.

Phụ nữ vác "tủ lạnh" trên lưng

.

Có lẽ không nơi nào trên thế giới có sự cách biệt về kinh tế lớn bằng khu vực bờ biển Bắc Phi, nơi giáp ranh giữa Tây Ban Nha và Marốc. Ở đó, một hệ thống hàng rào dây thép gai tách sự giàu có của châu Âu khỏi sự tuyệt vọng nghèo hèn của châu Phi.

Những người phụ nữ Ma-rốc lớn tuổi vẫn phải vác những gói hàng nặng như thế này trên lưng.
Những người phụ nữ Ma-rốc lớn tuổi vẫn phải vác những gói hàng nặng như thế này trên lưng.

Chính vì thế, những người châu Phi đều cố vượt qua hàng rào này để “kiếm cơm” mỗi ngày. Hàng trăm phụ nữ Ma-rốc, nhiều người đã lớn tuổi, sẵn sàng bắt tay vào công việc nặng nhọc: cúi xuống để người khác đặt gói hàng to như cái tủ lạnh lên lưng, vẻ mặt càng lúc càng căng thẳng và cố bò lên đồi ở biên giới. Bà Rkia Rmamda cho biết “Các con tôi cần phải ăn, buộc tôi phải làm những việc như thế này”.

Họ cố gắng đưa quần áo cũ, giấy vệ sinh, thiết bị điện tử nhỏ trong suốt hai thập niên qua từ Tây Ban Nha vào Ma-rốc. Mỗi chuyến đi như thế họ chỉ kiếm được khoảng 3 euro, nhiều lắm là 10 euro; mỗi tuần chỉ kiếm được 20 tới 27 euro. Sự khác biệt về thu nhập giữa Marốc và Tây Ban Nha khoảng 17 tới 20 lần.

Khoảng 300 triệu euro giá trị hàng hóa được chuyển qua hướng Melilla mỗi năm để tới Ma-rốc. Hầu như toàn bộ lượng hàng hóa đó được những người phụ nữ như bà Rmamda vác trên vai hoặc lăn nó vượt qua những ngọn đồi với đoạn đường khoảng nửa km để tới chỗ các thương lái Ma-rốc. Luật pháp Ma-rốc quy định bất cứ thứ gì xách trên tay, mang trên người đều được xem là hành lý nên miễn thuế.

Thập niên 90 của thế kỷ trước, công việc vác hàng hóa này đã là của phụ nữ. Họ tới Melilla vào buổi sáng và vác một ngày một chuyến. Gói hàng lúc đó cũng nhỏ hơn bây giờ. Giờ đây, Tây Ban Nha dần siết chặt an ninh biên giới hơn, mỗi tuần biên giới chỉ mở cửa bốn ngày. Bình thường, mỗi phụ nữ có thể vác gói hàng nặng khoảng 70kg thì nay phải vác gói hàng lên tới 100kg.

Tây Ban Nha cảm thấy rất khó giải quyết bởi vì đây là vấn đề kinh tế. Kiểm soát quá chặt làm cho những người phụ nữ Marốc thực sự gặp khó khăn. Như bà Rmamda chẳng hạn, bà phải nuôi bốn người con và người chồng bệnh tật, nhưng tình trạng ngày có việc ngày không khiến gia đình bà chỉ còn ăn 1 bữa/ngày. Đã thế, phụ nữ còn bị đàn ông lấn sân. Vì kinh tế những tháng gần đây khó khăn nên đàn ông cũng lao vào công việc này. Họ mạnh khỏe hơn nên vác được nhiều hàng hơn, đi được nhiều chuyến hơn nên những thương lái thích thuê họ hơn.

ANH THƯ (Theo New York Times)

;
.
.
.
.
.