.

Nhà văn Chinh Ba: Cảm nhận về thân phận con người

.

 

Sáng 29-11, tại Trung tâm Văn hóa Đà Nẵng (1A Phan Đăng Lưu, Đà Nẵng), nhà văn Chinh Ba tổ chức ra mắt Tập truyện ngắn Bài thơ trên xương cụt (NXB Trẻ ấn hành năm 2011).
 
Mô tả ảnh.
Hầu hết những truyện ngắn trong tập truyện này đều viết và đăng trên các báo Sài Gòn vào những năm 60. Riêng truyện Bài thơ trên xương cụt được tác giả viết trong nhà lao Chí Hòa rồi bí mật chuyển ra ngoài và được nhà thơ Hoài Khanh chọn đăng lần đầu trên Tập san Giữ thơm quê mẹ số 4, tháng 6-1965.

Chinh Ba tên thật là Phan Tân Nhựt, sanh quán làng Bảo An, Điện Bàn, Quảng Nam. Ông cùng dòng họ và chi phái với Phan Khôi. Chinh Ba vào Sài Gòn sinh sống từ những năm 50 của thế kỷ trước. Bài viết đầu tiên của ông đăng trên tạp chí Bách Khoa số tháng 1-1957 và sau đó rải rác trên các tạp chí văn nghệ Sài Gòn.

Đến nay, Chinh Ba chỉ viết khoảng 50 truyện ngắn, phần do dở dang vì thời cuộc, phần do những ngang trái của đời riêng. Tuy nhiên, điều đó không thể phủ nhận, những truyện ngắn của ông đã góp phần tái hiện những trầm luân của một xã hội nhiễu nhương và bi đát, với bút pháp giản dị mà có sức nén, khiến cho những ẩn nghĩa của câu chuyện có thể kéo dài và còn lan xa.

 Đề tài truyện ngắn của Chinh Ba phần lớn dành cho những suy ngẫm về sự sống, cái chết, cảm nhận về những thân phận khốn cùng của con người. Mở đầu tập truyện - truyện ngắn Khát nắng vẽ ra một ngục đá tối tăm, lạnh lẽo. Chuyện kể về một người tù bị chôn vùi phần đời của mình trong ngục tối và ước nguyện sau cùng của lão là có một tia nắng rọi thẳng vào mặt mình từ trên vách đá cao. Bởi lẽ: “Lão chỉ biết rằng một phần đời người của lão đã không có nắng rọi vào. Nên trước khi chết lão thèm một tia nắng chiếu vào mặt, chiếu vào đôi mắt ngập bóng tối của lão; để da mặt lão nóng dậy lên, để mắt lão nhìn thẳng mặt trời...”. Thế nhưng, điều đánh đổi tưởng như tầm thường và nhỏ mọn ấy, lão đã phải đánh đổi bằng chính cái chết.

Thằng Chằng, là một truyện ngắn của những vết thương chưa kín miệng để lại từ cuộc chiến tranh chưa phai. Chẳng hạn vấn đề khác biệt và kỳ thị màu da, mẹ vàng con đen. Thằng Chằng lớn lên trong bối cảnh như vậy. Nó hoàn toàn cô đơn và lạc lõng: “Cả một xóm, cả một làng ai thương nó đâu mà hòng nó chơi với...”. Bi kịch lớn nhất ở chỗ, thằng Chằng chẳng biết cha nó là ai? Bởi tóc nó quắn riết, da nó đen, thì có ai giống nó đâu mà để nhận là cha. Dù cuối cùng, mẹ nó bảo nó gọi một người là cha...

Mồ sống cũng là một truyện ngắn khá lạ, kể về một thanh niên bị tàn phá cơ thể, gần như tự chôn sống mình để cách ly xã hội. Thế nhưng, ở chốn huyệt lạnh, tối tăm tưởng chừng thế gian không hay biết ấy, vẫn có cơ duyên đẩy đưa, để sự sống đơm hoa: “nàng đã thở cái hơi hám đó trong lòng huyệt, nàng đã chung đụng với người đàn ông ở chỗ chật hẹp đó để sinh ra đứa con thơm tho này…”.

 Truyện ngắn của Chinh Ba không phải là nỗi ám ảnh trực tiếp từ chiến trường khốc liệt, mà nó được sinh sản từ những hệ lụy, những số phận trong vòng xoáy của chiến tranh. Do vậy, bên cạnh những số phận bi thương, những cái chết không bình an, những cảm xúc dữ dội và bạo liệt..., Chinh Ba vẫn dành lại những không gian nhất định cho những tình yêu nên thơ và lãng mạn (Hai vì sao lạc, Kẻ hở bàn tay, Tháp tình của đá...). Nơi ấy, với ông, trước cái chết, tình yêu vẫn đầy lạc quan, vĩnh hằng.

Bài thơ trên xương cụt, dù đã in cách đây gần 50 năm, thế nhưng vẫn còn giữ lại một ấn tượng đặc sắc cho những ai từng đọc nó. Nội dung truyện nói về những xung đột, ghen tuông, ngờ vực của Ba Lò Heo – một gã đàn ông thô lỗ thường xuyên say rượu dành cho cô vợ Út Lệ - một phụ nữ có tâm hồn nghệ sĩ thường gởi lòng qua những câu hát ru con. Thế nhưng, ẩn chứa trong câu chuyện, người đọc hiểu ra, những diễn biến khi vờ vĩnh, khi thô bạo, chẳng khác nào cách hành xử của nhà cầm quyền thời ấy đối với văn nghệ sĩ,  một kiểu quyền lực hắc ám đối với văn chương vô cùng trâng tráo. Bởi đó là thời của kiểm duyệt, tịch thu, tù tội... nếu bày tỏ thái độ bất đồng với nhà cầm quyền.
 
Cuối truyện có đoạn: “Kể từ đó, hễ nhìn bất cứ vào cái gì có hình chữ nhật – nhất là những trang giấy trắng trên bàn viết của tôi – thì tôi nghĩ đến tấm gương soi của lão Ba Lò Heo, và thấy nguyên cả một sự tục tĩu kèm với bài thơ trên xương cụt, thấy nguyên cả hiện tình văn nghệ tồi tàn của gia đình lão. Những đêm khuya, nhìn tấm vách lá, tôi lại nhớ tới tiếng hát của Út Lệ. Tôi tin rằng trong một thôn xóm nghèo nàn nào đó, dù đang đói rách, người nghệ sĩ ấy cũng đang được tự do hát những bài hát mà mình ưa thích”.

Nhà phê bình Hoàng Như Phương nêu nhận định: “Nếu mỗi nhà văn chỉ cần một truyện ngắn sâu sắc, hấp dẫn để người đời ghi nhớ thì với Chinh Ba, truyện ngắn đó là “Bài thơ trên xương cụt”. Dù là người dè dặt, tôi cũng phải đồng ý với nhà thơ Nguyễn Đức Tùng, rằng đây là một trong những truyện ngắn hay nhất của văn học Việt Nam thế kỷ XX”.

Suốt mấy chục năm qua, định cư ở Pháp, nhà văn Chinh Ba đã không ít lần về thăm quê nhà để tìm lại những kỷ niệm ấu thơ và những dấu tích nguồn cội tổ tiên. Tuy nhiên, ông chưa nghĩ đến việc sưu tập lại những bản thảo văn học của mình đã viết trước đây. Nếu không có được sự động viên, giúp đỡ của người em ruột – nhà thơ Chinh Văn cùng các thân hữu như Hoài Khanh, Trần Hoài Thư, Nguyên Minh, Đặng Tiến, Chu Ngạn Thư... chưa hẳn Bài thơ trên xương cụt có dịp đến với bạn đọc chúng ta hôm nay.

TRẦN TRUNG SÁNG
;
.
.
.
.
.