói bốn ngựa khó theo).

Từ đó dễ có cảm giác năm ngựa chóng qua hơn các năm khác, mặc dầu Giáp Ngọ thực sự là một năm nhuần. Và vì thế dẫu có lưu luyến đến mấy thì cũng không thể không thừa nhận một sự thật nhãn tiền: Năm ngựa sắp qua rồi!

Năm ngựa chỉ mới sắp qua, năm dê đã kịp điền vào chỗ trống. Ảnh: MINH TRÍ
Năm ngựa chỉ mới sắp qua, năm dê đã kịp điền vào chỗ trống. Ảnh: MINH TRÍ

Nhưng năm ngựa chỉ mới sắp qua thôi mà năm dê đã kịp điền vào chỗ trống. Trên đường hoa Xuân Bạch Đằng 2015 đang xuất hiện một con dê vàng… ngơ ngác (mượn ý thơ Lưu Trọng Lư: Con nai vàng ngơ ngác / Đạp trên lá vàng khô) và hai nghìn không trăm mười lăm con dê bằng gỗ cũng đang tề tựu trong một tác phẩm sắp đặt đương đại hết sức hấp dẫn vừa được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Mùa xuân và con giáp khai mạc chiều ngày hăm mốt tháng chạp.

Đây là tác phẩm tạo hình mang tên là Mùa bình minh do nhóm họa sĩ trẻ Đà Nẵng cùng với hai trăm bảy mươi học sinh phổ thông - trong đó không ít em đang học ở Trường Chuyên biệt Tương Lai - sáng tác.

Mùa bình minh là một cách gọi mang màu sắc văn chương về mùa xuân, xuất phát từ cách hiểu mùa xuân là bình minh của một năm; đồng thời cũng hàm ý tác phẩm nghệ thuật thị giác độc đáo này được tạo ra từ bàn tay cầm cọ tô màu của những người tuổi còn trẻ - thậm chí tuổi còn rất trẻ hiện đang ngồi trên ghế nhà trường - mà tuổi trẻ chính là bình minh của một đời người.

Vào một năm con ngựa cách đây ba mươi sáu năm - năm Mậu Ngọ 1978, lúc mới hăm bốn tuổi đời, đang hăm hở giảng dạy văn chương tại một trường phổ thông ở tỉnh Đồng Nai, tôi được lệnh gọi nhập ngũ.

Chân ướt chân ráo vào bộ đội vài hôm, nghe mấy thủ trưởng bảo các anh chàng háo sắc là có máu tiểu đoàn, vốn là người chuyên nghiên cứu chữ nghĩa, nhưng thật tình tôi vẫn chưa hiểu thế nào là máu tiểu đoàn. Mãi sau một thời gian huấn luyện và làm quen với đời sống quân ngũ, tôi mới biết đây là một cách chơi chữ: tiểu đội được ký hiệu là A, trung đội được ký hiệu là B, đại đội được ký hiệu là C và tiểu đoàn được ký hiệu là D, máu tiểu đoàn tức là máu dê.

Có lẽ người đầu tiên nghĩ ra từ máu dê gợi cảm này là cụ Đồ Chiểu - khi cụ viết trong truyện thơ Lục Vân Tiên: Còn người Bùi Kiệm máu dê… Do câu chuyện máu tiểu đoàn/máu dê có liên quan đến một người cùng họ - nhân vật Bùi Kiệm - nên sau này trở lại công tác trong ngành giáo dục, tôi đã viết một bài báo đăng trên Thanh Niên bán nguyệt san có nhan đề Minh oan cho Bùi Kiệm, và đến năm 2004 cho in lại trong tập bút ký Nghĩ dọc sông Hàn.

Có thể nói từ sau bài viết này, đã có một cách nhìn khác về hình tượng Bùi Kiệm trên sân khấu Nam Bộ, khác với trước đây luôn xếp Bùi Kiệm vào tuyến nhân vật bị chê trách thậm chí bị lên án về mặt đạo đức giống như là nhân vật Trịnh Hâm.

Một thành phố phát triển theo hướng văn minh hiện đại không thể tách rời gốc rễ cội nguồn, bởi quá khứ không hoàn toàn là dĩ vãng. Chính vì thế mới có văn chương nghệ thuật, mới có sử học và khảo cổ học, mới có các bảo tàng… Đà Nẵng đã giữ hầu như nguyên vẹn cây cầu Nguyễn Văn Trỗi - cây cầu dã chiến bằng sắt của quân viễn chinh Mỹ được bắc qua sông Hàn sau khi lính Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng những năm 60 của thế kỷ trước - bên cạnh cây cầu dây văng hiện đại Trần Thị Lý để hình thành một bảo tàng chiến tranh sống động nhằm lưu giữ ký ức của người Đà Nẵng về một thời quê hương bị ngoại bang chiếm đóng; và nếu có thể thì tháng ba năm nay, khi đã xác định chính xác địa điểm ven vịnh Đà Nẵng cách đây nửa thế kỷ được gọi là Red Beach Two, sẽ đặt một tấm bia ghi dấu sự kiện quân viễn chinh Mỹ hùng hổ hung hăng đổ bộ lên mảnh đất từng thay mặt cả nước và cùng cả nước đánh thắng Liên quân Pháp và Tây Ban Nha trong cuộc chiến tranh vệ quốc 1858-1860.

Đà Nẵng cũng giữ nguyên không sửa chữa chiếc tàu cá ĐNa 90152 của ngư dân Đà Nẵng bị Tàu quen chứ không phải tàu lạ cố ý đâm chìm trong vùng biển Việt Nam và sẽ đưa chiếc tàu vỏ gỗ đầy thương tích này vào trưng bày tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa như một bằng chứng lịch sử về mối hiểm nguy luôn rình rập ngư dân Đà Nẵng nói riêng, ngư dân miền Trung nói chung trong quá trình vừa lao động để mưu sinh kiếm sống trên ngư trường truyền thống của mình vừa góp phần thực hiện nhiệm vụ khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Mỗi một công trình kiến trúc trong thành phố bên sông Hàn đều mang dấu ấn trầm luân của lịch sử, trong đó có nhiều công trình từ khi xây dựng đến nay vẫn tiếp tục tồn tại với thời gian và được sử dụng đúng như chức năng ban đầu, chẳng hạn như Bảo tàng Điêu khắc Chăm… nhưng cũng có không ít công trình phải trải qua cảnh thương hải biến vi tang điền/biển xanh hóa thành nương dâu như nhà ga xe lửa trước chợ Hàn (Gare de Tourane Marché), như trường Lycée Blaise Pascal là nơi đào tạo hàng ngàn học sinh Đà Nẵng giỏi tiếng Pháp và có nhiều cựu học sinh thành đạt trong khoa học như TS Trần Tiễn Khanh - người tiên phong áp dụng mô hình dự báo thời tiết vào chiếc máy tính đầu tiên của không quân Mỹ năm 1982, hiện làm tham vấn cho Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, tác giả của trang web Vnbaolut.com…; cũng như trong nghệ thuật như nhà phê bình văn học Đặng Tiến - người viết cuốn sách Vũ trụ thơ cực hay…

Nên chăng đặt trên lề đường Bạch Đằng đoạn trước cửa Đông chợ Hàn một tấm bia ghi dấu địa điểm từng là nơi Gare de Tourane Marché tọa lạc. Và nên chăng gắn trên tường Trung tâm Hành chính thành phố một tấm biển bằng đồng ghi nơi đây từng là Lycée Blaise Pascal Đà Nẵng/Trung tâm Giáo dục Nguyễn Hiền Đà Nẵng. Cách đây mười năm, các cựu học sinh Lycée Blaise Pascal Đà Nẵng còn gửi thư cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Trần Văn Minh đề nghị được tặng cho Đà Nẵng một thư viện hoặc một phòng triển lãm tranh trong khuôn viên Trung tâm Hành chính...

Cũng có thể kể thêm trường hợp cơ sở thứ hai của Trường THPT Phan Châu Trinh Đà Nẵng - nên chăng gắn trên trụ cổng của cơ sở này một tấm biển bằng đồng ghi nơi đây từng là École des Jeunes Filles de Tourane/Trường Nam Tiểu học Đà Nẵng/Trường THCS Kim Đồng Đà Nẵng.  

Được sự hỗ trợ về tài chính và nghiên cứu của GS. Donyun Kim, Trưởng khoa Kiến trúc Trường Đại học Sungkyunwan (Hàn Quốc) và Công ty TNHH JungLim Architecture Việt Nam, quận Cẩm Lệ đang phối hợp với quận Ngũ Hành Sơn, quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang hình thành Dự án Quy hoạch Đài Tưởng niệm Liệt sĩ Hòa Vang nhằm tạo nên một điểm nhấn kiến trúc cho thành phố, đồng thời làm tăng thêm sức hấp dẫn để thế hệ trẻ có thể thường xuyên đến với Đài Tưởng niệm Liệt sĩ Hòa Vang hiện nay. Trước mắt, trên cơ sở quy hoạch mới, các địa phương này dự tính khởi công xây dựng một nhà chuông vào dịp kỷ niệm năm mươi năm ra đời Vành đai diệt Mỹ Hòa Vang.

Nghĩ đến tiếng chuông đồng sẽ vang ngân trên đỉnh dốc Hòa Cầm trong tương lai không xa, tôi chợt nhớ đêm trừ tịch năm 1979, chùa Hàn San - một trong mười ngôi chùa nổi tiếng bên Trung Quốc từng đi vào thế giới nghệ thuật thơ Đường - đã tổ chức thành công lần đầu tiên hoạt động nghe tiếng chuông chùa Hàn San, với sự tham gia của hàng trăm du khách Nhật Bản, mở ra một hình thức mới đầy triển vọng về quảng bá du lịch tâm linh...

BÙI VĂN TIẾNG

.