.

Trẻ em là nạn nhân của khủng hoảng chính trị ở Yemen

.

Ở Yemen, có tới gần một nửa dân số ở tuổi dưới 18. Cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài đã làm trẻ em phải trả giá đắt nhất.

Trẻ em nheo nhóc trong một hang động.
Trẻ em nheo nhóc trong một hang động.

Nazha Mohammed tái nhạt và im lìm trong vòng tay mẹ. Bé gái hai tháng tuổi này là một trong số những trẻ nhỏ được lưu trú tại trường học được trưng dụng làm trại tập trung cho hàng trăm người Yemen tránh cuộc xung đột chính trị ác liệt đang diễn ra.

“Chẳng có sữa cho bé”, người cha Mohammed Yahya nói cộc lốc vì buồn phiền. LHQ cũng như các tổ chức cứu trợ cho biết Yemen có nguy cơ đứng trước bờ vực của cuộc khủng hoảng nhân đạo mà trẻ em là thành phần chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Giám đốc UNICEF tại Yemen, Geert Cappelaere cho biết tỷ lệ suy dinh dưỡng tăng nhanh, trẻ em mắc bệnh và nguy cơ tử vong đang có mức cao.

Trong thế giới Ả Rập, Yemen là nước nghèo nhất và kém phát triển nhất. Họ lại phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lâu dài nhất từ những cuộc xung đột dân sự ở miền Bắc cho tới phong trào ly khai ở miền Nam. Tình hình bất ổn đã ngăn cản các tổ chức cứu trợ tiếp cận nên cuộc sống của người dân Yemen càng ngày càng lao dốc thê thảm.

Tình trạng bất ổn kéo dài trong suốt năm 2011 đã làm cho nhiều dịch vụ  nước, điện, nhiên liệu tê liệt; từ bệnh viện cho tới thu gom rác cũng bị đình trệ; giá cả lương thực tăng cao chót vót. Theo đánh giá của Cappelaere, tình trạng hiện nay giống như 10 năm trước. Các tổ chức nhân đạo giống như lính cứu hỏa mà không biết liệu có dập tắt hoàn toàn đám cháy hay ngày mai bùng phát trở lại.

Trẻ em trở thành nạn nhân nặng nề nhất ở Yemen. Với các bé gái, nhất là ở vùng nông thôn càng nặng nề hơn. Các bé gái không chỉ không được đi học mà còn đứng trước nguy cơ bị cha mẹ... gả chồng sớm để giảm gánh nặng kinh tế. Bạo loạn và đói nghèo cũng đã làm cho nhiều trẻ em bị chấn thương tâm lý. Nhiều trẻ em thường xuyên có cảm giác sợ hãi khi thấy máy bay. Phần khác lại thường xuyên gặp ác mộng về chiến tranh và sự đói khát...

Trong nhiều trại tập trung, các bậc phụ huynh cho biết con cái họ không thể ăn ngủ bình thường vì phải liên tục chịu cảnh thiếu ăn. Với những ai chẳng may bị bệnh tật thì khả năng được cứu sống rất thấp. Hệ thống y tế trong nước gần như mất khả năng hoạt động, trong khi các tổ chức nhân đạo không thể tiếp cận được người dân nghèo.

Tịnh Bảo
 

;
.
.
.
.
.