.

Vị ngọt đầu đông

Hai tháng sau mùa khai giảng năm đó, chúng tôi được đưa về giảng dạy ở một nơi vừa đồng vừa núi với chỗ ở, cách đường xe chạy khoảng một buổi đi bộ. Chợ ở đây mười ngày mới có một phiên, mà lại vừa họp ngày hôm qua, nghĩa là còn tới tám ngày nữa mới thấy… mặt chợ. Vừa nghe đã thấy ớn, vì đồ ăn chúng tôi bới dỡ theo, chỉ đủ cho vài bữa. Đang sức trẻ, lại ăn uống thiếu thốn nên chúng tôi thèm đủ thứ. Thèm béo, thèm mặn, thèm được ăn no… Nhưng quái ác nhất là cái chuyện thèm ngọt. Cuộc sống ở nông thôn, ngày đó, còn nhiều khó khăn thiếu thốn nhưng lại rất thanh bình chứ không hỗn tạp xô bồ như bây giờ.

Rồi ngày nhóm chợ, nhiều mong đợi cũng đã tới. Chúng tôi vui lắm! Cả nhà tập thể giáo viên như cũng chộn rộn theo cả bọn. Theo những rủ rê, bàn bạc, tranh cãi… Lương bổng có là mấy và không khéo tính toán, có nước húp cháo giữa tháng như không. Rồi mọi sự cũng được giải quyết xong, cho tất cả được rời nhà và cứ chợ mà phăng phăng tiến bước. Đến nơi, việc đầu tiên của lũ chúng tôi là kiếm ngay hàng bánh đúc, bánh bèo gì đó “dằn bụng” cho êm trước đã, rồi mới đi dạo tìm mua mấy thứ thức ăn để dành, cầm cự cho tới phiên chợ sau. Bỗng cả bọn hít hít mũi. Hình như thoang thoảng đâu đây có mùi gì… ngòn ngọt. Mới đầu đông mà đã rất lạnh. Chắc do gần núi và vùng này ít nhà cửa, bốn bề trống rỗng nên gió tha hồ tấp lùa. Trong cái se lạnh gây gây như thế, cái mùi vị này lại càng rõ rệt càng hấp dẫn hơn rất nhiều. Sự kích thích tăng thêm, cái thèm cũng bộc phát dữ dội và ngay tức khắc hoàn toàn chiếm ngự cả bọn. Nước miếng đã muốn tứa và mắt đảo quanh, kiếm tìm. Chính hương thơm đậm đặc đang cuốn hút chúng tôi đã đưa lối dẫn đường cho cả bọn đi tới tận cuối chợ. Và ngạc nhiên chưa? Một soong chè được đặt trên bếp, có ủ lửa, bốc hơi ngào ngạt, hiện ra như trong mơ. Chúng tôi lật đật kéo đòn ngồi xuống và háo hức chờ đợi. Người bán nhanh nhảu múc rồi đưa cho từng đứa một, từng đứa. Cũng với thao tác như thế, ai nấy vội vã đón lấy phần của mình.

Tôi ấp cả chén chè nóng hổi trong hai tay và cái nóng, tức khắc, lan tỏa khắp người. Đưa lên mũi hít một hơi dài cho mùi của đường xênh vừa tới hòa trộn với mùi gừng. Chậm, lấy nửa giây thôi! Dù thèm dù ham, để, khứu giác nhận cho bằng hết mùi thơm, rồi hãy lấy muỗng khuấy, nhè nhẹ. Chén đầu thưởng thức, chén sau để nhận biết cho hết cái ngon, chén thứ ba mới thỏa được cái miệng thèm ngọt. Phải trọn vẹn ba chén, mới qua khỏi cơn thèm để mà… bình khẩu và có đủ sự tỉnh táo, để,  hỏi người bán về cái món mình vừa được ăn. Chè có tên là ỉ. Một cái tên và một loại chè, rất lạ đối với dân sống ở thành phố từ hồi nhỏ, như chúng tôi. Viên chè ỉ, nhìn giống những viên bi với những hột đậu phộng rang nằm giữa một lớp áo bột lọc (bột được chế biến từ củ mì). Đường phải là loại đường muỗng màu vàng đậm, nấu với nước cho tới rồi thả vào vài củ gừng tươi đã được giã nhuyễn. Múc ra chén nhớ bỏ một nhúm mè rang. Thứ chè này coi bộ đơn giản mà thật là ngon. Nhai hết lớp bột lọc deo dẻo, trúng ngay hột đậu phộng rang giòn thơm, húp thêm chút nước nóng hôi hổi mang vị ngọt chân chất, thoảng mùi hương của gừng, của mè, hỏi sao không thích thú?

Cũng thêm, không ít lần tôi được ăn lại món chè ỉ nhưng cảm giác ngon giảm đi nhiều. Và càng về sau càng sút hẳn và rồi mất biến. Có thể cái món chè mang đậm nét quê ấy, ít hợp với không khí thành phố? Hay bởi tiết trời? Hay bởi, tôi đã hết thèm ngọt?... Tất cả, như để mách bảo với tôi điều này: Những chén chè ỉ tôi và đám bạn từng háo hức thưởng thức đã thuộc về cái gọi là ngày xưa, thuộc về một góc chợ phiên đầu đông nơi vùng đất ấy. Thuộc về những tháng năm của tuổi tôi đôi mươi, đã đi qua…

MỸ NỮ

;
.
.
.
.
.