Tôi đứng chung với sếp trong một giải quần vợt nội dung đánh đôi. Thắng – sếp đánh tuyệt vời, cú thuận tay của sếp đã hay mà cú trái tay còn hay hơn nữa, sếp lên lưới như vận động viên chuyên nghiệp… Thua – người bạn chơi với sếp, là cái thằng tôi - chơi như mới tập, cú đánh thiếu chính xác, lại quá nhẹ…
Thế rồi tôi tháp tùng sếp làm việc với một công ty cung cấp máy và thiết bị nước ngoài. Đáng buồn là những thiết bị, những cỗ máy khá hiện đại không được bảo dưỡng đúng quy trình, vận hành tùy tiện… Đáp lại những câu chất vấn của viên kỹ sư nước ngoài, sếp bảo tại cấp dưới, tại đơn vị A tại đơn vị B…
Theo thông lệ, kết thúc ngày làm việc là tiệc chiêu đãi. Thức ăn ngon, toàn những đặc sản nổi tiếng. Thức uống không thể không phù hợp với thức ăn, nghĩa là chúng cũng là những nhãn hiệu nổi danh toàn cầu. Việt Nam từ ngày mở cửa nổi tiếng với những món ăn danh bất hư truyền, nhiều món lọt vào các cuộc bình chọn trên thế giới. Tất nhiên phần nhiều chúng được sáng tạo để phục vụ những người có tiền, ngoại trừ những món từ lâu gắn bó với quảng đại quần chúng nhân dân như phở, món cuốn…
Đồ ăn ngon và nhất là rượu ngon khiến người ta vui vẻ, phấn chấn, sẵn sàng vất bỏ những ưu tư phiền muộn để tận hưởng của ngon vật lạ. Ông kỹ sư người nước ngoài cũng là một tay tếu táo có hạng, chuyện tiếu lâm này nối tiếp chuyện tiếu lâm kia khiến không khí bàn tiệc vui như hội. Chỉ tay vào con cá hấp, ông kỹ sư tủm tỉm bào “Con cá ươn thì ươn từ đằng đầu, nhưng đánh vẩy thì đánh từ đằng đuôi”!
Vâng, sự thể là như thế đấy. Con cá ươn từ đằng đầu nhưng đánh vẩy thì đánh đằng đuôi!
PHƯƠNG VIÊN