.
Hồ sơ tên đường

Hồ Xuân Hương, Bà chúa thơ Nôm

.

Để lại nhiều bài thơ độc đáo với phong cách vừa thanh vừa tục, Hồ Xuân Hương là một trong những nhà thơ tiêu biểu của văn học Việt Nam, được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm.
 

Ở Đà Nẵng, Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương được đặt tên cho con đường dài 950m, rộng 21m (ảnh), từ giao lộ Ngũ Hành Sơn - Lê Văn Hiến đến đường Trường Sa, theo Nghị quyết của HĐND thành phố khóa V, ngày 10-7-1995 về đặt và đổi tên một số đường của Đà Nẵng.
Ở Đà Nẵng, Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương được đặt tên cho con đường dài 950m, rộng 21m (ảnh), từ giao lộ Ngũ Hành Sơn - Lê Văn Hiến đến đường Trường Sa.

Tháng 8-1998, cô Mariko Yamagata- Tiến sĩ khảo cổ học người Nhật, cùng với đoàn chuyên gia người Việt tiến hành khảo cổ di chỉ Chămpa ở Trà Kiệu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Hôm nọ, người phụ trách đóng cọc (giăng dây để giới hạn vùng đào thám sát) tên là Hiệp nghỉ ốm, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin Duy Xuyên Dương Đức Quý nói với cô: “Hôm nay Hiệp đi vắng, thiếu người đóng cọc… (cô gật đầu: Vâng, vâng). Anh Quý đóng cọc... cho Mariko nhé?”. Nghe đến đây, cô giẫy nẫy lên, lần này bằng tiếng Anh: No, no… Cả đoàn ôm bụng vỡ ra cười. Hỏi ra, mới biết trước đó, cô gái trẻ nhất trong đoàn đã giảng giải cặn kẽ cho cô bài thơ Đánh đu của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, cả nghĩa thanh lẫn nghĩa tục.

Mariko, lúc đó, chỉ mới học tiếng Việt được ba tháng, thế nhưng phong cách thơ độc đáo của nữ sĩ họ Hồ đã phá vỡ lằn ranh ngôn ngữ và cuốn hút cô bằng cảm thụ văn học đích thực.

Hồ Xuân Hương thuộc dòng dõi họ Hồ ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, một dòng họ lớn có nhiều người đỗ đạt và làm quan nhưng đến đời Hồ Phi Diễn, thân sinh của bà, thì dòng họ này đã suy tàn. Năm sinh, năm mất, thân thế, cuộc đời, và thơ văn của bà đến nay vẫn còn nhiều nghi vấn. Chỉ biết bà sống vào cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, cùng thời với Nguyễn Du (1765-1820), Phạm Đình Hổ (tức Chiêu Hổ, 1768-1839).

Bà là một phụ nữ thông minh, tài hoa, có cá tính mạnh mẽ, ham thích giao lưu bạn bè, song đường tình duyên gặp nhiều éo le, ngang trái: hai lần lấy chồng thì cả hai đều phải làm lẽ và chịu cảnh góa bụa.

Tác phẩm nổi bật nhất của bà là tập thơ Nôm Xuân Hương Thi Tập (trong đó có đôi bài đáng nghi vấn). Ngoài ra bà còn để lại tập thơ chữ Hán tựa đề Lưu Hương Ký. Thơ bà tuy có ý lẳng lơ, mai mỉa, tinh nghịch, táo bạo, nhưng chứa chan tình cảm lãng mạn, là tiếng sấm giữa bầu trời chế độ phong kiến đang thời kỳ mục ruỗng, là tiếng nói bênh vực mọi tầng lớp phụ nữ cùng khổ.

Cách tả cảnh, tả tình, cách dùng từ... trong thơ Nôm của bà có một không hai, vô cùng sống động và đặc sắc. Sáng tác của bà đóng góp đáng kể vào kho tàng văn học dân tộc. Đã có hàng chục quyển sách, hàng trăm bài viết phân tích đánh giá về cuộc đời và tác phẩm của bà. Nhà thơ Xuân Diệu gọi bà là “kỳ nữ” và đánh giá thơ bà là “tót vời của nguồn thơ nôm na bình dân”.

Quanh cuộc đời bà có nhiều giai thoại, trong đó có một câu chuyện được lưu truyền rộng rãi trong dân gian và tồn tại đến ngày nay. Đó là việc bà đã từng cải trang làm trai để được dự thi, “qua mặt” quy định khắt khe cấm phụ nữ đi thi của chế độ phong kiến. Tuy nhiên, việc không thành, bà đành cam phận trở về với các áng thơ Nôm mang đậm tính đả kích của  mình.

Quay lại với bài thơ Đánh đu. Đây là một trong những bài thơ nổi tiếng của nữ sĩ, nói về cảnh chơi đu ngày xuân của trai thanh gái lịch ngày đó với những câu rất ấn tượng như Trai đu gối hạc khom khom cật/ Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng. Hai câu kết, bà chua chát nói về thói vô tâm rất đáng trách của nam giới đồng thời cũng ỡm ờ một nghĩa khác khi bảo tàn cuộc thì cột đu sẽ bị nhổ đi hết, chỉ còn trơ lại các lỗ cọc: Chơi xuân đã biết xuân chăng tá? Cột nhổ đi rồi lỗ bỏ không.

Chính cái kết này đã làm cho cô Tiến sĩ người Nhật phải lắc đầu nguầy nguậy!

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.