.

"Vẽ kể chuyện" đến Đà Nẵng

.

Vào giữa đầu tháng 4 tới đây, lớp học “Vẽ kể chuyện” (câu chuyện được diễn đạt bằng tranh vẽ - PV) do họa sĩ Đỗ Hữu Chí - Thạc sĩ chuyên ngành truyện tranh (Sequential Art) hướng dẫn khai mạc tại Đà Nẵng với mong muốn đánh thức khả năng vẽ và kể chuyện tiềm ẩn trong mỗi con người, đồng thời truyền cảm hứng và tri thức cho thế hệ “người kể chuyện bằng tranh” tiếp theo.

Các bạn trẻ ở Đà Nẵng, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sẽ cùng được tiếp cận cách thức “vẽ kể chuyện” này của họa sĩ Chí.

Họa sĩ Đỗ Hữu Chí chia sẻ với các bạn trẻ những thông tin cơ bản về “Vẽ kể chuyện”. (Ảnh do nhóm tổ chức cung cấp)
Họa sĩ Đỗ Hữu Chí chia sẻ với các bạn trẻ những thông tin cơ bản về “Vẽ kể chuyện”. (Ảnh do nhóm tổ chức cung cấp)

Kể chuyện qua hình vẽ là điều không hề mới trên thế giới. Và những người “vẽ kể chuyện” đã xuất hiện cách đây rất lâu. Từ thuở hồng hoang, sau những cuộc săn bắn và hái lượm, những người tiền sử đã dùng đá và bột màu để vẽ những hình minh họa cho hoạt động hằng ngày của họ. Sau này, những nét vẽ ngày càng thể hiện chiều sâu, chuỗi các công việc của con người, của con vật và thể hiện cả một thế giới nội tâm phức tạp của con người… trong các ngành đồ họa, games, quảng cáo, nhiếp ảnh, phim, phim hoạt hình…  

Hoàn thành chương trình Thạc sĩ truyện tranh theo học bổng Fulbright, Đỗ Hữu Chí (bút danh Bút Chì) là tác giả minh họa của nhiều bìa sách nổi tiếng như “Bắt trẻ đồng xanh”, “Chuyện con mèo dạy hải âu bay”, “Hội hè miên man”…, sách tranh như “Đeo nhạc cho mèo” cũng như các tác phẩm truyện tranh được đăng tải lên trang web cá nhân. Các câu chuyện đời thường qua nét vẽ của anh trở nên hấp dẫn, hài hước bởi cách chuyển tải hồn nhiên và nhấn mạnh vào tính giao tiếp của nghệ thuật kể chuyện bằng tranh.

Theo họa sĩ Đỗ Hữu Chí, kể chuyện bằng tranh là một phương pháp thông minh, một công cụ, phương tiện hữu ích và gọn nhẹ giúp mỗi chúng ta hiểu người và hiểu mình. Theo đó, lớp “Vẽ kể chuyện” của anh sẽ áp dụng những phương pháp hướng dẫn đơn giản và mang tính tự do, sáng tạo cao, cung cấp những tài liệu và kiến thức để học viên tự luyện tập ở nhà sau khi khóa học kết thúc. Dự án “Vẽ kể chuyện” mong muốn chia sẻ tri thức và phương pháp cho các họa sĩ, nhà đồ họa, nhà thiết kế đi theo các con đường sáng tác như Biếm họa (Cartoons), Minh họa (Illustration), Truyện tranh (Comics) và Sách tranh (Picture Book); giúp người học bộc lộ được chính bản thân mình và kích thích sự sáng tạo, bộc lộ suy nghĩ và cảm xúc như một đứa trẻ. Nhóm tổ chức “Vẽ kể chuyện” còn cho biết thêm, trong tương lai gần, khi đã có đủ điều kiện cơ bản, nhóm sẽ mở nhiều khóa học miễn phí dành cho tất cả các đối tượng không giới hạn tuổi tác, ngành nghề…

NHI TRẦN

;
.
.
.
.
.