.

Chung một chiến hào

.

Từ những ngày thơ bé, chứng kiến cảnh bom đạn tàn phá quê hương, bao nhiêu người thân đã hy sinh, chúng tôi đã sớm nung nấu lòng căm thù giặc và ý chí tiếp bước cha anh. Trung tá Hồ Thanh Hưng, Phó Công an quận Thanh Khê chia sẻ.

Tấm gương phấn đấu không ngừng

 

Mô tả ảnh.
Đồng chí Văn Hữu Chiến thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước trao Huân chương BVTQ cho thân nhân của đồng chí Trần Hơn, nguyên Phó Giám đốc CA QN-ĐN. (Ảnh: Ngọc Phú)


Gặp Thượng tá Trần Đình Hương tại trụ sở Công an quận Thanh Khê, câu chuyện của chúng tôi luôn bị ngắt quãng bởi những lượt khách ra vào. Trong sự bận rộn đó, anh đã dành riêng cho chúng tôi những giây phút nói về người cha đầy yêu kính của mình: Ông Trần Hơn, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (QN - ĐN).

 

Ngay từ những ngày tiền khởi nghĩa,  ông Trần Hơn  đã tham gia Cách mạng ở Ủy ban Hành chính kháng chiến xã, rồi chuyển sang làm công an xã. Đến năm 1953 ông là một trong số nhiều cán bộ được điều động ra Bắc học tập để trở về phục vụ chiến trường miền Nam. Khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, ông được giữ lại làm cán bộ tại Trường Công an Trung ương (tiền thân của Học viện An ninh bây giờ), sau đó chuyển về làm công tác tổ chức cán bộ tại Phòng miền Nam của Bộ Công an.

Chiến tranh ác liệt, vất vả cực nhọc, có thời kỳ đi làm công tác dân vận, ông đã đạp xe từ Hà Nội vào tận Quảng Bình, đi đến đâu làm công tác ở đó. Năm 1977 ông trở về Đà Nẵng phụ trách Phòng Tổ chức cán bộ của Ty Công an QN - ĐN; năm 1979 làm Bí thư Đảng ủy Công an tỉnh, sau đó là Phó Giám đốc Công an QN - ĐN. Năm 1990 ông nghỉ hưu, nhưng vẫn tham gia công tác Đảng ủy tại phường Thuận Phước suốt 3 nhiệm kỳ.

Trong suy nghĩ của những người con, ông Trần Hơn là người cha cần mẫn, mực thước. Thời kỳ gia đình còn tập kết ngoài Bắc, mặc dù đời sống khó khăn, vất vả trăm bề nhưng ông luôn là tấm gương lớn của các con về sự phấn đấu không ngừng.

Vợ chồng ông Trần Hơn vốn là người QN-ĐN, nên những ngày mới ra Bắc tập kết và sinh sống, mỗi lần có học sinh miền Nam ra, ông bà lại đón tiếp rất ân cần, thăm hỏi chuyện quê hương. Ngay từ những ngày đó, truyền thống yêu quê hương, đất nước đã ngấm vào trong từng suy nghĩ của những người con, để sau này khi lớn lên, họ đã bước chân vào ngành công an như một sự chọn lựa. Cho đến tận bây giờ, hình ảnh người cha vẫn là niềm tự hào của con cháu về sự mẫu mực, liêm khiết, là tấm gương lớn để con cái  noi theo và phấn đấu không ngừng nghỉ. Với anh Trần Đình Hương, việc giáo dục con phải bắt đầu từ trong những sinh hoạt thường ngày, để các con hiểu và biết về truyền thống của cha ông. Không riêng gì Thượng tá Trần Đình Hương mà người em gái Trần Thị Bích Hường cũng nối tiếp truyền thống của gia đình. Hiện chị công tác tại Phòng An ninh Chính trị nội bộ-Công an TP. Đà Nẵng.

Vừa rồi, ông Trần Hơn được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhì, đó là niềm vinh dự, tự hào của cả gia đình.

Tiếp bước cha ông

Mỗi khi nhắc tới người cha của mình-Trung tá Hồ Hoàng, Phó phòng Hậu cần Công an tỉnh QN-ĐN – hai anh em anh Hồ Thanh Hưng và Hồ Thanh Quyệt luôn mải mê với những câu chuyện kể đầy tự hào.

Trong ký ức của các anh, Trung tá Hồ Hoàng là người cha hết lòng vì công việc. Ông đã từng tham gia cách mạng ở Vĩnh Điện, Tam Kỳ những ngày tiền khởi nghĩa. Năm 1954 ông tập kết ra Bắc. Năm 1965, ông quay lại miền Nam công tác tại Ban An ninh tỉnh Quảng Đà. Năm 1971 ra Bắc học bồi dưỡng nghiệp vụ. Năm 1975, công tác tại Công an tỉnh QN - ĐN. Suốt một thời gian dài ông Hoàng vắng nhà  biền biệt bởi những chuyến đi công tác. Mẹ của các anh vẫn bám trụ tại quê hương Điện Tiến, Điện Bàn. Bà đã thay chồng nuôi dạy các con, và tham gia hoạt động kháng chiến ở địa phương.

Ở mảnh đất ác liệt, ngày địch, đêm ta, ý thức cách mạng được hun đúc trong điều kiện chiến tranh khốc liệt, người anh hai Hồ Thanh Quyệt đã sớm hiểu được giá trị của cuộc sống hòa bình, độc lập. Anh đã tham gia vào lực lượng du kích địa phương từ khi mới 15 tuổi rồi làm liên lạc cho cha tại đặc khu Quảng Đà. Đến 1975 từ chiến khu trở về tiếp quản Đà Nẵng, anh làm công an vũ trang, sau đó chuyển sang lực lượng cảnh sát thuộc Công an QN - ĐN.

Sau khi luân chuyển công tác tại các phường Bình Thuận, Vĩnh Trung, Hải Châu, đến khi tách tỉnh 1997, anh về công tác tại Công an quận Hải Châu. Vợ anh là Thượng tá Phạm Thị Tuyết Lan, con trai là Đại úy Hồ Thanh Bình hiện là thạc sĩ chuyên ngành cảnh sát điều tra - Công an thành phố, con gái là Thượng úy Hồ Thị Hải Vân, cảnh sát Phòng An ninh kinh tế. Các con dâu, con rể cũng là người trong ngành công an. Hai người em của Trung tá Quyệt cũng bước tiếp con đường cha anh đã đi. Trung tá Hồ Thanh Quyện, Trung tá Hồ Thanh Hưng hiện đều công tác tại địa bàn quận Thanh Khê.  Gia đình có tới 9 người là cán bộ công tác trong ngành Công an của Trung tá Hồ Hoàng như một cội rễ vững chắc, để mỗi thành viên luôn được tiếp sức cho hành trình sống và cống hiến.

Trung tá Hồ Thanh Hưng chia sẻ: Từ những ngày thơ bé, chứng kiến cảnh bom đạn tàn phá quê hương, xóm làng, trong tâm hồn những người con như chúng tôi đã nung nấu lòng căm thù giặc rất lớn. Càng lớn lên, chúng tôi càng thấu hiểu những việc cha anh mình đang làm, thương yêu, quý trọng vô cùng bao đồng bào, đồng chí đã  anh dũng hy sinh để có được độc lập tự do cho nước nhà.

 

thu-ha1.jpg
Tiếp nối truyền thống gia đình, trong công việc Trung tá Hồ Thanh Hưng luôn phấn đấu không ngừng nghỉ.


Anh Hưng đã theo học tại Trường Đại học An ninh (Học viện An ninh) như một sự chọn lựa để cống hiến một phần công sức nhỏ bé của mình cho đất nước. Cháu Hồ Thanh Đức con trai anh Hưng, năm nay mới bước vào lớp 5 nhưng đã rất thích trở thành một chiến sĩ công an để được bắt tội phạm. Trong khi bạn bè cùng tuổi thích xem các chương trình hoạt hình thì Đức lại rất mê chương trình Vì an ninh Tổ quốc. Khi hỏi về định hướng tương lai cho các con, anh Hưng nói rằng, ngành nào cũng tốt nhưng với truyền thống của gia đình, anh rất mong con mình sẽ tiếp tục theo ngành.

 

Những gia đình có truyền thống trong ngành Công an như gia đình ông Trần Hơn, Trung tá Hồ Hoàng là những điển hình mẫu mực. Họ thực sự là những chiến sĩ cùng chung một chiến hào:

“Lớp cha trước lớp con sau
Đã thành đồng chí chung câu quân hành” (*)

THU HÀ

(* ) Tiếng hát sang xuân – Tố Hữu.

;
.
.
.
.
.