.

Bộ sưu tập nghệ thuật của Victor Hugo

.

Nhân kỷ niệm 210 ngày sinh của đại văn hào Victor Hugo (1802-1885), vào ngày 4-4 tới đây, công ty dịch vụ thương mại nghệ thuật Chritie’s giới thiệu và bán đấu giá những tác phẩm nghệ thuật trong bộ sưu tập của Victor Hugo.

Adèle Foucher, vợ của Victor Hugo.Tranh sơn dầu của Louis Boulanger.
Adèle Foucher, vợ của Victor Hugo.Tranh sơn dầu của Louis Boulanger.

Đó là bộ sưu tập quý hiếm gồm 500 tập sách đã in, nhiều bản thảo, tiết đoạn của tiểu thuyết, phơi mở đời tư con người từ trí thức đến cuộc sống chính trị của Victor Hugo; hàng trăm tác phẩm hội họa, tranh khắc, nhiếp ảnh, đồ đạc và những vật dụng cá nhân khác liên quan đến cuộc đời của Victor Hugo, nhà tiểu thuyết, viết kịch và là thi sĩ lớn của Pháp, tác giả 2 cuốn tiểu thuyết lừng danh thế giới Những người khốn khổ (Les Misérables) và Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris).

Đặc biệt, trong cuộc bán đấu giá còn trưng bày những bức thư ký tên “Hugo”, được viết vào những năm 1820, gửi cho những bạn bè thân nhất như Adèle Foucher. Trong một bức “Letter to the fiancée”, thư gửi người vợ chưa cưới, Hugo đã bộc lộ tình yêu thương đối với người vợ tương lai, ông viết “Em yêu quý, rất yêu quý, tôi sẽ nói lại với em một ngàn lần rằng tôi rất yêu em, tha thiết yêu em, nếu em cũng yêu tôi, chỉ ít thôi, em cũng sẽ tìm thấy niềm  thú vị bởi vì tôi sẽ luôn luôn sung sướng khi lặp lại hoài với em như thế”. Bên cạnh những bức thư tình còn có những bức thư gửi Pierre Foucher, người cha vợ tương lai sau khi đính hôn với Adèle Foucher. Những bức thư khác của Hugo gửi cho con trai và con gái François-Victor và Adèle. Mỗi bức thư có giá bán ước tính từ 2 đến 3.000 euro. Bộ sưu tập lập nên sự minh chứng về những cuộc sống của Victor Hugo và con cháu như Charles, Georges, và Jean, hậu duệ của ông. Giá bán dự tính lên đến 1 triệu euro, dịch vụ này sẽ đưa công chúng đi vào cái nhìn bên trong 4 thế hệ của gia tộc lừng danh này.

Victor Hugo
Victor Hugo

Trong nghệ thuật hội họa, quy trình thực hiện tại xưởng vẽ, tùy thuộc vào những ý tưởng và hình ảnh đã được khơi mở ban đầu và phát triển từ nội tâm. Những yếu tố này là công cụ chủ chốt  cho sự cân nhắc khi tạo bố cục trên tranh đối với những họa sĩ thuộc trường phái lãng mạn khi diễn tả những sự vật không có thực. Dựa vào những nghiên cứu và tham khảo sâu hơn, Hugo thể hiện tác phẩm nghệ thuật bằng  kỹ thuật kết hợp với cảm xúc nội tâm cùng sự trải nghiệm từ cuộc sống. Và ít nhiều, tranh của Hugo, dù vô tình hay cố ý, đã hiển nhiên có dấu vết của trường phái lãng mạn như các họa sĩ nổi tiếng Cozens, Corot, Constable, Turner…

Người cháu Charles Hugo thì kể về thói quen  làm việc của họa sĩ Victor Hugo rằng “Khi một tờ giấy, bút và mực xạ  được mang đến bàn, Victor Hugo ngồi xuống và không cần đến sự chuẩn bị nét vẽ phác ban đầu, không cần đến bất kỳ ý niệm nào có sẵn từ trước, ông bắt đầu bức vẽ bằng đôi tay chắc chắn, lạ thường. Không vẽ hẳn toàn cảnh một phong cảnh mà bằng các chi tiết quen thuộc. Khi vẽ một cánh rừng, ông bắt đầu vẽ chi tiết  một cành cây, vẽ một khu phố thì khởi đi bằng các đầu hồi căn nhà, bắt đầu vẽ cối xay gió thì chọn các chi tiết trên chóp, và từng bước một, bố cục toàn bộ bức tranh hiện dần lên trên nền giấy trống một cách rõ rệt, chính xác từng chi tiết trước khi sử dụng các vật liệu hóa chất khác, thường có trong thuốc màu vẽ, để thực hiện cho đến khi hoàn tất bức tranh. Thường thì vào những lúc đó, Hugo xin một cái cốc và chấm dứt bức tranh phong cảnh của mình bằng cách uống một hơi cốc cà-phê có màu đen sánh”.  

Phong cảnh . Tranh của Victor Hugo
Phong cảnh . Tranh của Victor Hugo

Một họa sĩ nổi tiếng thuộc trường phái lãng mạn Delacroix đã viết về Hugo rằng, có phải ông ta đã có lần quyết định trở thành một họa sĩ thay vì là nhà văn, nếu như thế ông ta sẽ sáng chói hơn những họa sĩ cùng thế kỷ. Nhiều  bức tranh của Hugo vẫn tiếp tục tồn tại. Từ những bức tranh đó có người nhận ra một tài năng thiết kế rõ nét của sức sáng tạo mạnh mẽ. Ngày nay, tác phẩm hội họa của Hugo vẫn có sức mạnh làm ngạc nhiên chúng ta bằng kỹ năng điêu luyện, bố cục vững chãi, táo bạo và kích thích chúng ta bằng ánh sáng và bóng tối những thứ có vẻ như đạt được bằng cấu trúc thi ca, một “chất thơ trữ tình” trong nét quyến rũ của sự hưng phấn từ tâm hồn tha thiết với cuộc sống.

HOÀNG ĐẶNG

;
.
.
.
.
.