.

Trở về trường cũ

.

Ai đã từng đi qua ngưỡng cửa nhà trường, khi xa rồi, bao giờ cũng thương nhớ về ngôi trường một thuở.  Khi trở về trường cũ của Trần Dzạ Lữ chung chiêng bao nỗi niềm về từng khung trời hoài niệm.

Trần Dzạ Lữ là khuôn mặt thơ quen thuộc trên các tạp chí ở miền Nam trước 1975. Sau 1975, phiêu bạt nhiều vùng, kiếm sống bằng đủ nghề. Vẫn làm thơ, vịn vào thơ để giữ mình, đi tới với đời. Xa quê, những ảnh hình của Huế thương, Huế nhớ cứ thường xuyên đi về trong nhiều sáng tác của nhà thơ. Huế trở thành dòng chảy trong tâm thức - thơ ca trên những nẻo đường phiêu dạt của thi sĩ. Ngôi trường thuở nào như cái bến, nơi ấy neo đậu những đường viền của quá khứ, như dấu lặng, âm thầm, khôn nguôi. Mỗi một hình ảnh của ngôi trường cũ là một khoảnh khắc đầy thương nhớ da diết, khôn nguôi của cuộc đời.

Tác giả cố ý, tạo cho mỗi khổ thơ bắt đầu bằng điệp ngữ: “Khi trở về”. Và, cứ thế, mỗi dòng thơ lung linh một vài kỷ niệm. Thuở ấy, trái tim non rung động với mối tình đầu, với cành phượng vĩ vào hè, với những ngẩn ngơ nuối tiếc. Người con gái năm xưa, giờ ở phương nào, bầu trời Huế vẫn xanh, xanh đến vô cùng, chỉ mình tôi trở về, chiều sao tím vậy.

Một khổ thơ mà có sự hòa điệu của sắc đỏ phượng vĩ, sắc xanh “trong mắt Huế-ca-dao” và sắc tím của màu kỉ niệm:

Khi trở về-ngẩn ngơ bên trường cũ
Phượng đỏ rưng rưng nỗi nhớ tình đầu
Trời vẫn xanh trong mắt Huế-ca-dao
Sao chiều tím trong tôi màu kỷ niệm?

Vẫn là em của ngày nào, của những sáng, những chiều qua Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp, tà áo lụa bay theo chiều tắt nắng, chiếc nón che nửa mặt, tôi - gã khờ - lớ ngớ bao nhiêu năm, làm thơ và hoài nhớ:

Khi trở về-Huế vẫn còn nắng lụa
Ai mơ ai theo mấy nhịp Trường Tiền?
Sao tôi đứng một mình tôi lớ ngớ
Mùa hạ buồn khi ngái ngút tình em…

Huế mãi ở trong tâm thức nhà thơ. Những hàng cây dọc đường Lê Lợi, xanh suốt bốn mùa. Đó là con đường của những ngôi trường và của những nhớ thương “ngái ngút tình em”. Ai đã từng ở Huế, rồi xa Huế, những con đường xanh của phố phường Huế sẽ lưu giữ mãi những kỷ niệm một thời, không bao giờ phai mờ. Trở về của thi sĩ, chốn cũ, bên hàng cây long não, xao xuyến soi bóng tuổi thơ vào dòng sông, cảm thấy mình như hụt hẫng. Sông vẫn chảy. Cây vẫn xanh. Người và mộng khác xưa:

Khi trở về-bên hàng cây long não
Tôi vin cành xao xuyến đến đăm đăm
Mộng ngày xưa ký thác với dòng sông
Nay soi bóng ấu thơ nào hụt hẫng?

Trở về trong cô đơn, những gì của hôm qua nay trở thành những khung trời thương nhớ cũ, đâu bạn bè, đâu người chia sẻ. Phượng vẫn nở thắm trên những ngả đường, bông phượng nào cháy đỏ, chia thương chia nhớ:

Khi trở về - Còn trong tôi hoài cảm
Bạn bè nay phiêu bạt bốn phương trời
Phượng vẫn nở sao lòng sầu vô hạn
Hỏi ai người chia thương nhớ cùng tôi?

Nhiều câu hỏi nhưng không có câu trả lời. Giữa hai bờ vực của thời gian: quá khứ và hiện tại, chút còn lại là  dư âm “hoài cảm” và “lòng sầu vô hạn”.

Bốn câu thơ cuối nghe xót xa, người đọc sẻ chia bao nỗi niềm với tác giả. Một cuộc trở về để rồi ra đi “biền biệt người ơi”. Chốn cũ cứ như một  lòng chão đựng những chân trời vời vợi tiếc nhớ. Ngôi trường vẫn còn đấy nhưng thầy xưa không còn: “Bóng thầy xưa như mây trắng qua đời”. Xiết bao tâm trạng như một dấu lặng, âm thầm mà xoáy vào trong tim, khiến người ra đi không khỏi bùi ngùi:

Khi trở về-biết là không còn nữa
Bóng thầy xưa như mây trắng qua đời
Ngôi trường cũ âm thầm như dấu lặng
Ngày mai rồi tôi biền biệt người ơi!

Bài thơ dung dị, chân thật, đẹp và buồn, như một nét Huế của bao người yêu Huế, xa Huế rồi càng nhớ Huế thiết tha.

HUỲNH VĂN HOA

;
.
.
.
.
.