.
Hồ sơ Tên đường: Đường Ngô Quyền (phần 1)

Người kết thúc hơn một nghìn năm Bắc thuộc

.
Ngô Quyền, vị vua đầu tiên của nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam đã lập nên những chiến công rạng danh muôn thuở khiến người phương Bắc cũng phải nể sợ.

Mô tả ảnh.
Ngô Quyền chỉ huy trận Bạch Đằng năm 938.
Ngô Quyền sinh năm 897, người làng Đường Lâm, nay là xã Đường Lâm, huyện Ba Vì, Hà Nội. Là con một hào trưởng địa phương, được cha dạy bảo, Ngô Quyền từ tấm bé đã tỏ ra có ý chí lớn. Sử cũ miêu tả ông “vẻ người khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi như cọp, có chí dũng, sức có thể nhấc vạc giơ cao”. Ông lớn lên khi chính quyền đô hộ của nhà Đường tại Tĩnh Hải quân đang suy yếu và tan rã.

Năm 920, Ngô Quyền đi theo Dương Đình Nghệ, vị anh hùng dân tộc từng có công đánh đuổi giặc Nam Hán, chiếm được thành Đại La năm 931. Họ Dương lên cầm quyền, tự xưng Tiết độ sứ, giao Ngô Quyền cai quản Châu Ái và gả con gái cho. Ngô Quyền, trong 7 năm (931 - 938) quản lĩnh đất Ái Châu đã trổ tài lực, đem lại yên vui cho dân trong hạt.

Năm 937, Dương Đình Nghệ bị thuộc tướng Kiều Công Tiễn giết hại để đoạt chức Tiết độ sứ, gây nên làn sóng bất bình, căm phẫn trong dân chúng. Ngô Quyền, với danh nghĩa là bộ tướng và con rể của họ Dương, tập hợp lực lượng chống lại Kiều Công Tiễn. Bị cô lập, Kiều Công Tiễn hoảng sợ, vội vã sai người sang cầu cứu nhà Nam Hán. Nam Hán Cao Tổ sai Lưu Hoằng Tháo đem hai vạn quân, dùng chiến thuyền sang xâm lấn Tĩnh Hải quân.

Ngô Quyền đem quân từ Châu Ái ra bắc, diệt trừ Kiều Công Tiễn, bêu đầu ngoài cửa thành Đại La (Hà Nội). Kế sách trước trừ nội phản, sau diệt ngoại xâm đã được thực hiện.

Ông vào thành, họp các tướng tá, bàn rằng: “Hoằng Tháo là một đứa trẻ dại, đem quân từ xa đến, quân lính mỏi mệt, lại nghe được tin Công Tiễn đã bị giết chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta sức còn mạnh, địch với quân mỏi mệt, tất phá được! Song chúng có lợi ở thuyền, nếu ta không phòng trước thì chuyện được thua cũng chưa thể biết được! Nếu ta sai người đem cọc lớn đóng ngầm ở cửa biển trước, vạt nhọn đầu mà bịt sắt, thuyền của chúng nhân khi nước triều lên, tiến vào bên trong hàng cọc, bấy giờ ta sẽ dễ bề chế ngự. Không kế gì hay hơn kế ấy cả”.

Chư tướng đều phục kế sách ấy là tuyệt vời.

Ngô Quyền huy động quân dân vào rừng đẵn gỗ, vót nhọn, bịt sắt rồi cho đóng xuống lòng sông tạo thành một bãi cọc. Ông cho bộ binh mai phục sẵn hai bên bờ sông để cùng phối hợp với thủy binh đánh tạt ngang vào đội hình quân giặc. Một đội quân giỏi bơi lặn và quen thuộc sông nước được giao nhiệm vụ khiêu chiến, nhân lúc nước triều lên, nhử địch vượt qua bãi cọc vào cạm bẫy bên trong.

Cả đoàn binh thuyền của giặc vừa vượt biển tiến vào mạn sông Bạch Đằng đã lâm vào thế trận đã bày sẵn và bị tiêu diệt gọn trong một thời gian rất ngắn. Quân giặc, toàn bộ chiến thuyền bị đánh đắm, hầu hết quân sĩ bị tiêu diệt. Lưu Hoằng Tháo bị giết tại trận.

Năm 938, chiến thắng Bạch Đằng diễn ra nhanh, gọn, đến độ vua Nam Hán đang đóng quân ở sát biên giới cũng không sao tiếp ứng kịp. Quá bất ngờ và kinh hoàng, chúa Nam Hán đành thương khóc thu nhặt tàn quân quay về nước.

Chiến thắng Bạch Đằng đã chính thức kết thúc hơn một nghìn năm Bắc thuộc, mở ra một thời kỳ độc lập lâu dài của Việt Nam.

Ngợi ca Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng, nhà sử học Lê Văn Hưu viết trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của đất Việt ta mà phá được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một cơn giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy”.

LÊ GIA LỘC
;
.
.
.
.
.