.
TRUYỆN NGẮN

Ứng viên

.

Nếu anh gặp em từ đầu, có lẽ đã không ai qua bể dâu…(lời một bài ca)

Cô lật tới lật lui mấy bộ áo đầm, chẳng thấy cái nào vừa ý. Theo lời anh, con bé gầy gầy, nhưng cao hơn so với trẻ con cùng tuổi. Cô tự xét mình vốn chẳng mấy sành điệu trong lĩnh vực thời trang, làm đẹp, nữ công hay khéo tay gì cả, nên lựa hoài mà vẫn không thật sự hài lòng. Sang quầy kẹp tóc, nơ niếc, cô hoa cả mắt trước một rừng màu sắc rực rỡ, cùng vô vàn kiểu cọ mà thiên hạ có thể nghĩ ra.

Bó tay!

Đồ chơi cho một thằng nhóc mười ba tuổi ư? Khiếp, toàn những thứ xa lạ với cô, kẻ nào giờ vẫn tự hào rằng mình cũng còn xì-tin chán, vẫn còn hợp với “thời cuộc” vô cùng. Cô căng óc ra nhớ lại hồi mình còn bé, đã từng mê mẩn món đồ chơi gì, đã từng cảm giác ra sao. Cô thử hình dung mình ở vị trí thằng bé, và để cho trí tưởng tượng làm việc hết cỡ. Nhưng chịu, vẫn không sao đoán ra nó sẽ thích món gì trong vô số những robot, xe tăng, máy bay, tàu lửa, siêu nhân súng ống hầm bà lằng trong tiệm.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Cô nghĩ tới những món đồ quen thuộc của con gái mình, thấy như vậy thì thường quá. Cô muốn dành cho tụi nhỏ một cái gì đó thật đặc biệt, thật ấn tượng kìa. Chứ đồ dùng, đồ chơi hằng ngày chưa chắc chúng đã thiếu. Mà thực ra, liệu bọn nhóc con anh có thiếu thốn gì không, ngoài tình yêu thương của một người mẹ? Bất chợt, cô nghĩ đến con của mình đang ở nhà trẻ. Giờ này, chắc cô nhỏ đã bắt đầu ngóng ra cổng, chờ đợi mẹ xuất hiện đón về. Rồi thì cả buổi tối hai mẹ con quấn quýt đủ việc linh tinh với nhau. Bỗng dưng, cô muốn gọi cho anh, nhắc anh nhớ về sớm với con, tội tụi nhỏ. Song cô lại phân vân nghĩ: Mình đâu có là gì để lo chuyện bao đồng này nhỉ?!


Ngao ngán bước xuống bãi xe, cô tự hỏi sao mình lại vướng vô cái chuyện vô duyên mắc cười này nhỉ? Mình với anh có dự định gì đâu, chỉ là bỗng nhiên cô muốn mua gì đó cho mấy đứa con anh, sau một lần cả hai cao hứng trút bầu tâm sự, và anh bỗng dốc lòng ra với cô về hoàn cảnh riêng của mình. Phải nói là cô ngạc nhiên đến bất ngờ. Hóa ra, cái anh chàng đồng nghiệp bự con, hơi già trước tuổi, ăn nói ngồm ngoàm, tính tình bộc trực, tưởng đâu vô tâm vô tính đó cũng nhiều “tâm trạng” gớm.

Vợ chồng mâu thuẫn khắc khẩu, cuộc sống mỗi ngày mỗi nặng nề. Tính bỏ nhau mấy lần, từ lúc thằng Bin còn trong bụng mẹ. Rồi sinh con, cực nhọc, nheo nhóc, bận bịu, cau có. Họ tiếp tục cắn đắng nhau trong nỗi hậm hực của chị, trong sự bất mãn của anh. Bin bốn tuổi, tòa kêu hòa giải lần đầu. Cũng xuôi xuôi, vợ chồng im lặng dẹp bớt tự ái, nhưng hình như trong lòng cả hai chưa thực sự “tâm phục khẩu phục”. Toàn những chuyện con con, những cãi vã vụn vặt xoay quanh cơm áo gạo tiền, gia đình chồng, lũ em vợ, lương bổng công việc của anh, thói tham công tiếc việc của chị, tính khí bề bộn chậm chạp của anh, thái độ nhấm nhẳng bất hợp tác của chị…


Điên cả đầu. Nặng cả lòng. Chẳng ai muốn về nhà sau cả ngày mỏi mệt bên ngoài. Mà cuộc sống thì cứ như trêu ngươi, nó lựa toàn những lúc mình xuôi xị để bồi thêm những chuyện đâu đâu, làm anh và chị càng cảm thấy xa nhau hơn, chán nhau hơn, chịu đựng nhau hơn. Rồi nộp đơn ly hôn lần nữa, chưa kịp gì hết, chị lại vỡ kế hoạch. Chẳng rõ con bé Su là kết quả của cái gì, một lần dấm dớ với nhau, một cơn say của anh, hay một phút chịu đựng hiếm hoi của chị… chứ tình yêu thì có lẽ đã không còn tồn tại rồi. Vì con vừa đầy năm, chị cương quyết dứt áo ra đi. Lần này thì chị đi thiệt. Chẳng mang theo gì, mà thật ra họ cũng chẳng có gì nhiều để mà xâu xé. Căn nhà nhỏ đang ở là của ba mẹ anh, và thứ tài sản có thể nhìn thấy rõ nhất sau mấy năm chung sống là hai đứa con bơ vơ thất thểu. Chị làm anh bất ngờ khi cương quyết không nhận nuôi đứa con nào, với lý do mình không có công việc ổn định, không có nhà cửa, không có thu nhập như anh… Nhưng sâu xa hơn, anh hiểu, đó chỉ là cái cớ để chị rảnh rang đi tiếp con đường mới của mình.

Cũng nhanh chóng đến sững sờ, chị tái hôn, với một anh chàng Việt kiều hơi cứng tuổi, nhưng chưa đủ để gọi là già. Rồi, một sớm một chiều, chị đi mất dạng khỏi đời ba cha con anh. Cảnh gà trống một nách hai con, mà đứa nhỏ vẫn còn đang lẫm chẫm tập đi làm anh gầy sọp, đầu tắt mặt tối, cáu bẳn, cay đắng hận đời. Cũng may, bà ngoại sắp nhỏ thương tình, đỡ đần anh chăm lo cho con bé nhỏ. Có lẽ bà ái ngại cho thằng cựu con rể, hay bà muốn bù đắp giùm bổn phận của con gái mình, anh cũng không rõ. Anh chỉ chăm chăm đi làm kiếm tiền, sao có thể xoay xở như chong chóng giữa tiền sữa, tiền tã, tiền gửi thằng Bin, tiền bác sĩ, tiền điện tiền nước, tiền xăng tiền chợ… Căn nhà nhỏ, anh ngăn lại, cho thuê bớt, chấp nhận cảnh chung đụng với khách trọ để có thêm đồng ra đồng vào. Đôi lúc, anh có cảm giác mình giống như một bà cô già ế chồng, khó tính ky bo xét nét chi li vậy.

Cũng may, trong cái rủi chưa đến nỗi có cái xui, hai đứa con anh mỗi ngày mỗi lớn, ít đau bệnh lặt vặt, nên anh cũng có thể yên tâm mà cày cật lực như trâu vậy. Rồi cũng tạm ổn. Duy chỉ có bé Su xa mẹ từ nhỏ, giờ chẳng có khái niệm mẹ con gì cả. Nó ở với ngoại, còng queo gầy gò. Vài bữa qua thăm con một lần, anh xót lòng mà chẳng thể làm gì hơn, ngoại nó cũng đã cố hết sức rồi. Anh muốn dắt con về ở chung, nhưng nhà không có đàn bà, bề bộn, rối tung rối mù. Anh cũng ít có thời gian dành cho Bin, nó tự ăn, tự học, đi về thất thường bởi khi thì anh ghé đón, lúc lại tự đi xe ôm về sau khi đã chờ đợi mỏi mòn thất vọng ở cổng trường.

Rồi cũng đến lúc anh nghĩ tới việc kiếm cho hai đứa con một người mẹ. Hỏi thằng con trai, con có muốn ba lấy vợ không? Im lặng. Anh cứ ngỡ đó là đồng ý. Cho đến khi cô phân tích cho anh hiểu, thà thằng Bin nó nói thẳng ra tiếng “không”, sẽ còn đơn giản hơn. Có nghĩa là nó còn thực sự thể hiện rõ sự yêu ghét của mình. Như một đứa trẻ con, đơn giản và thật lòng. Còn im lặng… Anh phải cân nhắc kỹ đấy, bước sai một bước, là anh chẳng còn có cơ hội sửa chữa gì nữa đâu. Già rồi. Nghe cô nói đến đoạn này, anh bất giác đưa tay sờ lên mặt, cảm thấy hình như mình cũng có hơi bị nhiều nếp nhăn rồi thì phải.

Quán sân vườn sang trọng. Hai đứa con anh được ăn mặc tinh tươm, sạch sẽ. Chúng không mấy lạ lẫm khi được ba dặn dò, hôm nay có cô Hoa đến ăn cơm chung với cha con mình. Bởi đó không phải là lần đầu tiên Bin và Su gặp gỡ “bạn” của ba. Lần trước, là cô Xuân nào đó, mặc đầm ngắn hơn cả bé Su, cả buổi hầu như quên mất sự có mặt của hai đứa nhỏ. Cô Xuân cứ ríu rít chuyện trò với ba, dường như cô chỉ dành cho chúng cái liếc mắt duy nhất khi vừa bước vào, được anh giới thiệu. Dù anh đã cố đề cập đến con cái nhiều lần, nhưng cô vẫn thờ ơ. Trước nữa, là một cô gì tre trẻ tóc xoăn, bọn nhóc đã quên tên luôn rồi. Nhưng anh thì vẫn nhớ rõ thái độ lạnh nhạt của nàng sau lần gặp gỡ đó. Nàng đã thất vọng nghỉ chơi với anh khi nhìn ra tương lai phải làm dì ghẻ của hai đứa nhỏ khó gần. Giờ là Hoa, cô bị vẻ bề ngoài phong trần của anh quyến rũ, nên cương quyết đòi anh thu xếp đi ăn cơm gặp gỡ mấy đứa nhỏ. Anh xa gần để Hoa hiểu, mình chẳng phải là lãng tử Yến Thanh trong phim đâu, chỉ là một anh gà trống nuôi con nên có vẻ bụi bặm thế thôi. Hoa cười tươi như… hoa, bảo em hiểu, em hiểu mà, anh phải cho em cơ hội, cho chính mình cơ hội chứ, phải không nào?

Hoa đến, vui vẻ ngọt ngào. Cô đường hoàng gọi món, chẳng biết đùa hay thật, bảo mình phải làm một bữa hoành tráng phải không Bin? Rồi ân cần hỏi Bin muốn dùng gì, hỏi Su có muốn ngồi ghế trẻ em không, cô nhắc phục vụ mang ra. Hai đứa nhỏ cũng dạ thưa đàng hoàng, nhưng thái độ có phần e dè gượng gạo. Anh cũng không hiểu do đâu. Bàn ê hề thức ăn, toàn những thứ cao cấp. Anh nhìn mà tiêng tiếc trong lòng, hình dung cảnh hai bà cháu bé Su thường ăn sáng bằng gói xôi trước ngõ mà thoáng chạnh lòng. Dường như Hoa cố tình không hiểu, khi trước đó anh đã mấy lần thực lòng thổ lộ, kinh tế của mình cũng không mấy dư dả. Hay Hoa muốn thử thách anh bằng bữa ăn tốn kém này nhỉ? Nhìn Hoa lăng xăng gắp gắp, đút đút cho hai đứa nhỏ, anh bất giác cảm thấy cô có vẻ giả tạo sao đó, khó có thể giải thích rõ ràng được…

Khuya về, nhận được tin nhắn cô hỏi thăm tình hình thắng bại. Ngao ngán, anh trút lòng mình về nỗi phụ nữ bây giờ sao mà thực dụng quá, vô tâm quá, ích kỷ quá. Khi miệng anh tuôn ra những tính từ ít thiện cảm đó, tâm tưởng anh hiện ra người vợ cũ, hiện ra những cô gái anh từng lựa chọn sau này. Anh thấy mình như cùng đường, chẳng còn hứng thú hay tha thiết gì nữa cả. Cô an ủi anh với giọng nhẹ nhàng như không: Rồi sẽ gặp người hiểu và thương mấy cha con anh thôi, đừng quá cầu toàn anh à. Anh hơi bất ngờ, đập lại: “Thì anh cũng có trèo cao kén chọn gì đâu?”. Tiếng cười của cô vang lên trong điện thoại, thì anh cũng chọn mấy em còn jin, sáng sủa trẻ trung, nên phải yêu chiều người ta một chút là đương nhiên. Chứ nếu chọn mấy bà một lửa lỡ thì như em, lại khác à. Cả hai cười ngặt nghẽo, thật thật giả giả lẫn lộn.

Không dưng anh thấy lòng nhẹ nhõm hẳn, ừ, có gì quan trọng đâu mà phải tuyệt vọng. Thật yên tâm và dễ chịu khi chia sẻ với cô những băn khoăn của ông bố hai con đang đi tìm một người mẹ cho con mình. Anh không sợ cô chê cười, cũng chẳng ngại ngùng. Anh biết cô cũng có một đứa con gái tuổi cỡ bé Su, chẳng rõ cha nó là ai. Cô không đề cập. Nó như vết thương đã gần kín miệng, sắp lành lại rồi. Nhưng chắc chắn cũng vẫn còn cảm giác đau nhức nếu cố tình lấy cái que chọt vào. Anh cũng nhớ ra con gái cô bụ bẫm xinh đẹp, biết cô từng từ chối những cuộc vui, những chuyến đi tham quan nghỉ mát trong công ty vì không thể dẫn con theo cùng. Anh chợt nhớ lần dắt lũ nhỏ đi bơi, tình cờ gặp hai mẹ con cô. Anh dễ dàng chiếm được tình cảm của con bé khi gồng mình thổi giùm nó cái phao bị xẹp. Nó vừa nhảy tưng tưng vừa khen anh giỏi quá. Anh nhìn con bé được mẹ chăm chút, liếc sang bé Su gầy còm mà thương con thắt lòng.

Bữa đó, cô và thằng Bin thi uống nước ngọt, ho sặc sụa và thở ra đằng mũi toàn hơi xá xị. Cô cũng giúp anh “đả thông tư tưởng” của Bin thì phải. Nó dường như hợp tác hơn trong vấn đề vợ con của anh. Nó hiểu ra, có thêm mẹ chưa chắc đã là điều không tốt, nhất là khi Bin ngày một lớn hơn, biết thương bé Su nhếch nhác mà chẳng biết làm gì hơn cho em. Nhưng khi anh hỏi, con có thích cô Xuân, cô Hoa, cô Mận, cô Đào gì đó không, nó thẳng thừng một tiếng “không” cụt lủn. Vậy cũng tốt, dù anh chưa biết tính tiếp ra sao, chẳng lẽ lại thừa nhận, trẻ con vậy mà nhiều khi còn tinh ý hơn cả mình?

Dông dài một hồi, anh nhớ ra cuối tuần này sẽ làm mâm cơm giỗ mẹ. Anh nhờ cô tư vấn giùm, sao cho gọn gàng tiết kiệm. Suy nghĩ vài giây, cô quả quyết “Để bữa đó em qua phụ anh”. Anh kêu to, Chúa ơi, chết con rồi, có biết làm không đó, hay là hai mẹ con mấy người quậy tanh bành cái ổ bé nhỏ của ba cha con tui?!

Hóa ra, mọi thứ đơn giản hơn anh nghĩ rất nhiều. Anh đi chợ theo menu cô bày, về đã thấy cô chở con đến rồi. Hoa trái, mâm cơm đơn giản nhưng cũng tươm tất đầy đủ. Lâu lắm cha con anh mới có cảm giác như “ngày xưa”, cả nhà ăn cơm chung với nhau, rộn ràng. Sẵn dịp, cô góp ý anh về vài thứ sắp xếp trong nhà, trong tiếng phụ họa của thằng Bin “đó, ba thấy chưa, con nói hoài mà ba hổng chịu nghe”. Hai đứa con gái no nê giành nhau mấy món đồ chơi sứt càng gãy gọng, om sòm. Thằng Bin nhà anh ký đầu cả hai, và cô, hét lên như cái còi “Sao Bin lại ký đầu em, phải lấy roi đánh cho mỗi đứa vài nhát cho chừa cái tội ba gai ngang ngược đi chứ?!” Bin ngó cô, cười sung sướng đồng lõa trước vẻ tấm tức của hai con nhóc. Anh nhìn nét mặt nó, lại hướng về phía cô, vừa ngạc nhiên, vừa chưng hửng nhận ra lâu nay mình đã bỏ quên một ứng cử viên quan trọng vô cùng.

HOÀNG MY

;
.
.
.
.
.