.

“Bà chúa thơ Nôm” đất Quảng

.

Nếu Phạm Thị Lam Anh được các nhà nghiên cứu cho là người mở đầu không những cho thơ ca nữ mà còn cho cả thơ ca Quảng Nam thì Bà Bang Nhãn, nhũ danh Lê Thị Liễu mới đích thực là “Bà chúa thơ Nôm” của đất Quảng.
 

Chùa nức hơi hương khói lộn mây. (Ảnh:V.T.L)
Chùa nức hơi hương khói lộn mây. (Ảnh:V.T.L)

Bang Nhãn là cách gọi theo tên chồng và tên con (Ngày trước ở một số tỉnh miền Trung thường lấy tên con trưởng để gọi cha mẹ). Bà tên thật là Lê Thị Liễu, sinh năm 1853 tại làng Phụng Trì, huyện Đại Lộc (nay là xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) trong một gia đình Nho học nền nếp. Lúc bà lên 5, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công Đà Nẵng mở đầu cuộc xâm lăng nước ta. Từ đó cho đến suốt cuộc đời bà phải sống trong thân phận của một người nô lệ. Có lẽ nỗi lòng của một người mất nước đã trở thành niềm u hoài trong thơ của nữ sĩ.

Năm 18 tuổi, bà lấy ông Phan Quỳ, một người nổi tiếng hay chữ trong vùng thời đó. Ông người làng Gia Cốc, cùng huyện với bà (nay thuộc xã Đại Minh, huyện Đại Lộc), làm chức Bang tá Tòa sứ, có con đầu tên là Phan Nhãn nên người ta thường gọi ông là Bang Nhãn.

Bà Bang Nhãn từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, được hưởng một nền giáo dục gia đình nền nếp, lại nổi tiếng là người có tài nội trợ nhưng khi ông Bang Nhãn còn sống ít ai biết tài thơ văn của bà. Là vợ một Bang tá, có tài nội trợ lại mê thơ Đường, truyện Kiều và hát bội nên bà giao du khá rộng rãi, nhất là với những người Ấm sinh, Tú tài, Cử nhân trong vùng.

Năm 1887, ông Phan Quỳ qua đời khi bà mới ở độ tuổi 34.

Là phụ nữ trẻ đẹp, tài năng lại góa chồng sớm nên bà được nhiều người trong vùng để ý, có những lời trêu ghẹo nhưng bà là người rất đoan chính, thủ tiết thờ chồng và từ chối khéo bằng những vần thơ Nôm tuyệt vời, từ đó người ta mới biết tài thơ văn của bà. Và cũng chính vì việc này mà nhiều người đã thêu dệt những câu chuyện ly kỳ về bà. Có nhiều người cho rằng hồn của chồng đã nhập vào giúp bà làm thơ, chứ bản thân bà không thể làm được những vần thơ hay đến thế.

Cũng vì chuyện này mà có một số người còn mỉa mai bà bằng những lời cay độc. Nhà nghiên cứu Trần Thanh Lục có kể hai giai thoại lý thú về tài làm thơ ứng đối của bà. Chuyện kể, Hồ Thiều một người Huế đỗ Cử nhân đến làm Tri huyện Đại Lộc có làm thơ, câu đối để chê bà với mấy câu: “Mâm thau nhịp, mâm nan cũng nhịp/ Phượng hoàng đua, bìm bịp cũng đua”; “Trau tria lông cánh theo ngàn nhẫn/ Chung chạ thanh âm đủ bốn nghề”.

Bà đã trả lời bằng một bài thơ Nôm cực kỳ sắc sảo: “Đua nhịp ai răng cũng rứa thê/ Mâm nan bìm bịp ngụy chưa tề/ Chuốt trau lông cánh lên ngàn nhẫn/ Chung chạ thanh âm đủ tám nghề/ Sen lúc rã bèn xơ xác cũng/ Bèo khi gặp nước dửng dưng chê/ Leo thang chớ vội cười chê cóc/ Cung nguyệt cao xa cũng hẹn về” .

Nghe xong bài thơ này Tri huyện Hồ Thiều không còn dám ho he.

Một lần khác Chánh tổng Đức Hòa nhà giàu nhưng chữ nghĩa không bao nhiêu cũng bày đặt làm thơ xướng họa để tán tỉnh bà, bà đã ứng khẩu bốn câu thơ nổi tiếng để trả lời: Chánh tổng Đức Hòa, cắc cớ thôi/     Văn chương chữ nghĩa hỏi gì tôi/ Năm vần tiện thiếp ra tay họa/ Sợ nỗi anh hùng mút bút ngồi.

Từ đó về sau, Chánh tổng Đức Hòa không còn dám xướng họa gì với bà nữa!

Bà Bang Nhãn làm nhiều thơ nhưng có hai bài nổi tiếng được người đời truyền tụng đều viết về cảnh sắc Đà Nẵng thời nhượng địa, xin chép lại để cùng chia sẻ tấm lòng u uẩn của một nữ sĩ tài ba của quê hương:

Bài thứ 1: Qua cửa Hàn. Rầm rầm ngựa chạy lại xe qua/ Nhượng địa là đây có phải a?/ Liếc mắt nhìn xem phong cảnh lạ/ Ôm lòng chạnh tưởng nước non ta/ Nào tay hồ thỉ đi đâu vắng/ Nỡ để giang sơn cực lắm mà!/ Nghĩ đến người xưa thương đất cũ/ Căm gan riêng giận bấy trời già.

Bài thứ 2: Vịnh Ngũ Hành Sơn. Cảnh trí nào hơn cảnh trí này/ Bồng lai tiên cảnh hẳn là đây/ Núi chen sắc đá pha màu gấm/ Chùa nức hơi hương khói lộn mây/ Ngư phủ gác cần ngơi mặt nước/ Tiều phu chống búa tựa lưng cây/ Nhìn xem phong cảnh ưa lòng khách/ Vút mắt Trường Sơn ác xế tây.

Bà Bang Nhãn mất năm 1927 ở quê nhà. Hiện nay tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, có một con đường mang tên người nữ sĩ tài hoa này. Tên bà cũng được nhân dân Đại Lộc trân trọng khắc trên bia truyền thống ở Đền tưởng niệm Trường An của huyện.

LÊ TRÍ

;
.
.
.
.
.