.

Đường mang tên một bến đò lịch sử

.

Nghị quyết số 71/2008/NQ/HĐND ngày 4-12-2008 của HĐND thành phố Đà Nẵng đã đặt tên Chương Dương cho một con đường nằm dọc theo hữu ngạn sông Hàn, từ cầu Trần Thị Lý đến cầu Tiên Sơn (ảnh).

Mô tả ảnh.
 


Chương Dương là tên một bến đò ở hữu ngạn sông Hồng, nay là tên một xã thuộc huyện Thường Tín, Hà Tây. Trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 2 năm 1285, nơi đây đã diễn ra một chiến trận quan trọng quyết định thắng lợi của quân dân nhà Trần với quân giặc ngay trên mảnh đất kinh thành Thăng Long.

 

Lúc bấy giờ đại binh của Thoát Hoan đóng tại Thăng Long, còn chiến thuyền của quân xâm lược thì đóng ở bến Chương Dương.

 

Quân Nguyên, sau hơn 4 tháng ồ ạt tiến vào Đại Việt, cậy quân đông, muốn đánh lớn vài trận để nhanh chóng kết thúc chiến tranh nhưng không tài nào buộc được quân chủ lực nhà Trần nghênh chiến trực diện. Chúng càng tiến sâu để truy tìm quân ta thì bị đánh lúc ở sau lưng, lúc ở hai bên sườn, càng bị thương vong tổn thất nhiều. Rốt cuộc, quân giặc rơi vào tình thế lúng túng, khốn quẫn, tiến thoái lưỡng nan.

Bị động, Thoát Hoan buộc phải phân tán quân đến đóng ở các đồn nhỏ dọc sông Hồng từ Thăng Long đến Thiên Trường, Trường Yên để đối phó với quân ta. Không thực hiện được ý đồ hội quân với Toa Đô ở phía Nam, đạo quân Thoát Hoan trở nên cô lập ở kinh thành Thăng Long.

Tinh thần của quân giặc càng lúc càng trở nên sa sút, khốn đốn vì thiếu ăn. Quân dân nhà Trần trước khi rút lui khỏi Thăng Long đã kịp thời chuyên chở hoặc cất giấu hết lương thực. Thoát Hoan xin viện binh đưa lương thảo từ biên giới sang, nhưng mọi ngả đường đều bị quân Trần bịt kín. Túng thế, quân giặc mò ra khỏi thành đi cướp lương thực, đến đâu cũng bị quân ta chặn đánh. Thêm vào đó, do không hợp thủy thổ, thời tiết nóng nực, nên quân giặc vốn đã mỏi mệt, đói ăn càng dễ ốm đau, mắc bệnh. Chúng đâm ra chán nản, không thiết đánh mà chỉ muốn trở về nước.

Thời cơ tổng phản công đã điểm. Sau chiến thắng Hàm Tử quan trọng đập tan đội hải thuyền hùng hậu của nguyên soái Toa Đô, Trần Quốc Tuấn quyết định tập kích Chương Dương. Xác định Chương Dương là cứ điểm tiền tiêu, là lá chắn bảo vệ phía nam Thăng Long, vừa là mắt xích quan trọng của tuyến phòng thủ nam sông Hồng, vừa là căn cứ đường thủy của địch, Trần Quốc Tuấn lập mưu đưa một lực lượng lớn quân ta bất ngờ tập kích Chương Dương để nhử quân địch.

Nghe tin, Thoát Hoan đứng ngồi không yên, bởi để mất Chương Dương thì Thăng Long sẽ bị uy hiếp và hoàn toàn cô lập, mất hết hy vọng hội quân với Toa Đô. Vì thế, y vội vã điều quân tinh nhuệ đi cứu Chương Dương.

Tất cả diễn ra đúng như dự đoán của Trần Quốc Tuấn. Quân ta một mặt phục binh tiêu diệt quân giặc ngay trên đường chúng đi ứng cứu Chương Dương, một mặt thừa cơ quân giặc sơ hở bỏ ngỏ Thăng Long, quân ta bao vây đánh úp cơ quan đầu não của giặc. Quân Nguyên đại bại phải bỏ thành Thăng Long vượt sông Hồng giữ mặt Kinh Bắc (Bắc Ninh ngày nay). Trần Quang Khải đưa quân vào chiếm lại thành Thăng Long, cho người báo tin về kinh đô.

Sau trận Chương Dương, Trần Quốc Tuấn biết Thoát Hoan tất phải bỏ kinh thành tháo chạy, nên cắt cử Phạm Ngũ Lão dẫn quân mai phục bên cánh rừng cửa ải Nội Bàng, truy kích tàn quân của Thoát Hoan, khiến chúng lại một phen táng đởm kinh hồn.

Trong vòng hai tháng, sau hai lần đại phá quân Nguyên tại Hàm Tử và Chương Dương, khí thế của Đại Việt trở nên rất mạnh. Liên tiếp sau đó quân ta đã thắng nhiều trận và đuổi được Thoát Hoan về Trung Quốc.

Ngày nay, địa danh Chương Dương lịch sử với trận đánh lừng lẫy đã được đặt tên đường phố trên cả nước, lưu dấu một thời hùng anh của Đại Việt, với trình độ nghệ thuật quân sự phát triển cao đã một lần nữa phá tan mộng xâm lăng của phương Bắc.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.