.

Làm giàu từ… đá

.

Sau gần 8 năm ra trường, Huỳnh Văn Trung (32 tuổi), cựu SV ngành Điêu khắc, Trường ĐH Mỹ thuật Huế niên khóa 2002-2007 tạo dựng một cơ nghiệp ổn định khiến ai nhìn vào cũng xuýt xoa ngưỡng mộ.

Ngôi nhà đáng mơ ước được anh Huỳnh Văn Trung gầy dựng sau gần 15 năm gắn bó với đá.  Ảnh: H.L
Ngôi nhà đáng mơ ước được anh Huỳnh Văn Trung gầy dựng sau gần 15 năm gắn bó với đá. Ảnh: H.L

Không giống như phần lớn SV học về lĩnh vực mỹ thuật có vóc dáng phong trần, mái tóc bồng bềnh lượn sóng, Trung xuất hiện trước mặt chúng tôi với bộ dạng một người thợ đá nước da đen giòn, bụi bặm. Đứng giữa cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ rộng chừng 1.500 m2 do chính mình làm chủ, Trung cũng giống như 20 lao động khác đang làm việc tại đây, cũng máy cắt, cũng dùi đục và quần áo, đầu tóc, tay chân trắng toát vì bụi đá.

Sinh ra và lớn lên ngay tại Làng đá mỹ nghệ Non Nước thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thuở nhỏ Trung đã quen với những âm thanh khô khốc phát ra từ tiếng cưa, đục, đẽo đá của người dân, vẫn ngủ ngoan mặc những tiếng ầm ào đó. Lớn lên chút nữa, ngoài giờ đến lớp, cậu dành khá nhiều thời gian quan sát, ngắm nghía tượng đá quanh khu vực mình ở, làm quen với dụng cụ đục đẽo để chế tác những món đồ chơi ưa thích.

Những năm học cấp 2, cứ vào mùa hè Huỳnh Văn Trung lại dành thời gian giúp việc cho các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ và sớm bộc lộ năng khiếu về hội họa, điêu khắc. Trung chia sẻ, niềm may mắn của Trung là có người anh trai Huỳnh Văn Cường chung niềm đam mê sáng tác. Năm Cường học lớp 12, Trung học lớp 10, sau nhiều lần thuyết phục, mẹ cấp vốn 10 triệu đồng, hai anh em mở một cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ mang tên Trung Cường. Sản phẩm làm ra có kích thước nhỏ gọn, nặng chừng 1 - 2kg như gạt tàn thuốc, đá phong thủy, tượng Chăm-pa... bỏ cho các cửa hàng buôn bán tại địa phương.

Mười bảy tuổi, mỗi tháng anh em Cường, Trung kiếm được gần 20 triệu đồng từ nghề đá nhưng ước muốn tạo ra những sản phẩm hoàn hảo đã thôi thúc họ quyết tâm thi vào ngành Điêu khắc, Trường ĐH Mỹ thuật Huế để sản xuất đi theo hướng chuyên nghiệp hơn. Năm 1999, anh trai rời Đà Nẵng ra Huế học ĐH Mỹ thuật Huế thì cậu em Huỳnh Văn Trung ở lại cùng nhóm thợ của mình gầy dựng cơ sở ngày một phát triển hơn về quy mô, chất lượng. Nối gót anh trai, năm 2002 Huỳnh Văn Trung cũng thi đỗ vào ngành Điêu khắc và chú tâm học về khối mảng, lớp lan, tỷ lệ bố cục cơ bản trên thân thể con người và áp dụng kiến thức này vào công việc chế tác đá.

Thời gian theo học tại Huế là thời gian Trung đi - về giữa Huế - Đà Nẵng như con thoi không biết mệt mỏi. “Ngồi trên giảng đường đến cuối giờ chiều thứ 6 là tôi nhảy xe đò về Đà Nẵng làm việc cùng anh em, chiều chủ nhật lại khăn gói ra Huế học. Cứ thế, quãng đời SV trôi qua chẳng có mấy kỷ niệm vui chơi cuối tuần cùng bạn bè, chỉ thấy học và chế tác đá để bám trụ, duy trì, phát triển cơ sở sản xuất đồ đá mỹ nghệ của hai anh em”, Trung nói.

Những kiến thức mỹ thuật học từ trường đại học được hai anh em Cường - Trung vận dụng vào thực tế công việc, tạo ra sản phẩm đẹp và chính xác đến từng thông số kỹ thuật nên thu hút được lượng lớn khách hàng ở nhiều nước châu Âu đặt mua. Cách đây khoảng 5 năm, khi đã có uy tín trên thị trường hàng đá mỹ nghệ, hai anh em Cường - Trung quyết định tách làm riêng nhưng vẫn giữ tên thương hiệu Trung Cường như ngày đầu khởi nghiệp. Hiện nay, cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Trung Cường của Huỳnh Văn Trung chủ yếu sản xuất mặt hàng tâm linh thờ cúng, tượng Phật, La Hán, tượng danh nhân nhỏ và những sản phẩm ứng dụng, trang trí nội ngoại thất… Hiện cơ sở của Trung tại tổ 32 phường Hòa Hải có hơn 20 thợ điêu khắc chủ yếu đến từ các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc (Quảng Nam), trong đó 2 lao động trình độ ĐH và nhiều người có trên 25 năm kinh nghiệm trong nghề.  Trung chia sẻ, điều anh tự hào nhất hiện nay là ngoài đảm bảo doanh thu mỗi năm đạt vài tỷ đồng, cơ sở Trung Cường là một trong số ít cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ tại Ngũ Hành Sơn có mức lương cho thợ thấp nhất 7,5 triệu đồng và cao nhất 19,5 triệu đồng mỗi tháng.

Cũng như nhiều thợ điêu khắc đang hành nghề tại Làng đá mỹ nghệ Non Nước, Huỳnh Văn Trung chưa có quỹ thời gian để thỏa sức với những sáng tạo mang tính nghệ thuật. Trung bảo “sản phẩm tự làm ra mất nhiều thời gian lên ý tưởng, thực hiện nhưng giá thành rẻ bằng sản phẩm chép lại, thu không đủ bù chi, dễ bị ăn cắp ý tưởng nên không mấy ai mặn mà với việc tạo ra những sản phẩm mới”. Trước khi chia tay chúng tôi, Trung ngỏ ý, thời gian tới nếu địa phương có yêu cầu, anh sẵn sàng thu xếp công việc để “đứng lớp” hướng dẫn lại những thông số, tỷ lệ cơ bản trong sáng tác mỹ thuật, giúp lớp thanh niên kế cận của làng nghề nắm vững quy luật, phương pháp cần thiết khi tạc tượng. Theo Trung, đó là cách anh đóng góp sức mình vào sự phát triển ổn định, bền vững của làng nghề trong tương lai.

HUỲNH LÊ

;
.
.
.
.
.