.

Nghe trong cây lá vườn xưa

.

Tưởng người nên lại thấy người về đây

(Nguyễn Du)

Đã bao lần có dịp hành hương về Tiên Điền – quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du, nhưng rơi vào giữa một ngày mưa xuân lất phất như thế này thì quả đây là lần đầu tiên tôi nếm trải. Hình như gió lạnh và mưa bụi mỏng mảnh đầy trời, cộng hưởng với vô vàn tiếng lá lao xao trong vườn Tiên Điền, dễ khiến con người ta quên đi thực tại mà vọng tưởng đến âm vang người xưa đâu đây. Bước vào nhà bảo tàng Nguyễn Du, xem từng di vật, từ nghiên mực Nguyễn Du thường dùng đến chiếc la bàn Nguyễn dùng để đi săn bắn, từ bộ tách uống rượu bằng sừng đến cái gạc nai móc áo…, mỗi thứ một linh hồn, tất cả lặng im hay là thăm thẳm tiếng nói tịch ngôn bao phủ một niềm bí mật, gợi mở ra thế giới vô tận của người xưa.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Sinh ra tại phường Bích Câu - Thăng Long, cho đến cuối đời mất tại Huế, kỳ thực Nguyễn Du về ở tại quê hương Tiên Điền của mình không nhiều so với cuộc đời dằng dặc có hơn nửa thế kỷ, từng bao nỗi thác ghềnh giằng xé số phận của một thiên tài. Người ta ước đoán rằng, trong quãng thời gian không nhiều, độ năm, sáu năm về sinh sống tại quê nhà, đấy là những tháng năm thanh bần nhất trong cuộc đời Nguyễn Du. Biển Nam mênh mông làm người đi câu (Nam hải điếu đồ), hay Hồng Sơn chín mươi chín ngọn làm gã thợ săn (Hồng Sơn liệp hộ), chính thời gian này, đa phần các tác phẩm văn Nôm “văn chiêu hồn”, và “truyện Kiều” đã được viết ra tại đây.

Bây giờ người xưa vẫn đang ở đây! Cái “Lời quê chắp nhặt dông dài” ngót ba nghìn năm trăm hai mươi tư câu, cái bản Kiều chữ Nôm in vào năm 1902 giấy đã ố vàng, nằm im lặng trong chiếc tủ kính của nhà bảo tàng. Một sự im lặng tỏa sáng, một sự im lặng chừng như là tột cùng đỉnh cao của mọi âm thanh, mà sức vang hưởng làm động vọng cả thời gian và trái tim của cả nhân loại. Tôi nhớ Đàm Văn Chí, trong “Lịch sử văn hóa Việt Nam”, đã viết rằng: “Truyện Kiều cực kỳ diễm lệ hào hoa phù hợp với tuổi trên ba mươi của Nguyễn Du (tức là thời gian ông về lại Tiên Điền - 1796) thông thường là ở mức độ phong nẫm về tình ý, lại có vẻ thực vì chính đó là vang dội của những mối tình đẹp của riêng mình, có tính dở dang bi kịch và bạc mệnh”. Đến nhà viết sử cũng lãng mạn theo người xưa mà đoán định truyện Kiều rằng: “Chính đó là vang dội của những mối tình đẹp”. Thế nên đi trên đất Tiên Điền vang bóng cảnh cũ người xưa, chập chùng bao giai thoại về tình yêu của Nguyễn Du như muốn thi thố với rêu xanh mà tươi tốt.

Theo câu hát ví của Nguyễn Du viết “Thác lời trai phường nón Tiên Điền gởi gái phường vải Trường Lưu”, tôi thử một cuộc “điền dã” bằng tâm tưởng. Nghĩa là từ khu vườn Tiên Điền này đây, ngày xưa anh em Nguyễn - Tiên Điền từng men theo con đường dưới chân ngọn Hồng Lĩnh, đạp sim mua vượt dải Ngàn Hống qua phường vải Trường Lưu hát ví. Sẽ khó mà đoán định ra nơi nào là bến sông Cài, nơi cô lái đò từng liều lĩnh vượt mưa to gió lớn chèo thuyền đưa Nguyễn Du qua sông cho kịp đêm hát: Sóng to thuyền nhỏ khó sang. Thiếp nguyền thiên địa giúp chàng một phen. Mối tình nảy nở từ đó, để Nguyễn Du viết trong bài hát ví của mình: Tiếc thay duyên Tấn phận Tần. Chưa quen đã lạ chưa gần đã xa… Hồng Sơn cao ngất mấy trùng. Sông Cài mấy trượng thì lòng bấy nhiêu. Và rồi còn bao hồng nhan khác nức tiếng phường vải Trường Lưu, những nàng Uy, nàng Sạ, những sắc nước hương trời khác… đến nỗi huyền thoại cả một vùng đất làm say lòng giống nòi tình: Muốn tắm mát thì lên giếng Đoài. Muốn lấy vợ đẹp hỏi người Trường Lưu.

Nhưng tại sao cứ là những giai thoại, không chỉ đầy hư ảo ở Tiên Điền, mà ngay trên đất Bắc - Thăng Long, nơi Nguyễn Du sinh ra và lớn lên, một thời hoa niên đẹp đẽ những giấc mộng đại toàn, lại cũng vẫn những giai thoại. Ai ơi chèo chống tôi sang. Kẻo trời trưa trật lỡ làng tôi ra. Câu chuyện tình với cô lái đò sông Nhị đã đưa đón Nguyễn ngày ngày đến lớp học bên kia sông, là do dân gian sáng tạo ra hay là hiện thực. Dấu vết những tình yêu không lưu lại trong thơ Nguyễn Du chút bóng dáng nào ư? Có đấy, nhưng lại cũng mơ hồ, để từ đó trí tưởng của đại chúng lại thêu dệt thêm hoa gấm, cho sương khói cùng với thời gian ngày mỗi hư ảo lung linh hơn. Bài thơ “Mộng đắc thái liên” (Mộng thấy hái sen) của Nguyễn Du là một trường hợp như thế… Kim thần khứ thái liên. Nãi ước đông lân nữ. Bất tri lai bất tri. Cách hoa văn tiếu ngữ… (… Sáng nay đi hái sen. Hẹn cùng cô láng giềng. Đến lúc nào không biết. Nói cười sau khóm sen…).

Người đẹp hái sen ở hồ Tây để Nguyễn hẹn hò mơ mộng ngày ngày vác cần câu ra ngồi câu là ai thế? Thật khó có thể trả lời một cách cụ thể, cho dù thơ ấy rõ ràng đã nói lên tình yêu của Nguyễn Du: Hoa dĩ tặng sở úy. Thực dĩ tặng sở liên. Nghĩa là: Hoa tặng người mình trọng. Gương tặng người ta say. Có người cho rằng, cô gái láng giềng trong bài thơ “Mộng đắc thái liên” của Nguyễn Du có thể là bà chúa thơ Nôm: Hồ Xuân Hương. Lại là một cách ước đoán không dựa trên một logic nào cả. Mãi về sau người ta phát hiện thơ Xuân Hương trong tác phẩm “Lưu hương ký” có bài “Nhớ bạn cũ”, Xuân Hương đề tặng đích danh “viết gởi Cần Chánh học sĩ Nguyễn Hầu – Hầu người ở Tiên Điền huyện Nghi Xuân” (Nguyễn Hầu là tên gọi tôn xưng những người được phong tước bá - tức Nguyễn Du).

Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung
Cậy ai tới đấy gởi cho cùng
Mối tình chốc đã ba năm vẹn
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không
Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập
Phấn son càng tủi phận long đong
Biết còn mảy chút sương đeo mái
Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong.

Thơ như thế là phơi mở ra trước nhật nguyệt một mối tình rất thực: Mối tình chốc đã ba năm vẹn, chứ nào phải ngày một ngày hai gì đâu. Chỉ có điều nàng Xuân Hương - tác giả của “Lưu hương ký” và Hồ Xuân Hương (với Tổng Cóc và ông phủ Vĩnh Tường), cả hai nhân vật cùng tên này có phải là một? Và người ta lại ước đoán, lại đi tìm gương mặt tình yêu đích thực của Nguyễn Du là ai, mọi nghi vấn dường như vẫn mãi là nghi vấn. Còn đại chúng, đấy là cơ hội để trí tưởng thỏa mãn tình yêu một thiên tài mà tạo dựng thêm lên lớp lớp giai thoại, huyền thoại đẹp lung linh vây quanh Nguyễn Du, như một sự bày tỏ lòng ngưỡng mộ không biên giới của tất cả.

Mưa trong vườn Tiên Điền vẫn lấm tấm lay phay rắc hạt cùng gió  từng cơn thổi qua phơn phớt lạnh. Hàng cây xà cừ dọc theo con đường làng Xuân Tiên thăm thẳm một thứ mù sa như dẫn lối đưa đường cho từng vọng tưởng. Vâng, chính hàng cây này đây, chỗ cánh cổng bước vào vườn ấy, ngày xưa anh em Nguyễn Tiên Điền mỗi lần đi săn về thường buộc ngựa nơi ấy, tiếng hí vang động cả khu vườn. Giữa không gian mênh mông và thanh vắng đó, tôi chợt nghe ra mơ hồ những thanh âm: Ào ào đổ lộc rung cây. Ở trong dường có hương bay ít nhiều. Đi giữa một nơi chốn mà nghe ra cây lá trong vườn xưa biết gieo rắc vào lòng người bao niềm xao xuyến. Cây lá còn biết tỏ tình như thế, huống là người. Vâng, và tôi cũng hòa điệu theo gió lá ấy lảy một câu Kiều: Tưởng người nên lại thấy người về đây !

Bút ký NGUYỄN NHÃ TIÊN

;
.
.
.
.
.