.

Vầng trăng cho em

.

Đây là mùa Trung thu thứ 4, các em nhỏ Đà Nẵng háo hức chờ xem những tiết mục ca kịch nói về chú Cuội, chị Hằng và thả tâm hồn bay bổng để mường tượng ra cảnh cung tiên qua sự dàn dựng khá chuyên nghiệp của đội ngũ làm kịch rối trẻ…

 Hình ảnh chú Cuội, chị Hằng do nhóm kịch rối của Công ty Viet Sky biểu diễn. 		   	          Ảnh: H.L
Hình ảnh chú Cuội, chị Hằng do nhóm kịch rối của Công ty Viet Sky biểu diễn. Ảnh: H.L

Món ăn tinh thần cho trẻ nhỏ

Mùa Tết Trung thu, trẻ em thường chờ đợi tiếng trống dập dồn vang lên trên từng con phố, rong ruổi qua những con đường, căng mắt tìm ông lân, ông địa giữa rừng người chen chúc. Có em còn không chịu ra đường chỉ để chờ đợi ông lân vào nhún nhảy giữa sân nhà, leo lên từng nấc thang để “ăn tiền”, còn mình thì được ông địa bụng bự phe phẩy chiếc quạt mo vào người. Xưa hơn một chút, Tết Trung thu còn được gọi là “Tết trông trăng”. Tết này, con nít được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân rồi bánh dẻo, bánh nướng. Chúng vừa đón trăng vừa múa hát, phá cỗ. Bây giờ, món ăn tinh thần trong mùa Trung thu không còn “thuần chất” như thế, ngoài sự phong phú trong dòng bánh Trung thu truyền thống, trẻ em còn chờ đợi ba mẹ chở đi xem kịch rối thiếu nhi để được giao lưu với chú Cuội, chị Hằng.

Để chuẩn bị những tiết mục kịch rối cho Tết Trung thu năm nay như Sự tích cây Đa chú Cuội, Chị Hằng trên cung Trăng, Vui hội trăng rằm và các bài hát Chiếc đèn ông sao, Đón rằm Trung thu, Rước đèn Trung thu…, các thành viên trong Đội Kịch rối thuộc Công ty Tổ chức Sự kiện & Nghệ thuật Viet Sky (viết tắt Công ty Viet Sky) đã lên lịch luyện tập từ 2 tháng trước. Trong vai chị Hằng, bạn Nguyễn Thị Cẩm Tú (1989) khá xinh xắn và có sức hút với trẻ con. Theo Cẩm Tú, điều quan trọng ở chị Hằng là trang phục đẹp mắt, ấn tượng, dịu dàng và thân thiện với các em thiếu nhi. Nếu chị Hằng “xa cách” quá thì vai diễn coi như hỏng. “Mình rất vui khi được hóa thân vào nhân vật Hằng Nga và sống trong những giây phút như truyện cổ tích”, Cẩm Tú chia sẻ.

Ra mắt trẻ em Đà Nẵng từ năm 2010, hình ảnh những con rối thú đã mang đến gia vị lạ trong món ăn tinh thần cho thiếu nhi. Chị Nguyễn Thị Quỳnh Anh (quận Sơn Trà) bộc bạch, bên cạnh sự vui tươi, dí dỏm mang lại tiếng cười là những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn chứa đựng nhiều bài học bổ ích dành cho lứa tuổi măng non như Ba chú heo con, Ăn khế trả vàng, Cô bé Lọ Lem, Lọ nước thần, Cô bé quàng khăn đỏ, Thỏ và Hổ, Cái lu thần… góp phần bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn trong sáng của trẻ. Đó chính là lý do chị Anh thường xuyên đưa con đi xem kịch rối mỗi khi có chương trình biểu diễn ở Nhà hát Trưng Vương hoặc địa chỉ nào chị biết.

Tâm hồn kịch rối

Sống và làm việc trong môi trường nghệ thuật dành cho thiếu nhi, nếu không có tâm hồn trẻ thơ cũng như tình yêu thương dành cho các bé thì rất khó hòa nhập và gắn bó. Vốn yêu thích trẻ con, bạn Huỳnh Thị Hài (1988) đến với kịch rối ngay khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Sau gần 4 năm gắn bó với dàn diễn viên nhí, Hài thi đậu vào khoa Giáo dục mầm non, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng để sống và làm việc giữa thế giới trẻ thơ. Đang tất bật chuẩn bị cho chương trình ca múa nhạc, tạp kỹ thiếu nhi Vầng trăng cho em 2013, diễn ra tại Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng các tối 14 và 15 tháng 9, Hài cho biết: “Dù đang đi học nhưng thời gian rảnh, mình vẫn tham gia tập luyện cùng đội. Sau này nếu có đi dạy, mình cũng sẽ truyền tình yêu kịch rối vào trái tim học trò”.

Cùng rước đèn ông sao trong tiếng trống múa lân. 						          Ảnh: H.L
Cùng rước đèn ông sao trong tiếng trống múa lân. Ảnh: H.L

Chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (1984), Giám đốc Công ty Viet Sky, cho biết ngoài đội hình diễn viên khoảng 20 người vừa lo khâu biểu diễn, bài trí sân khấu và hậu đài thì Viet Sky còn có thêm nhóm thiếu nhi gồm 12 bé hát, múa. Hiện nay, công ty vừa đào tạo năng khiếu biểu diễn, sân chơi cũng như giúp các bé làm quen với nghệ thuật sân khấu lớn. Tết Trung thu năm nay, ngoài chương trình sẽ biểu diễn tại Nhà hát Trưng Vương phục vụ trẻ em toàn thành phố, Viet Sky cũng là đơn vị phối hợp, lo phần nội dung biểu diễn cùng với Báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức chương trình Trung thu dành cho thiếu nhi kém may mắn tại Làng Hy vọng Đà Nẵng.

Để có những tiết mục hoành tráng và ý nghĩa dành cho trẻ em nhân Tết Trung thu, không thể không nhắc đến anh Trần Thanh Hoàng (1984), Phó Giám đốc Công ty Viet Sky, tác giả hầu hết các kịch bản kiêm biên tập và dàn dựng chương trình. Trước khi quyết định về Đà Nẵng vào năm 2010, Thanh Hoàng đã có nhiều năm tham gia biểu diễn tại Sân khấu kịch IDECAF (TP. Hồ Chí Minh). Anh đã dành thời gian nghiên cứu, học hỏi về lĩnh vực tổ chức biểu diễn, đặc biệt là sân khấu thiếu nhi với mục đích mang kịch rối thú về phục vụ khán giả nhí Đà Nẵng. Trần Thanh Hoàng bộc bạch: “Nếu ekip không có tình yêu nghệ thuật, yêu trẻ con thì rất khó bám trụ với nghề vì doanh thu không cao, đất diễn dành cho kịch rối thiếu nhi tại Đà Nẵng ít. Chưa kể, trong những ngày nắng nóng, khoác lên người bộ quần áo rối nặng cả chục ký, người nóng bức khó chịu nhưng vẫn phải nhún nhảy cho “tròn vai diễn” nên mỗi khi diễn xong, đầu tóc, quần áo diễn viên đều ướt đẫm mồ hôi”.

HUỲNH LÊ

;
.
.
.
.
.