.

Hiện vật tháng Tám

.

Cuộc cách mạng long trời lở đất vào mùa thu năm 1945 đã để lại dấu ấn trong lịch sử nước nhà. Ghi lại chiến thắng vẻ vang đó có những trang viết hào hùng và có cả những câu chuyện cảm động giấu sau từng hiện vật.

Ai có gươm dùng gươm…

 

Mô tả ảnh.
 

Dừng chân ở khu trưng bày hiện vật liên quan đến Cách mạng Tháng Tám ở Bảo tàng Đà Nẵng, có thể nhận thấy một loạt những loại vũ khí thô sơ do người dân Hòa Vang, Đà Nẵng, Thăng Bình... tự tạo để xuống đường giành chính quyền trong mùa thu năm 1945. Mũi giáo của ông Nguyễn Văn Mùi ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng; mã tấu của ông Trần Tác và lưỡi kiếm của ông Hà Ngộ đều ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam…

Theo chú thích về lưỡi kiếm của ông Huỳnh Quang Vinh (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) ghi ở hiện vật, chúng tôi đã gặp ông Tán Kim, cán bộ văn hóa – xã hội của xã Hòa Phong để tìm hiểu về thời điểm người dân phía Tây Nam Đà Nẵng này xuống đường làm cuộc cách mạng long trời lở đất ngày trước. Phòng trưng bày truyền thống xã Hòa Phong hiện còn giữ một số lưỡi mác, kiếm, giáo mà người dân Hòa Vang xưa từng dùng làm vũ khí đi cướp chính quyền. Trong đó có một số lưỡi dụ, ông Kim giải thích là tiếng Cơtu, có nghĩa là vũ khí để đâm.

 

Tôi đã có lần nghe ông Nguyễn Nhàn ở thôn Cẩm Toại, xã Hòa Phong, kể chuyện ngày 16-8-1945 ông từng hòa cùng đoàn người khắp 16 xã trong tổng kéo về sân vận động An Phước, khi ông mới 26 tuổi. Lúc đó, đình Cẩm Toại được chọn làm địa điểm hội họp và cất giấu vũ khí. Vũ khí là gọi cho oai vậy, chứ thực tế chỉ là gậy gộc, giáo mác, dao rựa các loại được “chế tạo” tại các lò rèn ở Phú Sơn, Hương Lam. Đường ray xe lửa lúc đó là nguồn vật liệu, cứ tối tối, tự vệ bí mật xuống tháo sắt về rèn vũ khí.

 

Mô tả ảnh.
Bảo tàng Đà Nẵng hiện lưu giữ gần 200 hiện vật liên quan đến Cách mạng Tháng Tám 1945.  TRONG ẢNH: Phân loại các hiện vật bằng kim loại tại Bảo tàng.

Ông Nhàn cầm chiếc phạng phát bờ, nhiều người không biết lấy gì làm vũ khí, đành lăm lăm trong tay con dao phay chặt chuối, đứng vào hàng ngũ những người đi làm cuộc cách mạng. Chỉ với vũ khí có gì dùng nấy, hàng nghìn người đã tỏa đi khắp tổng cướp chính quyền rồi lũ lượt băng bộ, cắt đường tắt tiến về giải phóng Bà Nà. Với khí thế sục sôi cách mạng, 6 ngày sau, 22-8, huyện Hòa Vang đã hoàn toàn giải phóng. Ngày 24-8, hơn 5 nghìn đồng bào toàn huyện, trong đó có nhiều người dân tộc thiểu số, tập trung về sân vận động An Phước dự mít -tinh mừng cách mạng thành công và ra mắt Ủy ban Nhân dân cách mạng Hòa Vang.

Gậy gộc, giáo mác thô sơ, một khi được trui rèn trong lửa đỏ của lòng yêu nước đã biến thành vũ khí đúng nghĩa. Điều này đã được khẳng định qua lời kêu gọi cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh hơn một năm sau đó khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa: “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.

 

Phía sau hiện vật 

Bảo tàng Đà Nẵng hiện lưu giữ gần 200 hiện vật liên quan đến Cách mạng Tháng Tám 1945, trong đó có một số hiện vật do các quận, huyện gửi về. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Trưởng phòng Nghiên cứu-Sưu tầm (Bảo tàng Đà Nẵng), Bảo tàng chỉ chọn trưng bày một số hiện vật đã được xác minh rõ nguồn gốc, gắn liền với chủ nhân và sự kiện lịch sử. Đó là những hiện vật mà chủ nhân của chúng còn sống và trực tiếp kể lại chuyện cũ với người làm công tác bảo tồn - bảo tàng, những hiện vật vô tri từ đó đã có một cuộc đời riêng, gắn với những cảm xúc vui buồn, đau thương mà anh dũng.

 

Mô tả ảnh.
Nồi đồng của bà Trả ở Sơn Trà (trái) và ống đựng nước của ông Muôn ở Tam Kỳ là hai trong những hiện vật tháng Tám có giá trị tại Bảo tàng Đà Nẵng.


Thực ra, nếu không được sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, các cựu tù, các vị lão thành cách mạng còn sống... thì công tác xác minh hiện vật không phải bao giờ cũng được thuận lợi. 6 năm trước, ông Thiện kể, có lần anh em Bảo tàng theo ông Phan Văn Nghệ, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), để xác minh một nhân vật ở Ngũ Hành Sơn. Thấy ông đã có tuổi mà chạy chiếc Cúp 81, anh em ai cũng ngại, bảo ông lên chiếc U-oát của Bảo tàng đi cho khỏe. Ông bảo:  “Chạy xe máy quen rồi, chừ ngồi lên xe con không nhớ đường”. Chiếc Cúp 81 là bạn đồng hành của ông Nghệ trong suốt nhiều năm ông tìm tòi, phát hiện những ai còn giữ hiện vật để báo ngay cho Bảo tàng. Bản thân ông cũng tặng cho Bảo tàng một khẩu súng.

 

Những hiện vật từ 1945 đến nay thường thì chất lượng không còn được tốt. Làm lý lịch, đánh giá, xử lý hiện vật... đều phải cẩn trọng từng công đoạn. Như chất liệu vải đã cũ thì không được dùng hóa chất, xử lý khô rồi đưa vào bao ni-lông; hiện nay Bảo tàng đã trang bị được hộp chống ẩm nên công đoạn này không còn vất vả nữa. Riêng đối với chất liệu kim loại như súng ống, đao kiếm, giáo mác... bị gỉ sét thì phải ngâm dầu vài ngày cho rã phần đã hư hại ra, lau khô rồi lau dầu, sau đó đem phơi khô rồi phủ một lớp dầu Toa chống gỉ sét.

Tỉ mẩn, cẩn trọng, khoa học là những đức tính của người làm công tác bảo tồn - bảo tàng. Mỗi khi đưa ra trưng bày một hiện vật là muốn giới thiệu đến khách tham quan một cách bền lâu những giá trị nhân văn của một giai đoạn lịch sử. Nhìn ống đựng nước có khắc dòng chữ “Kỷ niệm độc lập 2-9” của ông Lê Văn Muôn ở Tam Hiệp, Tam Kỳ, ta như cảm nhận được vị ngọt của ngụm nước năm xưa tháng Tám, thời điểm ông dùng ống để đựng nước khi đi dân công phục vụ chiến trường. Chiếc nồi đồng của bà Phạm Thị Trả ở phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng thì kể cho ta nghe về những bữa cơm ấm áp tình quân dân mà bà đã dùng nồi nấu cho các đồng chí hoạt động cơ sở giai đoạn 1945-1954...   

Cuộc trường chinh bảo vệ Tổ quốc trên vùng đất Hòa Vang, Đà Nẵng đã được khắc họa bằng chính máu xương của người dân nơi này. Không ít người đã nằm xuống nhưng những câu chuyện về một quãng đời thanh xuân của họ vẫn còn lấp lánh đâu đó sau những hiện vật nay đã xấp xỉ tuổi “xưa nay hiếm”…

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.